Xã hội

Điểm tựa hướng đến thành phố sáng tạo

QUỐC TUẤN 28/07/2024 08:30

Đề án xây dựng Hội An - thành phố sáng tạo giai đoạn 2024 - 2027, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là đề án) vừa được HĐND TP.Hội An (khóa XII) có nghị quyết thông qua.

20230512_151116.jpg
Chất lượng nguồn lực là yếu tố quan trọng hàng đầu để Hội An hướng đến thành phố sáng tạo. Ảnh: Q.T

Điều này kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian sau khi Hội An gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.

Chờ đợi cú hích cho làng nghề

Mục tiêu cụ thể của đề án, đến năm 2027, Hội An sẽ hoàn thành các sáng kiến cấp địa phương, cấp quốc tế và các nội dung đã cam kết khi gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.

Theo đó, giá trị sản xuất ngành văn hóa sáng tạo trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian gắn kết với hoạt động du lịch tăng bình quân 5%/năm (đến năm 2030 tăng bình quân 10%).

Tổng lượt khách tham quan các làng nghề truyền thống tăng bình quân 10%/năm (đến năm 2030 tăng bình quân 15%), nghề thủ công đạt doanh thu khoảng 450 tỷ đồng và nâng lên 500 tỷ đồng vào năm 2030.

Đến năm 2027, Hội An sẽ hoàn thiện ít nhất 4 không gian sáng tạo tại các làng nghề đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thành lập 13 câu lạc bộ văn nghệ dân gian tại các xã, phường cũng như thành lập câu lạc bộ sáng tạo trên từng lĩnh vực, ngành nghề, loại hình hoạt động.

Các dự án cấp thành phố đã được xác định, bao gồm: “Mộc Kim Bồng - khơi nguồn sáng tạo”, dự án “Ươm mầm sáng tạo tài năng trẻ”, dự án “Sáng tạo Hội An qua môi trường công nghệ số”. Các dự án cấp quốc tế để cụ thể hóa cam kết gồm: Liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế Hội An, lễ hội đèn lồng quốc tế, ngôi nhà sáng tạo Hội An.

Để hoàn thành được đề án này, trong giai đoạn 2025 - 2027, Hội An sẽ cải tạo, nâng cấp, bổ sung công năng một loạt công trình trên địa bàn. Cạnh đó, Hội An dự kiến mỗi năm sẽ bố trí 10 tỷ đồng cho các hoạt động thường xuyên để đáp ứng thực hiện các chương trình, dự án, sáng kiến.

Chú trọng yếu tố nhân lực

Thống kê sơ bộ của TP.Hội An, trên địa bàn thành phố hiện có 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công - nghệ thuật dân gian. Ước tính có 3.013 lao động trong lĩnh vực thủ công - nghệ thuật dân gian và 700 diễn viên, nhạc công với thu nhập bình quân từ 250 - 350 USD/lao động/tháng.

20230512_153406.jpg
Hội An sẽ tham mưu, đề xuất tỉnh ban hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đề án xây dựng Hội An - thành phố sáng tạo giai đoạn 2024 - 2027, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Q.T

Bên cạnh đó còn lực lượng nòng cốt hơn 200 nghệ nhân, thợ thủ công giỏi, biên kịch, biên đạo, nhạc công, thiết kế, kỹ thuật âm thanh ánh sáng... Đây chính là nguồn lực quan trọng để Hội An hướng đến thành phố sáng tạo.

Với đề án xây dựng Hội An - thành phố sáng tạo, địa phương này phấn đấu sẽ có 3 nghề truyền thống/làng nghề truyền thống, loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian được công nhận cấp tỉnh và quốc gia; 3 nghệ nhân ưu tú, 5 nghệ nhân được công nhận thợ giỏi và có ít nhất 2 nghệ sĩ ưu tú trên lĩnh vực nghệ thuật dân gian.

Ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ, để có nguồn nhân lực bền vững ở loại hình nghệ thuật dân gian, cụ thể là bộ môn dân ca bài chòi và hát bội cần có đề án bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian Hội An. Từ việc mở các lớp bồi dưỡng, lớp học hát dân ca, hát bội; đổi mới nội dung và hình thức trình diễn thì Hội An cũng cần có chính sách thu hút tài năng đến từ nơi khác.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, tới đây thành phố sẽ tham mưu, đề xuất tỉnh ban hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành lĩnh vực tại địa phương, xây dựng Quỹ đổi mới sáng tạo, Quỹ ươm mầm tài năng...

“Ngoài ra, thành phố cũng sẽ nghiên cứu xây dựng các quy định, quy chế, chương trình hoạt động thường xuyên, định kỳ như các hình thức trại sáng tác, liên hoan, hội thi, hội diễn, hỗ trợ, vinh danh… có tác dụng thiết thực khuyến khích phát huy tài năng sáng tạo, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân, thợ giỏi, nhà nghiên cứu, doanh nhân… trong việc sưu tầm, truyền dạy, bảo tồn các nghề thủ công, các loại hình văn nghệ dân gian và phát triển năng khiếu, tài năng trẻ trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, văn nghệ, truyền nghề, xây dựng vườn ươm nghệ thuật, điểm đến sáng tác, thiết kế, triển lãm…”, ông Lanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điểm tựa hướng đến thành phố sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO