Huyện Thăng Bình có tổng cộng 17 sản phẩm OCOP, trong đó có 15 sản phẩm 3 sao, 2 sản phẩm 4 sao. Địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan và chủ thể tập trung vào nhiệm vụ vừa tăng số lượng vừa nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Công ty TNHH Yến sào Đất Quảng (thôn Trà Đóa, xã Bình Đào, Thăng Bình) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trên địa bàn tỉnh trong công nghệ dẫn dụ yến vào nhà để khai thác tổ. Với việc đầu tư kỹ thuật, công nghệ cùng những điều kiện thuận lợi về địa lý, sản phẩm Yến sào Đất Quảng không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh, chinh phục thị trường trong và ngoài tỉnh.
Với những thế mạnh đó, từ năm 2012 đến nay, công ty liên tiếp mở rộng các nhà nuôi yến và đầu tư mẫu mã, bao bì, kèm theo đó là các chiến lược maketting để quảng bá sản phẩm.
“Chúng tôi đang hướng đến xây dựng mô hình nhà nuôi yến kết hợp với tham quan du lịch để người dân có thể tham gia và tìm hiểu thực tế về quá trình nuôi, sản xuất yến. Cơ sở mong muốn Nhà nước có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc vay vốn đầu tư cũng như địa điểm để xây dựng nhà nuôi yến, nhà trưng bày sản phẩm” – chị Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Đất Quảng mong muốn.
Theo ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Quảng Nam, có OCOP, các sản phẩm nông thôn, làng nghề như được khoác trên mình chiếc áo mới. Nhưng để chiếc áo này luôn đẹp và bền, thì chính chủ thể cũng đòi hỏi phải tự vận động, quảng bá, xây dựng hình ảnh và đảm bảo chất lượng.
Ông Sinh cho rằng, cần xác định Chương trình OCOP mang tính dài hạn, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn. Chương trình OCOP sẽ tập trung phát triển các sản phẩm có thế mạnh, lợi thế và đặc trưng của địa phương.
Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ, đổi mới, sáng tạo để thúc đẩy chế biến, gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP đặc sắc và có giá trị cao với mục tiêu lớn nhất là đem lại nguồn thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết: “Chương trình OCOP của huyện từ năm 2018 đến năm 2020 đã thu hút được 14 chủ thể tham gia với 17 sản phẩm. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp, địa phương và chủ sản phẩm OCOP để nâng cao hơn nữa giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương”.