Ứng phó với thiên tai ở Thăng Bình: Sẵn sàng các nguồn lực

VIỆT NGUYỄN 10/11/2023 10:04

Bão lũ thời gian qua đã gây nhiều thiệt hại ở huyện Thăng Bình. Trong mùa mưa bão năm nay, địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để phòng ngừa rủi ro, ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân xã Bình Hải chằng chống nhà cửa để tránh thiệt hại do bão. Ảnh: Q.VIỆT
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân xã Bình Hải chằng chống nhà cửa để tránh thiệt hại do bão. Ảnh: Q.VIỆT

Linh hoạt ứng phó

Trong năm 2022, bão lũ ở huyện Thăng Bình đã khiến 3 người tử vong, gây thiệt hại hơn 250 tỷ đồng. Trận mưa lớn hồi tháng 10 vừa qua cũng khiến 1 người dân trên địa bàn xã Bình Giang (Thăng Bình) tử vong.

Năm nay, để hạn chế thiệt hại, UBND huyện Thăng Bình đã yêu cầu tất cả cơ quan, ban ngành, địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

Theo Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình, đơn vị chuẩn bị sẵn các điều kiện để tiếp nhận, cứu chữa người khi có thiên tai xảy ra, cấp đủ thuốc dự phòng, nhất là các vùng dễ bị chia cắt trong mùa mưa bão. Lập các trạm sơ cứu điều trị cấp cứu khi có tai nạn đông người do thiên tai xảy ra; xử lý kịp thời dịch bệnh phát sinh sau mùa mưa bão.

Để nâng cao năng lực ứng phó với rủi ro thiên tai, UBND huyện Thăng Bình tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho cán bộ các cơ quan, xã, thị trấn.

Ông Nguyễn Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, để ứng phó với bão lũ hay tình huống thời tiết bất thường, địa phương duy trì lực lượng xung kích phòng chống thiên tai với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, hội chữ thập đỏ, đoàn thanh niên, hội nông dân, cựu chiến binh.

Chính quyền tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó.

Ở xã Bình Đào, nhiều người dân đã được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 32 của HĐND tỉnh để đầu tư chòi/phòng tránh bão. Chòi/phòng trú bão được xây dựng kiên cố, nếu bão lớn xảy ra, người dân có nơi an toàn để tránh trú tại nhà.

Ông Trần Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho biết, cứ vào mùa mưa bão, địa phương kiểm tra, rà soát kỹ, thống kê các địa bàn dân cư trong khu vực trũng thấp để lên kế hoạch di dời các hộ dân đến nơi an toàn.

Đặc biệt có phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, dầu thắp, thuốc cấp cứu, thuốc phòng dịch, thành lập đội ghe, thuyền cứu hộ, cứu nạn… và bố trí lực lượng hỗ trợ để xử lý khi có tình huống xảy ra. “Đối với những khu vực nguy hiểm và nhà người dân không kiên cố, chúng tôi kiên quyết tổ chức di dời dân đến nơi an toàn” - ông Vinh nói.

Đề phòng rủi ro

Theo ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, phòng chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, góp phần bảo vệ cuộc sống người dân và những thành quả phát triển kinh tế - xã hội.

Rất đáng mừng là cùng với nỗ lực của các cấp, ngành chức năng trên địa bàn huyện Thăng Bình, mỗi người dân, cộng đồng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động theo dõi thông tin thời tiết để có biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình và cộng đồng dân cư.

Theo ông Nguyễn Văn Húy, để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc phương châm lấy phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực là chính, dựa vào nhân dân và chính quyền cơ sở là chính.

“Mục tiêu và nguyên tắc trong phòng chống thiên tai của Thăng Bình là huy động mọi phương tiện, nhân lực để đảm bảo an toàn về người, tài sản, bảo vệ sản xuất, hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai gây ra. Bảo vệ an toàn các công trình, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc, các hoạt động của đời sống người dân thông suốt” - ông Húy nói.

Ông Nguyễn Thanh Thảo - Phó Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình cho biết, đã xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo di dời dân vùng hạ lưu các đập nếu cần thiết và giải pháp đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất của người dân.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra các hồ chứa nước Phước Hà, Cao Ngạn, Đông Tiển, bảo dưỡng, vận hành các cửa van, hệ thống kênh mương, đập dâng, điều tiết lũ, bố trí thiết bị dự phòng, đảm bảo công trình vận hành an toàn.

Trong mùa mưa bão năm nay, Đồn Biên phòng Bình Minh đã phối hợp với các địa phương có nghề cá quản lý chặt, kiểm soát tàu thuyền, kiên quyết không để các phương tiện đánh bắt hải sản ra khơi khi hết hạn đăng kiểm, thiếu trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc không đảm bảo...

Lực lượng biên phòng chuẩn bị sẵn các phương tiện, thiết bị để phối hợp với các cơ quan, đơn vị kịp thời cứu hộ, cứu nạn tàu cá, ngư dân nếu gặp sự cố trên biển. Lập kế hoạch và hướng dẫn các tàu thuyền vào nơi tránh bão an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng phó với thiên tai ở Thăng Bình: Sẵn sàng các nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO