Bánh tráng mè đen Huỳnh Mỹ Thọ Tân sản xuất bằng công nghệ tự động

BÙI HUÂN 04/08/2022 10:03

(QNO) – Với mong muốn vực dậy nghề làm bánh tráng gạo mè đen gia truyền, bà Huỳnh Thị Dương Mỹ (thôn Thọ Tân, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) đã đầu tư máy móc tự động trong quy trình sản xuất. Chính vì vậy, năm 2019, thương hiệu bánh tráng gạo mè đen Huỳnh Mỹ Thọ Tân đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao và doanh thu của cơ sở này lên đến 300 triệu đồng/tháng. 

Cô Huỳnh Thị Dương Mỹ với thương hiệu bánh tráng mè đen Huỳnh Mỹ Thọ Tân. Ảnh: B.H
Bà Huỳnh Thị Dương Mỹ với thương hiệu bánh tráng mè đen Huỳnh Mỹ Thọ Tân. Ảnh: B.H

“Giữ lửa” nghề truyền thống

Thôn Thọ Tân (xã Tam Ngọc) có nghề sản xuất bánh tráng gạo từ lâu đời, hiện nay có khoảng 30 hộ duy trì nghề truyền thống này. Nhưng chỉ có cơ sở Huỳnh Mỹ Thọ Tân là ứng dụng công nghệ hiện đại khi sử dụng máy sản xuất bánh tráng tự động. Bánh tráng Huỳnh Mỹ là đại diện thương hiệu của bánh tráng mè đen làng Thọ Tân, là món ăn quen thuộc của người dân Tam Kỳ.

Bà Mỹ chia sẻ, khi tiếp quản nghề làm bánh tráng của gia đình thuận lợi là những công thức và nguyên liệu làm bánh bà Mỹ nắm rất rõ vì trước đây khi nào rảnh rỗi  bà hay phụ giúp bà ngoại, giúp mẹ làm việc này. Còn khó khăn ban đầu là bạn hàng mua bánh tráng chỉ quanh quẩn ở địa phương, chưa mở rộng thị trường ra các địa bàn lân cận.  


Toàn cảnh khu sản xuất bánh tráng mè đen. Ảnh: B.H
Toàn cảnh khu sản xuất bánh tráng mè đen. Ảnh: B.H

“Năm 2016, mẹ tôi cũng già đi, nhiều người trong làng từ từ bỏ nghề hoặc sản xuất cầm chừng. Tôi quyết định về nối nghiệp làm bánh tráng truyền thống của gia đình, của làng Thọ Tân tiếng tăm, với mong muốn vực dậy làng nghề" - bà Mỹ kể lại.

Bà ngoại của bà Mỹ năm nay 100 tuổi và mẹ ruột 70 tuổi là hai người phụ nữ giúp bà đưa thương hiệu bánh tráng gạo mè đen Huỳnh Mỹ Thọ Tân chinh phục sản phẩm OCOP của tỉnh vào năm 2019.

Quy trình sản xuất của bánh tráng gạo Huỳnh Mỹ Thọ Tân trải qua nhiều công đoạn như: chuẩn bị nguyên liệu, trộn bột, mè, tráng bánh, hấp, phơi khô, nướng, bao gói, dán nhãn và thành phẩm. Đặc biệt, khâu vệ sinh nguyên liệu rất quan trọng, nhất là vo gạo, ngâm gạo phải từ 3 – 7 giờ đồng hồ.

Dây chuyền sản xuất bánh tráng tự động giúp cơ sở Huỳnh Mỹ Thọ Tân nâng cao năng suất sản xuất. Ảnh: B.H
Dây chuyền làm bánh tráng tự động giúp cơ sở Huỳnh Mỹ Thọ Tân nâng cao năng suất sản xuất. Ảnh: B.H

Đầu tư máy móc hiện đại

Chịu khó học hỏi, tìm tòi, năm 2018 bà Mỹ ra tận tỉnh Hà Nam để mua máy tráng bánh tự động. Từ khi sử dụng thành thạo máy móc tự động, cơ sở sản xuất bánh tráng Huỳnh Mỹ Thọ Tân đạt năng suất 3 tạ bánh/ngày, trước đây làm thủ công chỉ đạt tối đa 20kg bánh/ngày. Đến nay, cơ sở đầu tư, mở rộng khu nhà xưởng và diện tích phơi bánh với quy mô 3ha.

Cơ sở bánh tráng Huỳnh Mỹ Thọ Tân còn dùng hệ thống máy nướng bằng tia hồng ngoại nên giúp chiếc bánh khi ra lò giòn, xốp và có vị ngon đậm đà. Ngoài ra, bà Mỹ đầu tư một hệ thống máy sấy bánh tráng khi trời mưa. Tổng kinh phí đầu tư máy móc hiện đại hơn 500 triệu đồng.

Trước khi đưa bánh đi phơi nắng phải cố định hình dạng chiếc bánh cho hợp lý, tròn trịa. Ảnh: B.H
Bánh tráng mè đen do cơ sở Huỳnh Mỹ Thọ Tân sản xuất. Ảnh: B.H

Chia sẻ về chọn nguyên liệu làm bánh, bà Mỹ cho hay, gạo và mè đều lấy tại các đại lý thu mua ở địa phương. Tỷ lệ chiếc bánh tráng gồm 80% là gạo, 18% là mè và còn lại 2% là: tiêu Tiên Phước, tỏi, hành, muối, đường… 

“Mùa hè, bánh tráng phơi nắng từ 9 giờ đến 11 giờ, mùa mưa thì dùng máy sấy bánh trong 3 tiếng, ủ 1 tiếng và với nắng mùa đông nên phơi bánh 3 tiếng. Khi thành phẩm, 1 chiếc bánh tráng nướng có đường kính 20cm, giá bán 2 cái và 10 cái bánh tráng lần lượt là 7 nghìn đồng và 30 nghìn đồng. Khách hàng dùng bánh tráng xong nên cột kỹ lại, tránh gió và để ngăn mát tủ lạnh, bánh sẽ vẫn giữ được độ giòn” – bà Mỹ cho biết.

Bánh tráng phải phơi đủ nắng từ 9 giờ đến 11 giờ trong mùa hè. Ảnh: B.H
Bánh tráng phải phơi đủ nắng từ 9 giờ đến 11 giờ trong mùa hè. Ảnh: B.H

Khi tham gia OCOP năm 2019, sản phẩm bánh tráng mè Huỳnh Mỹ Thọ Tân đã có chỗ đứng, tiêu thụ rộng khắp trên thị trường tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đà Lạt… Doanh thu mỗi tháng của cơ sở này hơn 300 triệu đồng.

Máy nướng bánh tráng bằng tia hồng ngoại giúp bánh khi ra lò giòn, xốp và có vị ngon đậm đà. Ảnh: B.H
Máy nướng bánh tráng bằng tia hồng ngoại giúp bánh khi ra lò giòn, xốp và có vị ngon đậm đà. Ảnh: B.H

Hiện nay, cơ sở bánh tráng của bà Mỹ giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương, với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi ngày cơ sở này sản xuất 4 – 5 nghìn chiếc bánh mới phục vụ khách hàng.

[VIDEO] - Quy trình sản xuất bánh tráng gạo mè đen của cơ sở Huỳnh Mỹ Thọ Tân:

Về phát triển thương hiệu bánh tráng mè đen trong tương lai, bà Mỹ thông tin thêm, năm nay bánh tráng Huỳnh Mỹ Thọ Tân sẽ tiếp tục giữ hạng sản phẩm OCOP 3 sao và năm sau sẽ ra mắt sản phẩm mới là bánh tráng lề.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bánh tráng mè đen Huỳnh Mỹ Thọ Tân sản xuất bằng công nghệ tự động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO