Cải cách hành chính - cách làm từ Thăng Bình

VĂN TOÀN - NAM PHƯƠNG 04/05/2023 14:35

(QNO) - Từ vị trí thứ 17 (năm 2019) trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp huyện, bằng nhiều cách làm linh động, Thăng Bình đã thăng hạng vượt bậc, vươn lên đứng thứ 2 toàn tỉnh (năm 2022), trở thành địa phương tốp đầu về CCHC trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Thăng Bình được bố trí khoa học cùng trang thiết bị hiện đại. Ảnh: VĂN TOÀN
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Thăng Bình được bố trí khoa học cùng trang thiết bị hiện đại. Ảnh: VĂN TOÀN

Đẩy mạnh số hóa thủ tục hành chính

Thay vì phải đến sớm để chen chúc bốc số thứ tự như trước đây, thì nay ông Lê Phát (xã Bình Chánh) chỉ cần đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện lấy số tự động. Máy lấy số tự động kết nối hệ thống thông tin một cửa giúp ông Phát dễ dàng chọn lựa lĩnh vực đang giao dịch, đồng thời không mất thời gian khai báo và chờ cán bộ làm thủ tục.

“Rất tiện lợi, trên máy lấy số tự động hiển thị các lĩnh vực như: đất đai, tư pháp, đăng ký kinh doanh…Tôi chỉ cần nhấn vào lĩnh vực đang giao dịch, máy sẽ in phiếu có mã số lĩnh vực đó, đồng thời hiển thị lên màn hình máy tính trước quầy giao dịch và chờ thông báo làm thủ tục từ cán bộ” -  ông Phát cho hay.

Thực hiện thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Võ Đăng Quang (thị trấn Hà Lam) chia sẻ, mặc dù khối lượng công việc nhiều nhưng cán bộ ở đây phục vụ tận tình.

“Khi bước vào trụ sở, tại quầy hướng dẫn đã có nhân viên hướng dẫn tôi làm thủ tục. Sau khi có giấy hẹn trả kết quả, tôi được cán bộ phụ trách hướng dẫn tra cứu trên phần mềm để biết quá trình xử lý hồ sơ của mình” – ông Quang nói.

Ông được cán bộ hướng dẫn tra cứu kết quả hồ sơ trên phần mềm điện tử
Ông Võ Đăng Quang (thị trấn Hà Lam) được cán bộ hướng dẫn cách tra cứu kết quả hồ sơ trên phần mềm điện tử. Ảnh: VĂN TOÀN

Theo ông Lưu Đức Phương – Trưởng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Thăng Bình, khi đến giao dịch thủ tục hành chính (TTHC), người dân được bố trí khu vực cung cấp thông tin, máy tính có kết nối mạng internet và các trang thiết bị hiện đại như: máy lấy số xếp hàng tự động kết nối tới hệ thống thông tin một cửa điện tử; các màn hình cảm ứng phục vụ tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin, TTHC; màn hình cảm ứng tra cứu kết quả giải quyết TTHC, đánh giá mức độ hài lòng…

“Đến nay, tất cả lĩnh vực liên quan đến việc xử lý của cơ quan chuyên môn đều được bộ phận bưu chính công ích tiếp nhận tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện. Từ tháng 5/2023, đơn vị triển khai thu hộ tập trung, tức là bộ phận một cửa sẽ thay cơ quan chuyên môn thu hộ phí, lệ phí. Đồng thời trích xuất biên lai thu điện tử, giúp người dân dễ dàng theo dõi và tiết kiệm thời gian giao dịch” – ông Lưu Đức Phương thông tin.

Tập trung toàn lực từ huyện đến cơ sở

Năm 2022, xã Bình Phục là đơn vị có chỉ số CCHC cao nhất tại huyện Thăng Bình với chỉ số đạt được là 91.56%, cao hơn so với mức trung bình 6.91%. Ông Trần Ngọc Phước – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phục cho biết, địa phương tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan và giải quyết TTHC, coi đây là tiêu chí để đánh giá cán bộ công chức hằng năm.

Đồng thời chú trọng các phần mềm của tỉnh triển khai như: Qoffice, hộ tịch tư pháp, tài chính,… giúp xã giải quyết công việc nhanh chóng. UBND xã cũng đã thành lập tổ xung kích gồm 9 thành viên nhằm phục vụ, hỗ trợ người dân trong thực hiện giải quyết TTHC và dịch vụ công.

Ông Phước nói: “Đến nay, 100% cán bộ, công chức đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Địa phương thực hiện công khai số điện thoại và địa chỉ tiếp nhận phản ánh, xử lý kiến nghị của tổ chức, công dân về giải quyết TTHC, hành vi hành chính của cán bộ, công chức, qua đó kịp thời xử lý những phản ánh, vướng mắc của người dân” -

Năm 2022, chỉ số CCHC huyện Thăng Bình đạt 89,16 điểm (tăng 6,03 điểm so với năm 2021, xếp hạng 2/18 huyện, thị xã, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2021). Có 6/8 lĩnh vực tăng hạng gồm: chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và tác động của CCHC.

Về TTHC cấp huyện: 310 thủ tục; thủ tục liên thông 137 thủ tục; tỷ lệ TTHC đã được phê duyệt quy trình nội bộ đạt 100%; tỷ lệ quy trình nội bộ giải quyết TTHC đã được điện tử hóa đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ TTHC do UBND cấp huyện tiếp nhận được giải quyết đúng hẹn đạt 53% (tăng 10% so với năm 2021). Số TTHC được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công đạt 310 thủ tục.

Theo ông Võ Văn Hùng – Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, hằng năm, sau khi UBND tỉnh công bố chỉ số CCHC, huyện sẽ triển khai ngay các cuộc họp, hội nghị để phối hợp cùng các sở, ban, ngành có liên quan phân tích cụ thể các chỉ số chưa đạt của huyện, tìm ra giải pháp khắc phục để thăng hạng chỉ số trong năm tới. Nếu địa phương nào có tỷ lệ hồ sơ giải quyết tồn đọng nhiều, sẽ được chấn chỉnh thông qua các cuộc giao ban và đề nghị khắc phục ngay.

Năm nay, Thăng Bình tập trung giải quyết hồ sơ trực tuyến toàn trình. Thực hiện kiến nghị đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC và quy trình giải quyết, nhất là các thủ tục giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông và các nhóm thủ tục liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

"Chúng tôi thí điểm mô hình người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp trả lời phản ánh kiến nghị của cá nhân tổ chức trên hệ thống truyền thanh. Triển khai thực hiện phương án thí điểm việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính” – ông Võ Văn Hùng nói. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải cách hành chính - cách làm từ Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO