Chọn lối đi riêng

HỒNG CƯỜNG 01/06/2020 10:21

Từng làm nhiều nghề và gặp không ít khó khăn do nguồn vốn hạn hẹp, cuối cùng anh Nguyễn Văn Lâm (SN 1990, thôn Hòa An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành) đã tìm cho mình một hướng làm ăn là mở cơ sở ép dầu, đóng góp sức trẻ của mình vào công cuộc phát triển của địa phương.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lâm với sản phẩm dầu được cho ra từ chiếc máy ép công nghiệp đầu tiên của xã. Ảnh: THÁI CƯỜNG
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lâm với sản phẩm dầu được cho ra từ chiếc máy ép công nghiệp đầu tiên của xã. Ảnh: THÁI CƯỜNG

Khởi sự từ đôi bàn tay trắng

Chúng tôi đến thăm cơ sở ép dầu của anh Nguyễn Văn Lâm, nơi đây đầy ắp tiếng nói cười của bà con nông dân về một vụ đậu bội thu. Còn vợ chồng anh Lâm thì tấp nập với công việc điều chỉnh máy móc nhằm cho ra sản phẩm tốt nhất dành cho người tiêu dùng. Anh Lâm cho biết, những ngày còn nhỏ, được đi theo mẹ ép dầu phụng ở những xã cách nhà vài chục cây số. Vì các cơ sở làm thủ công nên phải chờ đợi qua đêm mới có được dầu đem về. Xuất phát từ sự bất tiện đó, năm 2016, anh Lâm mạnh dạn vay mượn 200 triệu đồng để mua trang thiết bị mở cơ sở ép dầu cho riêng mình và phục vụ bà con nhân dân trong vùng.

“Hồi còn thanh niên tôi làm đủ nghề nhưng thiếu ổn định, lại thiếu vốn nên gặp rất nhiều khó khăn, không biết mình phải phát triển kinh tế theo hướng nào. Gia đình nghèo khó, khi cưới vợ, ban đầu hai vợ chồng từ đôi bàn tay trắng, làm ăn tích góp rồi làm liều mới có được cơ sở ép dầu ngày hôm nay” - anh Lâm nói.

Ban đầu vì máy của cơ sở là loại máy ép dầu công nghiệp, nên bà con nhân dân không mấy tin tưởng về chất lượng dầu. Cạnh đó, vì là dân “tay ngang” nên việc sử dụng máy móc mới cũng khiến anh Lâm gặp nhiều khó khăn.

“Không ít lần tôi phải đền dầu cho người dân. Tôi chấp nhận làm vậy để giữ chữ tín. Dần dà, sau thời gian nghiên cứu về máy tôi đã làm chủ công nghệ này. Hiện nay, máy cho ra chất lượng dầu tốt và được bà con nhân dân trong và ngoài vùng tin tưởng” - anh Lâm nói. Bà Đinh Thị Liên - một người dân ép dầu tại cơ sở anh Lâm cho biết: “Nhiều người ép dầu truyền thống thường có công đoạn hông chín đậu trước khi ép, nhưng cơ sở của anh Lâm thì ép trực tiếp, do đó mọi người sợ chất lượng dầu không tốt. Qua 2 mùa ép ở đây, tôi thấy chất lượng dầu rất đạt và khi ăn mùi vị cũng như dầu ép ở nhiều cơ sở khác”.

Sau 4 năm khởi nghiệp, anh Lâm đã xây dựng nên thương hiệu cho riêng mình. Cạnh đó, khi ổn định việc ép dầu, vợ chồng anh Lâm mua thêm máy làm đá viên để sản xuất đá, cung cấp cho các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn của xã và các xã lân cận. Hiện nay, sau khi trừ đi các chi phí vận hành, anh Lâm thu lời 300 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm thời vụ cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Tập trung dòng sản phẩm mới

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tam Giang, với xuất phát điểm là một nhà nông chất phác, anh Nguyễn Văn Lâm dường như cảm nhận và thấy được giá trị của những sản vật quê hương mình. Nhận thấy cây mè đen được trồng ở xã có tính dược liệu cao nên anh đã nghiên cứu đưa sản phẩm dầu mè Tam Giang tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). “Điều kiện thổ nhưỡng của xã Tam Giang thuận lợi, cho ra giống mè tốt và có chất lượng cao, cạnh đó việc thu mua mè cũng dễ hơn so với đậu phụng nên việc tham gia OCOP sẽ rất thuận lợi”- anh Lâm nói.

Năm 2019, cơ sở ép dầu của anh Lâm đã nghiên cứu chế xuất sản phẩm dầu mè và đã nộp hồ sơ xin tham gia, tuy nhiên vì còn chưa đủ một số điều kiện nên sản phẩm chưa được công nhận.

Anh nói: “Chúng tôi tiếp tục hoàn thiện để đưa sản phẩm dầu mè Tam Giang thành một sản phẩm OCOP của địa phương vào năm 2021. Việc làm này giúp sản phẩm dầu mè Tam Giang được nhiều người biết đến và người dân cũng tự hào hơn về sản phẩm từ chính vùng đất của mình. Là người trẻ, tôi suy nghĩ cần phải làm và không ngừng học hỏi để thay đổi bản thân, giúp mình tự chủ được tài chính, đồng thời giải quyết được việc làm cho người dân. Như vậy là đóng góp cho sự phát triển của địa phương”.

Thời gian đến, dự kiến anh Lâm sẽ xây dựng một phòng trưng bày để giới thiệu các sản phẩm do cơ sở anh sản xuất đến với người tiêu dùng. Đồng thời liên kết với các tổ chức đoàn thể để cung cấp giống, khuyến khích người dân canh tác mè để tạo nguồn cung ổn định, đẩy mạnh giá trị cây mè sau khi chế biến thành phẩm.

Bí thư Đoàn xã Tam Giang - chị Phan Thị Hoài Sương cho biết: “Với bản lĩnh người trẻ, anh Lâm luôn học hỏi và tìm tòi công nghệ để áp dụng những mô hình mới tại địa phương. Việc làm này giúp nâng cao năng suất làm việc và cho ra những sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đoàn xã sẽ tiếp tục đồng hành với anh Lâm trong việc vay vốn mở rộng quy mô sản xuất và hoàn thiện các điều kiện để sớm đưa sản phẩm dầu mè Tam Giang thành sản phẩm OCOP của địa phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chọn lối đi riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO