Tạo chuỗi giá trị chè xanh An Bằng

HOÀNG LIÊN 03/01/2020 13:37

Khôi phục thương hiệu chè xanh An Bằng, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, giá trị, tạo các sản phẩm đặc hữu chè xanh An Bằng, đưa các sản phẩm đạt chuẩn OCOP vào năm 2020 là hướng đi được HTX Đại Thạnh Phát (Đại Thạnh, Đại Lộc) hướng tới.

Sản phẩm chè xanh An Bằng sấy khô đóng gói có mặt trên thị trường. Ảnh: H.LIÊN
Sản phẩm chè xanh An Bằng sấy khô đóng gói có mặt trên thị trường. Ảnh: H.LIÊN

Đại Thạnh (Đại Lộc) từng nổi danh là vùng trồng chè xanh An Bằng với diện tích có thời kỳ lên tới gần 100ha. Chè xanh An Bằng sinh trưởng, phát triển tốt trên loại đất feralit đỏ vàng, lá chè nhỏ, hơi vàng, giòn, thơm đậm, có vị chát, đẹp màu. Trên xứ chè An Bằng, có những người từng sở hữu cả chục ngàn gốc chè như các ông: Thủ Thi, Xã Nhạn, Hương Ba, Thủ Lựu…

Cần khôi phục thương hiệu

Trải qua thăng trầm, làng trồng chè nay chỉ còn khoảng 100 hộ trồng chè rải rác với gần 30ha, trong đó khoảng 20ha tập trung tại thôn An Bằng, còn lại rải rác ở Tây Lễ, Mỹ Lễ. Nguyên nhân khiến diện tích giảm sút nghiêm trọng có rất nhiều, đó là thương hiệu chè An Bằng dần mai một theo thời gian, sức tiêu thụ trên thị trường yếu, sự thoái hóa giống và suy giảm năng suất do người dân ít chú trọng thâm canh, chăm sóc, sự lấn át của cây keo...

Cùng với đó, nguyên nhân chính là sản phẩm chè xanh còn đơn điệu, chỉ độc một mặt hàng chè tươi, làng nghề chưa chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong việc sơ chế, chế biến, tạo nhiều sản phẩm đặc hữu, mới lạ từ chè xanh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường.

Nhận thức được tiềm năng phát triển và thương hiệu của chè xanh An Bằng, đầu năm 2019, anh Ngô Văn Chi, một người con Đại Thạnh đã mạnh dạn cùng 6 thành viên khác đứng ra thành lập HTX Đại Thạnh Phát, do anh Chi làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX. “Tôi muốn cùng với địa phương khôi phục lại thương hiệu vùng Đại Thạnh, cũng là lưu giữ nét đẹp của một vùng quê, một làng nghề có tuổi đời hơn 100 năm. Quan trọng hơn là HTX sẽ liên kết phát triển vùng chè nguyên liệu, phát triển thêm một số sản phẩm được chế biến từ chè, bên cạnh sản phẩm chè tươi vốn tiêu thụ nhỏ lẻ hiện nay” - anh Chi chia sẻ.

Cũng trong năm 2019, HTX Đại Thạnh Phát được chọn triển khai Dự án sản xuất chè An Bằng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm do UBND xã Đại Thạnh hỗ trợ. Dự án nằm trong khuôn khổ dự án thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 tỉnh Quảng Nam, triển khai từ 6.2019-6.2022 với tổng kinh phí hơn 586 triệu đồng (nguồn Chương trình MTQG về NTM hơn 250 triệu đồng, hơn 300 triệu đồng là vốn đối ứng HTX).

Mục tiêu dự án hướng tới là xây dựng thương hiệu chè An Bằng, nhân rộng mô hình sản xuất chè xanh An Bằng ra vùng có thổ nhưỡng phù hợp, tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất và chế biến sâu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân bản địa.

HTX sẽ tạo vùng sản xuất chè thương phẩm với diện tích 2,4ha, quy mô 15 hộ tham gia, mỗi hộ trồng 3 sào chè trên đất gò đồi, vườn nhà. HTX sẽ cấp giống cho nông hộ, các hộ phải sản xuất theo quy trình canh tác HTX đề ra, người dân còn được cấp máy bơm tưới, ống tưới nước phục vụ trồng thâm canh vườn chè. HTX Đại Thạnh Phát sẽ đứng ra ký kết hợp đồng tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm chè tươi cho nông dân Đại Thạnh với giá 15.000 đồng/kg chè tươi để cung ứng cho thị trường và phục vụ chế biến sâu. HTX ký kết hợp đồng với đối tác là chuỗi siêu thị Vitamart bao tiêu sản phẩm cho nông dân và HTX.

Tạo sản phẩm OCOP

Anh Ngô Văn Chi chia sẻ, hiện tại, mỗi tháng HTX thu mua của nông dân Đại Thạnh cung ứng ra thị trường 200kg chè tươi, vừa cung ứng chè tươi cho siêu thị, vừa tạo chè khô được băm nhỏ theo truyền thống ở vùng, sản phẩm được đưa vào siêu thị và bán lẻ tại một số đại lý tại địa phương. Mỗi ký chè khô HTX ký kết hợp đồng với siêu thị cung ứng ra thị trường 350.000 đồng. “Việc đưa chè khô vào siêu thị sẽ giúp nông dân Đại Thạnh đa dạng thêm nguồn tiêu thụ, người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn, dùng sản phẩm” - anh Chi chia sẻ.

Để tạo sản phẩm chè khô, nguyên liệu chè tươi sau khi thu hoạch, sơ chế, rửa sạch, phơi khô, được sao duyệt men, vò sàng tơi, sấy lạnh, phân loại, đấu trộn, đóng hộp, tạo sản phẩm chè thành phẩm đóng gói, dán nhãn, đưa đi tiêu thụ. HTX đang nỗ lực tìm hướng đi mới trong việc tạo sản phẩm cao chè, bột chè xanh matcha, bancha mang thương hiệu chè An Bằng.

Trong năm 2020, HTX sẽ hợp đồng bao tiêu 5ha sản phẩm chè xanh An Bằng và tiếp tục mở rộng thu mua sản phẩm chè tươi cho nông dân. Mỗi héc ta chè xanh An Bằng thu hoạch được 20 tấn chè tươi, thu nhập đem lại cho người trồng chè đạt 200-300 triệu/ha/năm. Đối với sản phẩm chè bancha, mỗi ký chè có giá 300.000 đồng. HTX đang nhập máy móc, thiết bị để tạo sản phẩm chè matcha (chè bột) thí điểm để cung ứng cho thị trường rộng lớn, siêu thị, cửa hàng thực phẩm.

Năm 2020 trở đi, chè xanh An Bằng được định hướng xây dựng chuỗi giá trị và tham gia dự thi chương trình OCOP của huyện, tỉnh. Đây là điều kiện phát triển thương hiệu, giúp HTX và nông dân có điều kiện hoàn thiện sản phẩm, đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường.

“Dự án đang trong giai đoạn xây dựng, khó khăn vẫn còn nhiều, song với quyết tâm, nỗ lực của HTX và xã viên, hy vọng rằng, vùng chè xanh An Bằng sẽ hồi sinh trên mảnh đất Đại Thạnh. Đó là cơ hội để sản phẩm đa dạng hóa, được hoàn thiện, đầu ra và thị trường được từng bước mở rộng, giá trị và chất lượng của sản phẩm được nâng lên, nâng cao thu nhập cho người dân bản địa” - anh Chi chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo chuỗi giá trị chè xanh An Bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO