Tôi vừa bị phạt tiền vì thiếu kiểm soát để sai chức danh trong một bài báo. Thật ra tôi có kiểm soát, nhưng chỉ qua trang web của đơn vị chứ không gọi điện kiểm chứng qua tác giả bản thảo hoặc nhân vật, nên bị “ăn theo” cái sai của trang web này.
Trường hợp của tôi chỉ là tình huống thường gặp thôi, nhưng có thể mô tả một khía cạnh về hậu quả của việc dữ liệu kém chất lượng.
Ai cũng biết, trong chuyển đổi số, dữ liệu có vai trò quan trọng như thế nào. Nó là nguyên liệu của hầu hết sản phẩm chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Khi dữ liệu kém chất lượng, hoặc bị quản lý kém hiệu quả, đều có thể tạo ra những tác động tiêu cực, thậm chí có thể bị tác động theo tính hệ thống, gây những hậu quả khó lường.
Hằng ngày, nếu bạn thường nhận được những cuộc gọi mời tham gia chứng khoán, bất động sản, mua thuốc cường dương đại bổ hay nhiều thứ đại loại như vậy, là dấu hiệu của việc dữ liệu cá nhân bị rò rỉ. Và đó, có thể xuất phát từ một sản phẩm chuyển đổi số đang được lưu hành.
Ở một góc độ rộng hơn, những con số thống kê kinh tế - xã hội cũng là dữ liệu để tham chiếu trong đường hướng quản lý, phát triển xã hội, nhưng nhiều lần cũng bị cho là quá sai lệch.
Trong một cuộc họp báo công bố con số thống kê, tôi từng thắc mắc về phương pháp thu thập số liệu sản lượng, giá trị khai thác thủy hải sản hằng năm, bởi đặc thù của ngành nghề này không giống với kiểu sản xuất trên cạn.
Nghề biển với nhiều phương cách đánh bắt, nhiều chủng loại thủy hải sản; ngư dân sau khi sản xuất, có thể tiêu thụ sản phẩm ở nhiều nơi; giá trị mỗi thời điểm mỗi khác..., vì vậy để có được những con số thống kê tương đối chính xác về sản lượng, giá trị trong một thời gian nhất định là điều không dễ. Và câu trả lời mà tôi nhận được là ngành thống kê đã có “công thức” tính toán có thể chấp nhận được.
Nhưng cũng tại một hội nghị, tôi được nghe về những khó khăn trong quá trình thu nhập số liệu thống kê như: nhiều doanh nghiệp có hai con số trong khi báo cáo; điều tra viên rất khó tiếp cận doanh nghiệp, việc cung cấp số liệu chủ yếu là qua quen biết chứ chưa có chế tài; lực lượng làm công tác thống kê quá mỏng, một điều tra viên phải phụ trách nhiều địa phương nên không am hiểu địa bàn, lĩnh vực... Liệu những con số thống kê được công bố có bị ảnh hưởng bởi nhiều khó khăn như trên?
Và một tình huống có thể suy diễn là nếu phải “bám trụ” vào những con số thống kê sai lệch trong việc điều hành, quản lý, hay thậm chí bày tỏ quan điểm về một vấn đề của xã hội..., thì kết quả rất dễ rơi vào tình cảnh không đáng tin cậy.
Công cuộc chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, chuyện đang bàn tính bây giờ là giải pháp đồng bộ, được triển khai quyết liệt ở nhiều địa phương và các sở ban ngành. Trong đó, ngoài đầu tư hạ tầng công nghệ thì việc hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu là nhiệm vụ rất quan trọng.
Để có một hệ thống dữ liệu đáng tin cậy, trước hết phải bắt đầu từ những cá nhân, tổ chức “cơ sở”. Phải khắc phục tình trạng lạc hậu thông tin của những đơn vị trong hệ thống quản lý nhà nước, và đòi hỏi một trách nhiệm cao hơn khi xây dựng cơ sở dữ liệu có thể tích hợp để dùng chung, rồi mới tính đến giải pháp phát huy giá trị hệ thống cơ sở dữ liệu trong chuyển đổi số.
Lãnh đạo tỉnh trong nhiều cuộc họp đã nhấn mạnh đến vai trò của “con người” trong nhiệm vụ chuyển đổi số phục vụ quản lý nhà nước. Con người trước hết với vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, phải “siêng năng” nhưng không cảm tính, và cần ý thức đầy đủ về hậu quả, sự trì trệ của hệ thống cơ sở dữ liệu thiếu chính xác, lạc hậu, không minh bạch... trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.