Giảm nghèo - An sinh

Những người “giữ lửa” chuyện làng

ĐĂNG NGUYÊN - YÊN CHI 26/06/2024 08:45

Luôn có mặt ở hầu hết sự kiện quan trọng của cộng đồng, nhiều cán bộ mặt trận cơ sở ở huyện Tây Giang được ví như những người “giữ lửa” chuyện làng, cổ vũ tinh thần đoàn kết bằng câu chuyện nêu gương đầy trách nhiệm.

a1f575647afad9a480eb.jpg
Alăng Alớp - người giúp việc làng Zrượt. Ảnh: NGUYÊN - CHI

Đổi thay từ nơi ở mới

Tròn 5 năm kể từ khi được dân làng bầu làm Trưởng ban Công tác mặt trận (CTMT) thôn Zrượt ở xã A Tiêng, Alăng Thị Alớp (người Cơ Tu) kể, dấu ấn lớn nhất của mình với cộng đồng, ngoài tập hợp lực lượng dựng gươl, giúp nhau khôi phục ruộng đồng sau thiên tai, còn là đợt vận động di dân thành công từ làng cũ về mặt bằng định cư mới vào năm 2020.

Chị Alớp nói, trước đây, người dân địa phương sống rải rác dọc sườn núi, nhà cách nhà xa vài trăm mét. Mỗi cuộc họp thôn, hoặc có việc cần hỗ trợ, quá trình thông báo, di chuyển mất rất nhiều thời gian.

“Đường sá vùng cao hiểm trở, người dân sống không tập trung gây rất nhiều khó khăn trong việc tập hợp cộng đồng. Do vậy, việc di dân tập trung là cần thiết” - chị Alớp chia sẻ.

e94ba85cabc2089c51d3 (1)
Công trình gươl Zrượt ghi dấu ấn vai trò cộng đồng của nữ Trưởng ban CTMT thôn - Alăng Thị Alớp. Ảnh: NGUYÊN - CHI

Năm 2015, khu dân cư Zrượt được chấp thuận san ủi mặt bằng mới. Nhưng, việc triển khai không mấy thuận lợi do người dân không đồng tình ủng hộ, vậy là phải tuyên tuyền, thuyết phục.

Năm 2019, Alớp được dân làng bầu làm Trưởng ban CTMT thôn Zrượt. Nhiệm vụ của chị ngoài tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, giúp nhau vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống… còn cả hành trình thuyết phục cộng đồng đồng ý triển khai mặt bằng mới.

Quyết tâm đưa dân làng thoát những cuộc thiên tai bất ngờ, thời điểm đó, Alớp dành phần lớn thời gian đi “thương thảo” với chính cộng đồng làng.

Từng hộ một, chị tìm cách thuyết phục người dân hiểu về chủ trương chung; lấy ví dụ từ làng lân cận để cộng đồng “nhìn nhận đúng đắn”. Miệt mài suốt gần một năm ròng, cuối cùng Alớp cũng thành công, dân làng đồng ý triển khai mặt bằng mới, quá trình thi công mặt bằng mới nhanh chóng được san ủi, hoàn thiện chỉ trong thời gian ngắn.

e6fad102dc9c7fc2268d.jpg
Bhling Thị Giép, người luôn có mặt với cộng đồng Cơ Tu tại địa phương. Ảnh: NGUYÊN CHI

Năm 2020 là dấu mốc đáng nhớ của Alăng Thị Alớp với dân làng. Chứng kiến hình ảnh cả 59 hộ, với 217 nhân khẩu lần lượt rời núi chuyển về sinh sống ở khu dân cư mới, chị bật khóc vì xúc động.

Cuối năm 2020, một đợt lũ lớn “chưa từng thấy” xuất hiện khiến nhiều đường sá, cầu cống, diện tích hoa màu bị tàn phá. Vị trí ngôi làng cũ cũng bị ngập nước, sạt lở đất vùi lấp khiến người dân lo sợ.

Bởi họ biết, nếu chậm trễ việc di dời trước đó, những hiểm họa thiên tai có khả năng sẽ ập đến với cộng đồng, nên về sau, ai cũng tin vào Alớp, nhất là trong hành trình tìm hướng thoát nghèo, ổn định cuộc sống mới.

“Năm 2022, từ chủ trương của huyện, tôi bàn với các già làng triển khai dựng gươl mới, vừa tạo điểm sinh hoạt, hội họp cho cộng đồng, vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa làng Cơ Tu.

Các già làng đồng ý, năm đó chúng tôi vận động người dân cùng góp sức hỗ trợ ngày công, tham gia dựng gươl để kịp tiến độ khánh thành vào dịp ngày hội đại đoàn kết. Vài năm trở lại đây, nhiều diện tích ruộng lúa bị vùi lấp do thiên tai, cũng được người dân trong làng cải tạo, giúp nhau có thêm sinh kế vượt qua khó nghèo” - Alớp nói.

Luôn góp mặt khi dân cần

Hôm trước, chúng tôi tìm gặp Bhling Thị Giép - Trưởng ban CTMT thôn Nal (xã Lăng). Ở tuổi 34, trông Giép khá chín chắn, hàng chục giấy khen được treo quanh nhà, ghi dấu những đóng góp của người phụ nữ Cơ Tu này với dân làng. Trừ những lúc ốm đau, Giép nói, không có công việc gì của làng chị từ chối.

9b45d53b39a59afbc3b4.jpg
Duy trì mô hình chăn nuôi heo, tạo cơ hội để chị Giép thoát nghèo, giúp đỡ cộng đồng. Ảnh: NGUYÊN - CHI

Sau thời điểm sáp nhập, thôn Nal trở thành địa bàn rộng, với nhiều khu dân cư dọc chân núi. Nơi này, có đến 168 hộ với 332 nhân khẩu đồng bào Cơ Tu sinh sống, sinh kế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Xuất phát từ việc muốn người dân cùng phát triển, năm 2015, sau thời điểm tham gia nuôi heo đen từ dự án hỗ trợ của tổ chức FIDR, chị Giép mang heo giống tặng cho các hộ dân trong làng để nhân rộng mô hình chăn nuôi, bắt đầu từ hộ của Bhling Thị Dền.

Sau này, nhận thấy việc làm ý nghĩa của chị, nhiều hộ dân khác làm theo, giúp mô hình tặng heo giống được nhân rộng. “Ở thôn, tôi không nản lòng bất kỳ công việc gì, nhất là giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn, gặp hoạn nạn. Tôi xem đó là trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, tạo điều kiện để người dân cùng phát triển, tăng thêm tình đoàn kết” - chị Giép chia sẻ.

Năm ngoái, hộ của Bríu Cân có con mất. Để chia sẻ với gia đình, chị Giép ngược xuôi vận động dân làng đóng góp gạo, củi, tiền bạc và giúp ngày công lao động, hỗ trợ gia đình công việc đồng áng. Mới đây nhất, ông Bríu Tường không may bị đột quỵ, bằng tinh thần cộng đồng, chị Giép huy động dân làng giúp ngày công trồng hơn 1ha keo, tạo điều kiện để hộ Bríu Tường có thêm sinh kế mới.

Bà Hôih Sơm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lăng nhận xét, không chỉ tích cực hỗ trợ, giúp đỡ người dân khó khăn trong đời sống, Bhling Thị Giép còn tham gia nhiệt tình các hoạt động của địa phương.

“Như đợt COVID-19, chị Giép ngược xuôi tuyên truyền người dân làm tốt công tác chống dịch bệnh, vận động góp rau, hoa quả gửi đến chốt trực, khu cách ly, các địa phương thành phố đang bị phong tỏa, giãn cách xã hội. Bất kể công việc gì địa phương cần, chị Giép đều luôn có mặt rất sớm và tham gia hết mình. Vì thế, liên tục nhiều năm liền, chị Giép luôn nhận được thành tích khen thưởng từ các cấp” - bà Sơm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những người “giữ lửa” chuyện làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO