(QNO) - Sau hơn hai năm triển khai chuyển đổi số trong công tác bảo dưỡng và sửa chữa (BDSC) tập trung vào độ tin cậy của thiết bị và theo tình trạng vận hành (RCM/CBM), Công ty Thủy điện Sông Bung đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần nâng cao độ sẵn sàng và độ tin cậy của hệ thống thiết bị, cải thiện an toàn lao động, tối ưu hóa chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Công ty Thủy điện Sông Bung ưu tiên chuyển đổi số trong BDSC để đánh giá tình trạng thiết bị, xác định 100% hệ thống thiết bị phải được thực hiện BDSC theo RCM/CBM.
Từ cơ sở trang thiết bị hiện có, Công ty Thủy điện Sông Bung đã ứng dụng số phân tích nguy cơ sự cố và nguyên nhân sự cố để cụ thể hóa chiến lược BDSC thiết bị. Các bộ phận chuyên môn kết hợp với đội ngũ vận hành dày dặn kinh nghiệm tại các nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 và Sông Bung 4 đã thu thập dữ liệu vận hành và phân tích đánh giá dữ liệu thông qua các dữ liệu được số hóa.
Có thể kể đến hệ thống điều khiển phân tán - Distributed Control System (DCS); hệ thống điều khiển và thu thập dữ liệu - Supervisory Control and Data Acquisition (SCADA); các bộ điều khiển logic - Programmable Logic Controller (PLC); bộ điều khiển giao diện người máy Human Machine Interface (HMI). Thông qua giá trị độ rung đảo, tăng nhiệt độ, độ ồn, mức độ mài mòn, tín hiệu cảnh báo, Công ty Thủy điện Sông Bung đã phân tích đánh giá tình trạng thiết bị, đưa ra biện pháp tối ưu nhất để BDSC các tổ máy.
Ông Mai Đức Quý (Phòng Kỹ thuật an toàn - Công ty Thủy điện Sông Bung) cho biết, công ty luôn quan tâm nâng cao ứng dụng số quản lý thiết bị và lập kế hoạch BDSC. Dựa trên kết quả phân tích RCM, lịch sửa chữa bảo dưỡng của hệ thống thiết bị nhà máy được tổng hợp và phân bổ theo thời gian định kỳ hằng tháng, định kỳ 2 tháng, định kỳ 3 tháng, định kỳ 6 tháng, định kỳ hằng năm, định kỳ 6 năm.
Công nghệ phát triển đem đến sự chuyển dịch trong việc ứng dụng số vào BDSC. Công ty Thủy điện Sông Bung đã tạo ra một hệ thống quản lý BDSC hiệu quả, linh hoạt và dễ kiểm soát. Hiệu quả thể hiện qua việc khai thác, hệ thống hóa dữ liệu vật tư, phiếu công việc, lập kế hoạch BDSC... Linh hoạt thể hiện qua việc có thể điều chỉnh áp dụng các phương pháp BDSC khác nhau hoặc kết hợp với các chức năng phân nhóm thiết bị, đánh giá nguy cơ sự cố… Dễ kiểm soát thể hiện qua kết quả các bước thực hiện, các loại báo cáo, phân tích đánh giá đều trực quan, trực tiếp hiển thị cho các nhà máy điện, các tổ máy và các hệ thống thiết bị.
So với công tác BDSC thông thường đã thực hiện qua các năm trước đây thì việc ứng dụng số vào công tác BDSC đã được Công ty Thủy điện Sông Bung triển khai có chất lượng, kỹ thuật nâng cao hơn hẳn. Theo đó, tỷ lệ bảo dưỡng theo tình trạng và chủ động chiếm khoảng 90%, tỷ lệ công việc bảo dưỡng bị động khá thấp, khoảng 10%.
Ông Lê Đình Bản - Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung cho biết, doanh nghiệp có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư vận hành, kỹ sư bảo trì sử dụng thuần thục phần mềm chuyên phân tích, dự báo tình trạng thiết bị, qua đó đánh giá, phân tích dữ liệu các chế độ làm việc của thiết bị để đề ra chiến lược BDSC tối ưu.
Với sự chủ động tự nghiên cứu học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn của kỹ sư, nhân viên vận hành, nhân viên bảo trì cùng với chiến lược đúng đắn, Công ty Thủy điện Sông Bung tự tin quá trình chuyển đổi số trong công tác BDSC thành công, góp phần nâng cao năng suất lao động, an toàn công trình và hiệu quả trong quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh.