Chỗ dựa lúc ngặt nghèo

LÊ DIỄM 22/10/2020 06:04

Năm 2020 với quá nhiều khó khăn chất chồng trên đôi vai người dân. Hết dịch bệnh đến bão lũ. Nếu lỡ lúc ốm đau mà không có bảo hiểm y tế, họ không còn chỗ dựa nào vững chãi khi phải đi nằm viện.

Người tham gia BHYT được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực khi phải đi nằm viện. Ảnh: D.L
Người tham gia BHYT được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực khi phải đi nằm viện. Ảnh: D.L

Ở tuổi 56, bà Nguyễn Thị Tính (huyện Phú Ninh) mắc phải căn bệnh thiếu máu tiểu cầu khiến cuộc sống của bà phải ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Mỗi lần nằm viện từ 2 tuần trở lên. Bà Tính kể: “Hồi tôi còn ở tuổi trẻ khỏe, dù làm nông nhưng cũng dành dụm để mua thẻ BHYT. Đâu cũng hơn mười lăm năm rồi. Nhờ thế nên giờ mới đỡ vất vả khi bệnh tật ốm đau. Như đợt này tôi nằm viện hơn 20 ngày, chi phí chữa bệnh gần 20 triệu đồng, BHYT chi trả hơn 16 triệu rồi, tôi chỉ trả thêm 4 triệu đồng”.

Trong căn phòng 6 giường bệnh tại Khoa Nội thận - Nội tiết (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), ai cũng có thẻ BHYT lận lưng. Trong câu chuyện mỗi ngày, ai cũng nhắc đến chi phí điều trị bệnh, rồi lại chép miệng rằng “May có thẻ BHYT”.

Bà Nguyễn Thị Tám (huyện Hiệp Đức) nói: “Ai vào bệnh viện nằm rồi, chi phí điều trị ít nhất cũng từ 5 triệu đồng trở lên. Thiệt chớ tuổi già hay tuổi trẻ, khi đau ốm mới thấy hết giá trị của việc tham gia BHYT liên tục lâu năm. Như tôi bị bệnh suy thận, hình như năm nào cũng đi bệnh viện ít nhất 2 lần. Đã hơn 5 năm rồi tôi không thể làm được việc gì để có đồng thu nhập. Mỗi lần đi viện toàn là thẻ BHYT trả tiền phần lớn, còn lại con cháu lo thêm. Nếu không có thẻ BHYT, chắc con cháu cũng không thể lo nổi”.

Hoặc như trường hợp của em P.H.T. - học sinh Trường THPT Trần Quý Cáp (TP.Hội An), nhiều năm nay bị bệnh hiểm nghèo phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Bệnh nặng nên gia đình em T. phải tốn kém rất nhiều chi phí lo cho em điều trị bệnh. Nếu như không có thẻ BHYT, phần chi phí khám chữa bệnh cho em T. sẽ khiến gia đình rơi vào túng quẫn. Chi phí điều trị bệnh của T. đã được Quỹ khám chữa bệnh BHYT thanh toán gần 730 triệu đồng. Một số tiền quá lớn đối với gia đình của T., và đó cũng là niềm hy vọng, chỗ dựa vững chãi nhất giúp gia đình T. trụ bám vào.

Dịch bệnh, bão lũ đã khiến cho đời sống người dân đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, ý thức rõ vai trò hết sức quan trọng của tấm thẻ BHYT, nên người dân luôn dành dụm khoản tiền để tham gia vào chính sách này. Điều đó thể hiện rõ qua số người tham gia BHYT trong toàn tỉnh đến thời điểm này: 1.438.505 người, đạt 100,7% kế hoạch giao trong năm 2020. Lúc ốm đau, tai nạn, chi phí khám chữa bệnh cao nên người bệnh chỉ còn trông chờ vào Quỹ khám chữa bệnh BHYT chi trả. Nhất là những người ốm đau dài ngày, bệnh hiểm nghèo có tham gia BHYT trên 5 năm đều được chi trả chế độ.

Theo Luật BHYT, người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh khi có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến). Những người bị bệnh nan y, số tiền khám chữa bệnh lúc nào cũng lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Vì thế mà việc tham gia BHYT liên tục trên 5 năm đã giúp người bệnh trang trải phần lớn chi phí, giảm thiểu tối đa những gánh nặng lên gia đình, người thân lúc ngặt nghèo.

Nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp hơn 422 tỷ đồng

Tính đến tháng 9.2020, số nợ BHXH, BHYT, BHTN đến hết tháng 9.2020 vẫn còn ở mức khá cao, với tổng nợ hơn 422 tỷ đồng. 

Trong đó, nợ BHXH là 203.762 triệu đồng (nợ đọng, kéo dài, khó thu là 178.519 triệu đồng); nợ bảo hiểm thất nghiệp là 8.237 triệu đồng; nợ BHYT là 29.651 triệu đồng, nợ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 1.994 triệu đồng. Tỷ lệ nợ đến thời điểm này ở mức 5,43%, cao hơn 2,08% so với chỉ tiêu được giao trong quý III.2020. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nợ lớn là do các đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh, nhiều đơn vị tiếp tục giảm lao động, tạm dừng hoặc đóng cửa do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, số người tham gia BHXH, BHTN giảm; việc trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp chưa kịp thời. (D.L)

Đảm bảo thực hiện các chế độ kịp thời

BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan quản lý đối tượng, các đơn vị sử dụng lao động đã liên tục cấp và gia hạn thẻ BHYT kịp thời cho các đối tượng để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. 

Cụ thể, toàn tỉnh đã in và cấp 18.265 sổ BHXH và 279.290 thẻ BHYT cho người tham gia. Các đơn vị đã thực hiện kịp thời việc rà soát, xử lý dữ liệu trùng thẻ BHYT, sổ BHXH còn vướng quá trình, chức danh, thông tin khác… để in cấp đảm bảo. Việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và các chế độ BHXH hơn 2.085 tỷ đồng; thẩm định, thanh toán 3 chế độ ốm đau, thai sản và nghỉ dưỡng sức cho 132.495 trường hợp với tổng số tiền hơn 274 tỷ đồng. (N.L)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chỗ dựa lúc ngặt nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO