Văn hóa - Văn nghệ

Cần sớm gỡ vướng trong bảo tồn trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

LÊ MỸ

(QNO) – Việc triển khai Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2024 (gọi tắt là Dự án 6) được kỳ vọng sẽ nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với sinh kế bền vững.

CONG CHIENG 2
Truyền dạy văn hóa ở Bắc Trà My. Ảnh: H.Q

Đầu tư cho văn hóa vùng cao

Triển khai thực hiện các nội dung thuộc Dự án 6, UBND huyện Bắc Trà My đang tập trung hoạt động tập huấn, truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho đồng bào Ca Dong và Co trên địa bàn huyện. Đây là cơ hội để người dân nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống và hướng tới phát triển du lịch cộng đồng.

Đến nay, UBND huyện Bắc Trà My đã thành lập 19 câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại địa phương và phát triển du lịch, trong đó nhiều CLB duy trì hoạt động có hiệu quả như CLB cồng chiêng Làng văn hóa Cao Sơn (xã Trà Sơn), CLB cồng chiêng xã Trà Bui, CLB cồng chiêng xã Trà Kót, CLB cồng chiêng trẻ xã Trà Kót.
Huyện cũng hướng dẫn thành lập 5 đội cồng chiêng dân tộc Co, Ca Dong tại các trường. Đồng thời hỗ trợ mua sắm trống, chiêng, trang phục, trang sức cho 13 đội cồng chiêng tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

CONG CHIENG 3
Các CLB cồng chiêng hoạt động hiệu quả. Ảnh: H.Q

Bà Võ Thị Thuý Hằng - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Bắc Trà My cho biết, đơn vị đã mời nghệ nhân, người thực hành trình bày, hướng dẫn lý thuyết, thực hành, truyền dạy múa trống chiêng ở nhiều địa phương. Cạnh đó, triển khai tập huấn nghệ thuật đấu chiêng, múa k’đtấu cho đồng bào người Co ở các xã Trà Kót, Trà Nú và tổ chức sinh hoạt trống chiêng cho đồng bào người Ca Dong ở các xã Trà Tân, Trà Sơn, Trà Đốc, Trà Bui, Trà Giác, Trà Giáp và Trà Ka.

Theo Sở VH-TT&DL – đơn vị chủ trì thực hiện Dự án 6, hiện nay 7 huyện vùng cao đang bám sát 18 nội dung trọng tâm của dự án để triển khai thực hiện. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 79,4 tỷ đồng. Riêng trong năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện là hơn 24,5 tỷ đồng; nguồn vốn từ giai đoạn 2022 - 2023 kéo sang thực hiện trong năm 2024 là hơn 10,4 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn năm 2022, 2023 kéo dài sang thực hiện năm 2024 đã giải ngân gần 2 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 19%); nguồn vốn năm 2024 đã giải ngân hơn 3,4 tỷ đồng (tỷ lệ 13,4%). Ước tính đến cuối năm 2024, việc giải ngân sẽ đước đạt 100% số vốn kéo dài từ giai đoạn 2022 - 2023 sang năm 2024 và năm 2024.

Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Hiện nay các địa phương đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và giải ngân nguồn vốn Dự án 6. Theo Sở VH-TT&DL, việc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm tư liệu di sản văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số đã hướng dẫn tại Thông tư số 11/2013 của Bộ VH-TT&DL, song chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về định mức giá, quy trình thẩm định các hiện vật, nhất là hiện vật liên quan văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

VAN HOA 1
Người dân nâng cao ý thức gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: H.Q

Tương tự, việc mua sắm trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số hiện chưa được hướng dẫn cụ thể, do sản phẩm này đều được chế tác thủ công, sản xuất nhỏ theo hộ gia đình, cộng đồng dân cư và không có hóa đơn chứng từ minh chứng khi trao đổi mua bán. Do đó việc thực hiện thẩm định giá và các bước đấu thầu mua sắm theo quy định hiện hành gặp ách tắc.

Cạnh đó, việc hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang gặp nhiều khó khăn do nhà làng truyền thống ở Quảng Nam là nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, có công năng tương đương như nhà văn hóa. Tuy nhiên, Hướng dẫn số 1684 ngày 28/4/2023 của Bộ VH-TT&DL không đề cập những thiết chế văn hóa đặc thù của các dân tộc thiểu số như trường hợp ở Quảng Nam. Đồng thời không có quy định thiết kế mẫu đối với thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

VAN HOA 3
Cần có quy định thiết kế mẫu đối với thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ảnh: H.Q

Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, Sở VH-TT&DL đang kiến nghị Bộ VH-TT&DL ban hành hướng dẫn, giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án 6. Đồng thời quan tâm hỗ trợ tăng thêm nguồn vốn đầu tư thiết chế văn hoá thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; mở rộng đối tượng được hỗ trợ tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đến cấp huyện.

[VIDEO] - Bảo tồn văn hóa đồng bào Ca Dong ở Bắc Trà My:

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần sớm gỡ vướng trong bảo tồn trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO