Đời sống

"Sống đến bình minh"

QUẾ HÀ 22/06/2024 15:25

(Đặc san 21/6) - Như sợi chỉ của số phận, hai cha con nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh - Trần Mai Anh đều có cơ duyên gắn với Quảng Nam.

mai-hanh.jpg
Tổ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Đà 1968 - 1969. (Nhà báo Trần Mai Hạnh ngoài cùng hàng trên bên trái).Ảnh: tư liệu

Thời tôi sống!

Năm 2018, nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh gửi đến Ban Tổ chức Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần III một bức thư cùng tác phẩm “Thời tôi sống” của ông.

“Với tình yêu Đất Quảng sâu nặng cũng như trách nhiệm với những năm tháng chiến tranh ác liệt đã trải qua, đặc biệt là với các đồng chí, đồng nghiệp đã chiến đấu cùng tôi và hy sinh trên chiến trường Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng những năm 1968, 1969, tôi gửi cuốn “Thời tôi sống” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2018 tham dự giải thưởng.

Dự thi không phải vì giải thưởng, mà vì tôi cảm thấy được an ủi và yên lòng phần nào trước linh hồn của gần 200 cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 3 đã anh dũng nằm lại trên mảnh đất Điện Bàn (Quảng Nam) ngày ấy...”.

Năm 1965, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, chàng sinh viên văn khoa Trần Mai Hạnh tạm xếp bút nghiên để vào Nam, trở thành phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam).

Nhà báo Trần Mai Hạnh sinh năm 1943, quê Hải Dương. Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng khóa 8 và khóa 9, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 10. Ông nguyên là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, kiêm Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận. Trên đường thăm chiến trường xưa, vào ngày đầu tháng 4, nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh đã đột ngột qua đời, hưởng thọ 81 tuổi.

Cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, từ đó, gắn bó và định hình nên sự nghiệp, con người của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.

Tại chiến trường tại Quảng Đà, Trần Mai Hạnh hòa cùng cuộc chiến đấu cùng bộ đội và nhân dân. Lễ kết nạp Đảng cho đồng chí Trần Mai Hạnh được tổ chức năm 1969, ngay trong một căn hầm trú ẩn tại mặt trận Quảng Đà.

Chiến trường Quảng Đà có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Trần Mai Hạnh. Vùng đất này được tái hiện trong “Thời tôi sống” với từng câu chuyện, tình tiết xúc động.

Chú lính chì Thiện Nhân và mẹ Mai Anh

Nhà báo Trần Mai Anh là con gái đầu lòng của Trần Mai Hạnh. Tên của chị gắn liền với một câu chuyện đặc biệt ở Quảng Nam.

Năm 2007, khi nghe bản tin thời sự, Trần Mai Anh biết có một cháu bé ở Quảng Nam bị bỏ rơi và bị kiến và các loài thú ăn mất một chân cũng như bộ phận sinh dục. Các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam nỗ lực cấp cứu và đặt tên cho con là Thiện Nhân.

Mai Anh_nha bao
Nhà báo Trần Mai Anh - con gái ông Trần Mai Hạnh trong buổi ra mắt tập sách “Sống đến bình minh”.

Trần Mai Anh tìm đến Quảng Nam. Sau nhiều thủ tục pháp lý, chị chính thức trở thành mẹ nuôi của Thiện Nhân. Gia đình chị đã cùng “chú lính chì” này đi khắp nơi để chữa trị, với mong ước mang đến cho con cuộc sống trọn vẹn.

Từ hành trình làm mẹ của Thiện Nhân, Trần Mai Anh sáng lập chương trình ”Hành trình Thiện Nhân và những người bạn” thuộc Quỹ phòng chống thương vong châu Á nhằm khám, tư vấn và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em không may khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Dự án này đưa chị trở thành một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng trong sự kiện vinh danh của Forbes năm 2017.

Sống và viết với niềm tin

Đầu tháng 4 này, trên hành trình thăm lại chiến trường xưa, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đột ngột từ giã cõi đời.

Dẫu vậy, những ngày cuối tháng 4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam và gia đình tổ chức lễ ra mắt cuốn tự truyện “Sống đến bình minh” của ông. Cuốn sách ra mắt đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, theo di nguyện của ông. Tập sách cũng là ký ức cuộc đời làm báo, viết văn nhiều sóng gió, thăng trầm hơn nửa thế kỷ qua của Trần Mai Hạnh.

Một tài liệu tuyệt mật thu thập được trong Dinh Độc lập vào ngày 30/4 lịch sử, một văn bản hành chính, hay một lá thư riêng của người bạn xưa, tất cả đều được Trần Mai Hạnh lưu giữ cẩn trọng suốt hơn nửa thế kỷ.

Trong gần ba thập kỷ kể từ khi bước vào nghề báo, ông lưu trữ và giữ gìn mọi tư liệu, dù là một tấm ảnh, một trang nhật ký, hay một văn bản, bắt gặp vương vãi trong Dinh Độc Lập hay ở một nơi nào đó giữa các trận chiến.

Từng là nhà báo chiến trường, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã có mặt ở nhiều điểm nóng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông là người chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử ở Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.

Tư liệu báo chí biến thành chất liệu cho những tác phẩm văn học sau này của Trần Mai Hạnh, là “Nắng Thu Bồn”, “Tình yêu và án tử hình”, “Sụp đổ và tự thú”, “Ngày tận thế”, “Lời tựa một tình yêu”, “Thời tôi sống”, Viết và đối thoại”.

Tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được dịch ra tiếng Anh xuất bản ở nhiều quốc gia như Lào, Cu Ba, Tây Ban Nha, giành giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2014, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.

Ông đã sống và viết đúng như những gì mình tâm niệm, cho đến hơi thở cuối cùng: “Đối mặt với cái chết trong chiến tranh và những nghịch cảnh trong đời thường, tôi luôn sống và viết với niềm tin những gì tươi sáng rồi sẽ đến”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Sống đến bình minh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO