Du lịch trên hành trình chuyển đổi số

QUỐC TUẤN 06/10/2023 07:23

Du lịch có thể xem là một trong những lĩnh vực đi tiên phong thực hiện chuyển đổi số, dù vậy để chuyển đổi số du lịch thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp cũng như tiện ích cho du khách vẫn là chặng đường dài.

Nghi thức khai trương phần mềm du lịch thông minh Quảng Nam vào tháng 5/2022. Ảnh: Q.T
Nghi thức khai trương phần mềm du lịch thông minh Quảng Nam vào tháng 5/2022. Ảnh: Q.T

Nhiều chuyển động tích cực

Tháng 5/2022, Quảng Nam chính thức khai trương hệ thống du lịch thông minh tỉnh. Hệ thống này bao gồm: Cổng thông tin du lịch; ứng dụng mobile du lịch thông minh; bản đồ số; hệ thống chatbot; hệ thống tạo chương trình tour, lên lịch tham quan tự động cho du khách; hệ thống phân tích đánh giá, phản hồi mạng xã hội về du lịch Quảng Nam.

Với việc có thể tương tác hệ thống du lịch thông minh Quảng Nam ở mọi không gian, giờ đây du khách sẽ dễ dàng nắm được hầu hết thông tin cần lưu ý để chuyến du lịch đến Quảng Nam thêm phần trọn vẹn.

Bên cạnh đó, website “visitquangnam.com” với 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Hàn có thể xem là nền tảng giới thiệu về du lịch bền vững đầu tiên ở Việt Nam được sự tư vấn nội dung của Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) và Tập đoàn Thiên Minh hỗ trợ xây dựng, vận hành bước đầu cũng đạt được một số thông số tích cực.

Với hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên các ứng dụng mạng xã hội phổ biến, từ đầu năm đến nay nền tảng này đã thu hút gần 10 triệu lượt xem, tiếp cận, qua đó góp phần quảng bá thêm hình ảnh, thông tin du lịch Quảng Nam đến du khách.

Đến nay ngành du lịch Quảng Nam đã tiến hành số hóa hơn 10 nghìn file dữ liệu hình ảnh điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch; 9 nghìn file thô và gần 100 phim, trailer về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch, di sản văn hóa phi vật thể… Về phía doanh nghiệp, do đặc thù của ngành nên từ lâu hầu hết doanh nghiệp du lịch ở địa phương đã tham gia số hóa ở nhiều quy trình vận hành nhất là ở các khâu như marketing, đặt dịch vụ…

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, như vậy ngành du lịch Quảng Nam bước đầu đã hình thành cấu trúc tổng thể của hệ sinh thái hướng tới phát triển du lịch thông minh và tạo dựng những công cụ hỗ trợ các nhóm chủ thể dễ dàng tham gia, khai thác hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chung của ngành. Hệ sinh thái du lịch thông minh chỉ có thể phát triển và hoàn thiện khi tất cả các chủ thể sẵn sàng tham gia, chia sẻ, đóng góp, tích hợp tài nguyên vào hệ thống chung này.

Lấy hiệu quả làm thước đo

Theo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, chuyển đổi số là xu thế bắt buộc để thích ứng bởi các doanh nghiệp nếu không chịu thay đổi, chuyển đổi mô hình kinh doanh mới sẽ có nguy cơ bị mất dần thị trường, thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí là phá sản.

Du khách quét mã QR tại Mỹ Sơn để trải nghiệm du lịch thông minh. Ảnh: Q.T
Du khách quét mã QR tại Mỹ Sơn để trải nghiệm du lịch thông minh. Ảnh: Q.T

Như một khảo sát gần đây của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết có đến 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa hiểu biết về chuyển đổi số.

Con số này cũng khá tương đồng với một khảo sát ở phạm vi nhỏ hơn với 79 doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng vào năm 2022 cho thấy, các doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều rào cản khi áp dụng chuyển đổi số.

Các khó khăn để triển khai chuyển đổi số tại doanh nghiệp như chi phí đầu tư ban đầu, ứng dụng công nghệ số, cơ sở hạ tầng, nhân sự kỹ thuật, thói quen tập quán kinh doanh, hạn chế từ người lao động…

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, để triển khai hiệu quả công cuộc chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp du lịch, Quảng Nam cần rà soát và điều chỉnh các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, đảm bảo đo lường được, đánh giá được kết quả thực hiện.

Tại các điểm du lịch chính như Hội An, Mỹ sơn phải áp dụng triệt để cộng nghệ số như thẻ điện tử, AI vào quản lý vé tham quan, phát triển các sản phẩm du lịch số mới, tăng giá trị trải nghiệm mới cho khách du lịch tại điểm tham quan hoặc trên nền tảng số. Ngoài ra, cần xây dựng các chính sách tài chính, huy động vốn đầu tư ưu đãi, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực chuyển đổi số trong du lịch.

Theo ông Hoàng Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Vietsoftpro (đơn vị phối hợp xây dựng sản phẩm thuyết minh đa ngôn ngữ ở Mỹ Sơn), mỗi địa phương hay điểm đến có những đặc thù, thế mạnh riêng cũng như các điều kiện phát triển du lịch khác nhau. Do vậy, trên một phương pháp, mô hình áp dụng chung, chúng ta cần nghiên cứu để tìm ra giải pháp đặc trưng riêng cho mỗi trường hợp cụ thể.

“Cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số du lịch. Các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ liên quan đến công nghệ số cho văn hóa, du lịch hoàn toàn có thể xã hội hóa để doanh nghiệp đồng hành với chính quyền, qua đó tăng thêm sự hiệu quả, nhanh đi vào cuộc sống” - ông Việt nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch trên hành trình chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO