Sau khi dịch bùng phát tại nhiều trường học ở Phước Sơn vào giữa tháng 10.2021, trên địa bàn tỉnh, ca nhiễm SARS-CoV-2 tập trung vào đối tượng học sinh, giáo viên trở thành nỗi lo, nếu dạy học trực tiếp thì sợ mắc dịch. Để đảm bảo mục tiêu kép “ngừng đến trường nhưng không ngừng học”, việc sẵn sàng chuyển sang dạy - học trực tuyến ngay khi bùng dịch theo từng cấp độ ở các trường, các địa phương trở thành tất yếu, tuy vậy vẫn còn không ít khó khăn bất cập.
BẤT KHẢ KHÁNG!
Dịch bệnh Covid-19 khiến cho ngành GD-ĐT sẵn sàng chuyển hình thức dạy và học trực tuyến. Không còn xa lạ, song với người học lẫn người dạy, đây vẫn là câu chuyện bất khả kháng.
Thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: Nhà trường luôn có 2 thời khóa biểu học trực tiếp và trực tuyến, sẵn sàng kích hoạt chuyển đổi trạng thái khi cần thiết. Năm học này nhà trường chưa phải dạy học trực tuyến chính khóa, nhưng dạy học bồi dưỡng HS giỏi vẫn áp dụng song song 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến để tăng cường nội dung kiến thức. Theo thầy Chương, điểm yếu của phương pháp dạy học trực tuyến là thiếu sự tương tác giữa thầy và trò nên chất lượng không cao. Đó là chưa kể, việc quản lý HS trong giờ học rất khó, tất cả phụ thuộc ý thức của các em.
Trong 2 ngày cuối tuần qua, học sinh (HS) Tam Kỳ nghỉ học tại trường, chuyển sang học trực tuyến để đảm bảo nội dung, chương trình. Đây là lần đầu tiên trong năm học này, ngành GD-ĐT Tam Kỳ chuyển đổi trạng thái dạy học để phòng chống dịch.
Cô Nguyễn Thị Xuân Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản thông tin, nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến qua Google Meet và K12 online.
Đối với các lớp 3, 4, 5, giáo viên (GV) dạy trực tuyến tại trường vào ban ngày; còn lớp 1, 2 dạy vào ban đêm vì HS còn nhỏ, cần có sự hỗ trợ của phụ huynh trong việc sử dụng máy tính hay điện thoại để học.
Thực tế cho thấy, việc dạy học từ phía nhà trường không gặp trở ngại nào, GV được tập huấn sử dụng các phần mềm khá kỹ. Tuy nhiên, vướng mắc là có gần 10% HS không có điều kiện học trực tuyến. Hơn nữa, HS tiểu học còn khá nhỏ, việc học trực tuyến phụ thuộc cha mẹ, trong khi ban ngày họ còn phải đi làm.
“Quan trọng nhất của học trực tuyến là thiết bị, đường truyền nhưng một số gia đình chưa thể đảm bảo. Trong tình hình dịch bệnh, dạy học trực tuyến là biện pháp tình thế, chất lượng không thể bằng dạy học trực tiếp” - cô Hoa chia sẻ.
Tại Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, nhiều GV chủ động gửi bài qua Zalo của phụ huynh trước cho HS chuẩn bị để khi học qua Google Meet được thuận lợi. Một cô giáo cho biết, việc chuẩn bị bài giảng và lên lớp dạy trực tuyến của GV không có vấn đề gì vướng.
Trong giờ học, GV vẫn dành thời gian mời HS phát biểu hay tham gia góp ý nội dung trả lời của bạn, giúp tiết học sôi động, cuốn hút. Tuy nhiên, một số phụ huynh vẫn loay hoay không biết cách kết nối với lớp học trực tuyến hoặc có một số trường hợp chưa có điều kiện cho con học. Rõ ràng, cách học này hiệu quả không cao.
Khi được hỏi con cảm thấy thế nào khi học trực tuyến, Nguyễn Văn Tư - HS lớp 4 Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (Tam Kỳ) cho biết không vui vì không được gặp cô giáo, bạn bè tại lớp.
Tư nói: Đến trường học dễ hiểu bài hơn vì được nghe trực tiếp cô giáo giảng bài và cùng các bạn thi đua giơ tay phát biểu, được cô khen, con thấy vui lắm. Học xong lại được giải lao. Còn ở nhà học trực tuyến chỉ nghe cô giáo giảng, không được cô sửa bài tập. Con cũng thấy hơi mệt trong giờ học. Vì vậy, con thích đến trường và học trên lớp hơn.
Không chỉ Tam Kỳ, năm học này cũng có thời điểm một số địa phương như Núi Thành, Đại Lộc, Điện Bàn chuyển sang dạy học trực tuyến. Câu chuyện dạy học trực tuyến không mới bởi trong 3 năm qua, các trường học đã triển khai.
Ngành GD-ĐT cũng chủ động hơn trong khâu chuẩn bị, từ các phần mềm chuyên dụng đến tập huấn sử dụng cho đội ngũ GV. Tuy nhiên, nhiều thầy cô giáo vẫn thừa nhận phương pháp dạy học này còn nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là ở bậc tiểu học.
Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Thưởng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu (Đại Lộc) cho rằng, việc dạy học trực tuyến ở bậc tiểu học gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những em lớp 1, 2 cần hỗ trợ từ phụ huynh. Hơn nữa, không phải ai cũng có điện thoại thông minh hay máy tính để cho con em ở nhà học tập.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT: Phương án xử lý tình huống xảy ra, khi trường học xuất hiện F0, tạm dừng dạy học tập trung, chuyển sang dạy học trực tuyến. Nếu F1 xét nghiệm lần 1 âm tính, trường học trở lại dạy học bình thường (riêng lớp có F0 tiếp tục học trực tuyến vì F1 đã cách ly).
Khi trường học xuất hiện F1, trừ lớp có F1 học trực tuyến còn lại trường vẫn dạy tập trung. Nếu F1 xét nghiệm lần 1 âm tính, hết cách ly F2, tất cả đi học tập trung bình thường. Khi trường học xuất hiện F2, vẫn dạy học tập trung. Riêng F2 tạm dừng đến trường chờ F1 xét nghiệm, nếu âm tính thì đi học trở lại bình thường.
LINH HOẠT CHUYỂN ĐỔI HÌNH THỨC DẠY HỌC
Ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT có cuộc trao đổi về các hình thức dạy học phù hợp trong tình hình dịch bệnh.
* So với năm học 2020 - 2021, việc tổ chức dạy - học trực tuyến tại các cơ sở giáo dục có những thay đổi gì? Liệu khi diễn biến dịch trở nên phức tạp hơn, ngành giáo dục có thể sẵn sàng đáp ứng việc chuyển học trực tuyến không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Nam: Hiện có rất nhiều phần mềm hỗ trợ việc dạy học trực tuyến được các cơ sở giáo dục sử dụng như Microsoft Teams, I-Hi, Zoom, Google Meet, K12, VNPT E-learning...
Phần lớn giáo viên, học sinh đều đã làm quen với hình thức học tập này nên việc dạy học trực tuyến gần như được triển khai thuận lợi. Khó khăn lớn nhất vẫn là điều kiện học tập trực tuyến của học sinh ở các huyện miền núi.
Chính vì vậy mà ngành cũng đã chỉ đạo đa dạng các hình thức học tập như giao bài tập, dạy học qua nhiều kênh, mạng xã hội đồng thời tiếp tục khai thác dạy học trên truyền hình qua các kênh của Đài VTV và Đài PT-TH Quảng Nam.
Nhân đây tôi cũng rất cám ơn phụ huynh nhiều học sinh đã hết sức cố gắng trang bị máy tính, điện thoại… để cùng đồng hành với nhà trường trong việc học tập của con em.
* Ngành giáo dục có những chỉ đạo cụ thể nào ngay tại thời điểm chuẩn bị kết thúc học kỳ 1?
Ông Nguyễn Hoàng Nam: Hiện chúng tôi thường xuyên cập nhật báo cáo tình hình dịch bệnh để kịp thời chỉ đạo các trường THPT và theo dõi các trường TH, THCS thông qua Phòng GD-ĐT để nắm tình hình dạy và học.
Ngoài đôn đốc nhắc nhở cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện 5K, sở thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 hằng tuần để đánh giá các biện pháp thích ứng phù hợp theo từng cấp độ dịch của địa phương. Tại thời điểm này, sở đã ban hành hướng dẫn cho các đơn vị nội dung ôn tập chuẩn bị kiểm tra học kỳ trên tinh thần giảm tải như các hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Theo thầy Tăng Văn Chung - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn) thì việc chuyển sang học trực tuyến trong điều kiện ngay tại trường bùng phát số ca nhiễm covid trong đợt 20.11 vừa qua hiệu quả hơn so với lần đầu.
Thuận lợi nhất là thầy cô và học trò đã có kinh nghiệm, không mất thời gian tập huấn, không bị lúng túng nên các tiết học diễn ra cơ bản như dạy học bình thường. Để dạy trực tuyến, phải chuyển nội dung bài học thành bản trình chiếu, thầy cô đầu tư kỹ, lựa chọn sâu để sau tiết dạy đưa bài giảng vào nguồn học liệu, học sinh có thể xem lại để hiểu rõ hơn.
Nhưng dù sao học trực tuyến vẫn là giải pháp tình thế, không thể ưu việt hơn dạy trực tiếp vì ngoài các lý do khách quan như chất lượng đường truyền, thiết bị thì nó còn liên quan đến các vấn đề tương tác, ý thức học tập và thậm chí là cảm xúc của giáo viên và học sinh…
KHÓ KHĂN CHO MIỀN NÚI
Không chỉ thiếu về cơ sở vật chất, hệ thống mạng internet không đảm bảo phủ rộng đang là áp lực cho miền núi khi triển khai học trực tuyến. Song các địa phương vẫn chủ động xây dựng phương án dạy học thích ứng với dịch bệnh, trong đó dạy học khép kín khả thi hơn cả.
Không đáp ứng yêu cầu
Đã tạm qua những ngày dịch bệnh căng thẳng, nhưng Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Trà Tập (Nam Trà My) vẫn duy trì phương án dạy học khép kín cho giáo viên và học sinh tại trường. Phương án này được triển khai ngay khi địa phương phát hiện ca F0 cộng đồng đầu tiên vào cuối tháng 10 vừa qua.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường có 474 học sinh đang theo học, chủ yếu là đồng bào Ca Dong. Hơn 1 tháng nay, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, cả thầy và trò đều áp dụng kế hoạch dạy học theo chương trình tập trung khép kín tại trường nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Tất cả được xét nghiệm, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài.
Theo thầy Hùng, do đặc thù khó khăn của miền núi nên địa phương vẫn “thiếu thốn” mạng internet, việc tiếp cận công nghệ của học sinh còn chưa đủ đầy. Vì thế, nếu dịch bệnh căng thẳng buộc phải chuyển học trực tuyến, nhà trường sẽ không đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết như máy tính, hệ thống mạng...
“Học sinh ở đây, đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống rất nhiều khó khăn. Do vậy, các em không đủ điều kiện để trang bị học trực tuyến. Trong trường hợp bất khả kháng, chúng tôi chỉ có thể xây dựng phương án dạy bù” - thầy Hùng chia sẻ.
Em Alăng Thị Duy (học sinh lớp 11/4, Trường THPT Quang Trung, Đông Giang) cho biết, rất nhiều học sinh bày tỏ khó khăn do thiếu thiết bị hỗ trợ như máy tính, điện thoại thông minh... Trong khi đó, hệ thống mạng internet rất yếu, không đảm bảo việc kết nối với các chương trình dạy học trực tuyến.
“Em cũng chưa có điều kiện tiếp cận nhiều với công nghệ nên khá lo lắng. Chúng em ở đây, đa số là học sinh người Cơ Tu, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên không đủ điều kiện để trang bị máy tính, điện thoại thông minh. Nhiều nhà có 2 - 3 người học, bố mẹ làm nông hết, nên không mua nổi máy tính hay điện thoại để học” - Duy chia sẻ.
Qua khảo sát, gần như các huyện miền núi đều thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để dạy học trực tuyến. Như Tây Giang, ngoài một số trường học tại trung tâm huyện, hầu hết địa phương còn lại, nhất là các xã biên giới đều không đáp ứng yêu cầu về học trực tuyến.
Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện - bà Lê Kim Vân, ở miền núi việc dạy học trực tuyến là không khả thi. Bởi muốn học trực tuyến, điều kiện cần thiết là mỗi em phải có máy tính hoặc điện thoại thông minh. Nhưng, dù có thì hệ thống mạng cũng sẽ không đảm bảo.
“Vì thế, trong trường hợp không thể dạy học trực tiếp, chúng tôi sẽ giao bài cho từng học sinh. Giáo viên phụ trách sẽ liên hệ với ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc trực tiếp đến nhà các em để gửi tài liệu bài giảng cho các em tự học” - cô Vân chia sẻ.
Dạy học khép kín khả thi hơn
Ông Châu Ngọc Vĩnh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang cho rằng, đối với miền núi, việc dạy học trực tuyến chỉ ở mức thử nghiệm hoặc từng phần chứ không thể khả thi như yêu cầu.
Ngay thị trấn Thạnh Mỹ, qua khảo sát cũng chỉ 70 - 80% học sinh đáp ứng điều kiện học trực tuyến. Riêng các xã vùng cao, biên giới, nhiệm vụ giáo dục hiện nay được triển khai theo hướng dạy trực tiếp hoặc giao bài tập về nhà, vừa đảm bảo kế hoạch dạy học gắn với công tác phòng chống dịch bệnh.
“Thời gian vừa qua, khi Thạnh Mỹ liên tục ghi nhận các ca F0, ngoài tổ chức dạy học trực tuyến tại một số điểm trường, chúng tôi phân luồng lịch dạy theo từng ca nhằm hạn chế tập trung đông người. Đồng thời cách ly và dạy học riêng đối với các em thuộc diện F1.
Riêng với Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện, chúng tôi triển khai dạy học tập trung khép kín, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Trong trường hợp dịch tiếp tục bùng phát căng thẳng buộc phải dạy học trực tuyến, chúng tôi sẽ áp dụng phương án dạy học khép kín, đưa các em học sinh ngoại trú vào học tập trung tại trường như cách làm của Trường PTDT nội trú THCS huyện trước đây” - ông Vĩnh cho biết.
Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, địa phương đã khảo sát mức độ khả thi trong nhiệm vụ dạy học trực tuyến theo kế hoạch chung. Ngoài thị trấn P’rao và khu vực xã Ba có tỷ lệ 50 - 60% gia đình học sinh đủ điều kiện về trang thiết bị, máy móc, các xã còn lại gần như không đảm bảo theo phương án dạy học trực tuyến.
“Thời gian qua, chính quyền địa phương cùng các trường đã nỗ lực xây dựng phương án dạy học trực tiếp phù hợp theo diễn biến của dịch bệnh. Qua đánh giá, cơ bản việc dạy học đi vào nền nếp, chất lượng học tập của các em khá tốt. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chúng tôi tính toán xây dựng các phương án dạy học thích ứng tại cộng đồng và các trường học.
Ngoài hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh khó khăn, chúng tôi vận động thêm từ các nhà hảo tâm. Tuy nhiên các đơn vị có liên quan cần quan tâm xây dựng hệ thống mạng phủ sóng đủ mạnh cho miền núi. Về lâu dài, rất cần nguồn lực hỗ trợ của tỉnh và Trung ương cho miền núi” - ông Tùng nói.