Đời sống

Từ làng, mạnh chân mà bước...

THIỆN TÙNG 07/03/2025 16:54

(VHQN) - Những đứa con xa quê, trở về ăn tết. Họ như đứa trẻ được trở lại tắm trong ao làng, tiếp năng lượng để mạnh chân bước theo những ngày mưu sinh dằng dặc...

9d7d8720f4294a771338.jpg
Gia đình nhỏ của tác giả ở Nam Trà My. Ảnh: THIỆN TÙNG

Mấy bận lầm lũi trở về từ núi. Mùi nắng, sương đọng trên da, khiến mẹ tôi bao lần thút thít. Nhưng tết vừa rồi đã khác, tôi mang theo gia đình nhỏ về sum họp. Nụ cười đám trẻ tươi như nắng mới, thay cho mấy nụ mai vàng còn đương ngủ ngon trong sương lạnh. Tết đã về với ông bà dưới xuôi.

Giờ khá giả, ở nông thôn hay miền núi, người dân góp công, góp của, giăng cờ hoa khắp đường to, ngõ nhỏ. Chỉ có điều, căn bếp của mẹ tôi đã loãng mùi kiệu dầm và bánh chưng xanh. Thịt heo ngâm nước mắm tầm đôi ba ký. Mẹ nói: “Làm nhiều, tụi bay cũng có ăn đâu”.

Giao thừa, rồi ba ngày tết, gia đình nhỏ của tôi tranh thủ từng phút giây cạnh những người lớn trong nhà. Mừng tuổi ông bà, thắp hương mồ mả, thăm nội ngoại, đón họ hàng...

Tết về thăm nhà, mừng vì ba mẹ hai bên vẫn khỏe, anh em vẫn thương yêu, bạn bè còn gắn bó. Trong mắt họ, mấy đứa làm ở miền núi như chúng tôi, kể cũng có chút chịu thương, chịu khó. Nên khi hạnh ngộ, những lời chúc và tình cảm thật lòng họ dành cho sắp nhỏ mưu sinh ở xa.

Tết đi qua, đếm bằng mấy mâm cơm cúng bữa. Hết mùng, vợ tôi mới giật mình cảm thán: “Răng tết năm ni nhanh quá!”. Nhanh là phải, vì tết chia cho cả hai bên. Chúng tôi nhìn nhau, rồi nhìn theo đứa con đang chập chững bên mớ hành lý, tiếc cái tết vừa trôi qua...

Tôi lại cất bước theo vòng quay mới. Lòng vẫn mơ về những con sóng lênh đênh. Thuở nhỏ, hết mùng 3 tết, được ngày ba mẹ lại kéo tôi ra sông Đầm bủa lưới, đặt lồng, xong về cất vào xó, đợi hết hội làng rồi mới chính thức cầm sào mưu sinh.

Tôi giật mình vì đã nhiều năm sống xa sông nước, đến với rừng và những khúc núi quanh co. Cái tôi của tuổi trẻ khiến mình nghĩ rằng sẽ được an nhiên nếu sống ở núi. Đâu biết rằng, núi hay sông, đâu đâu cũng sẽ là chốn xô bồ, vì đó là sự vận động tất yếu của xã hội. Chỉ cần lòng trong như con nước, thả mình theo dòng suối của tự nhiên.

Đi từ đồng bằng, qua vùng trung du rồi lên dốc núi, cao dần theo địa hình từ đông sang tây của xứ Quảng, núi rừng Trà My đón chúng tôi bằng tiếng rì rào của thác nước. Khắp các triền đồi thơm ngát hương xuân. Không biết ai đã vẽ cho rừng một màu sâu thẳm, để khỏa lấp đi những lo âu và thương nhớ quê nhà.

Suốt chặng đường ngược núi, thi thoảng, chúng tôi gặp những đoàn người xuôi về thành phố, họ cũng mang theo gia đình đến chốn mưu sinh. Quê tôi có khu công nghiệp, người ở cánh núi về đó rất nhiều. Vậy nên, quê hương của tôi cũng đang cưu mang nhiều người xa xứ.

Tha hương không phải là mất gốc, xa đi cội nguồn. Nhưng đời sống cùng cuộc vận hành của nó buộc mỗi người trẻ phải bước đi. Cuộc đi này phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó có những ngày gần cha mẹ. Cuộc đời còn mẹ cha, tôi tâm niệm có thể không thành danh, nhưng phải sống sao để ba mẹ yên lòng.

Sau lưng tôi bây giờ là vợ, con. Chúng tôi vui vì cuộc sống đã có người đồng hành. Không dưng trong vô thức, tôi nhận ra những chuyến xa nhà bây giờ, cũng là những chuyến trở về tổ ấm nhỏ. Vậy nên, dẫu hành trình có chút bụi bặm, gia đình nhỏ vẫn ngân nga câu hát du xuân...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ làng, mạnh chân mà bước...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO