Tạo đột phá về công tác cán bộ

HÀN GIANG - ALĂNG NGƯỚC 07/11/2021 06:02

Việc thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (khóa XXI) về công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy đạt được nhiều kết quả quan trọng. Dự thảo nghị quyết về công tác cán bộ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều điểm mới, kỳ vọng tiếp tục tạo sự đột phá về công tác cán bộ của tỉnh. Bản dự thảo được cấp ủy các cấp quan tâm thảo luận, góp ý để hoàn thiện trước khi ban hành. Quảng Nam cuối tuần ghi nhận một số ý kiến bước đầu có tính gợi mở về hướng đi trong công tác này.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII xác định nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng là quan trọng hàng đầu. Ảnh: N.Đ
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII xác định nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng là quan trọng hàng đầu. Ảnh: N.Đ

ÔNG PHAN VIỆT CƯỜNG - ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY: "CHĂM LO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ"

Hiện nay, cán bộ, công chức được đào tạo, bổ sung bằng cấp rất nhiều nhưng vận dụng vào thực tiễn công việc không nhiều, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Cách tiếp cận của dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác cán bộ ở nhiệm kỳ mới không bàn đến bằng cấp, cơ cấu mà chú trọng đánh giá năng lực công tác, phẩm chất đạo đức.

Làm tốt vấn đề này, cùng với chính sách chăm lo bồi dưỡng cán bộ phù hợp và tạo môi trường thuận lợi để người cán bộ cống hiến, đảm đương hiệu quả công việc được giao là định hướng và cũng là nỗ lực của Quảng Nam.

Bác Hồ đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc và là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”. Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng.

Nghị quyết mới về tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành lần này sẽ là tiền đề quan trọng, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Quảng Nam thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra.

ÔNG NGUYỄN CHÍN - TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC TỈNH ỦY: "BỔ NHIỆM VƯỢT CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ TRẺ CÓ NĂNG LỰC VƯỢT TRỘI"

Dự thảo nghị quyết lần này có nhiều điểm mới và mang tính đột phá, nhất là các mục tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy được xây dựng dựa trên các quan điểm, nguyên tắc của Đảng và tình hình thực tiễn của Quảng Nam.

Dự thảo đề xuất nghiên cứu tổ chức thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng. Hay xin ý kiến của Trung ương khi bổ nhiệm vượt cấp đối với cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý để đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ. Người đứng đầu có trách nhiệm tiến cử, đề xuất người thay thế mình.

Thực hiện thí điểm chủ trương giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Tăng thêm số lượng phó bí thư cấp ủy huyện ngoài số lượng theo quy định...

Cán bộ xã biên giới La Dêê (Nam Giang) hỗ trợ cử tri đi bầu cử trong cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua. Ảnh: N.Đ - ALĂNG NGƯỚC
Cán bộ xã biên giới La Dêê (Nam Giang) hỗ trợ cử tri đi bầu cử trong cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua. Ảnh: N.Đ - ALĂNG NGƯỚC

ÔNG TRẦN NAM HƯNG - BÍ THƯ THÀNH ỦY TAM KỲ: "QUYẾT TÂM ĐỂ CÓ CÁN BỘ TRẺ"

Từ thực tiễn công tác cán bộ của TP.Tam Kỳ cho thấy, mục tiêu dự thảo nghị quyết đặt ra phấn đấu đến năm 2025, có từ 30% trở lên cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện dưới 40 tuổi là rất khó thực hiện.

Hiện, tỷ lệ này trong Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Tam Kỳ có 5,1%; trưởng phó phòng có 16,7%. Cá nhân tôi thấy việc đặt ra chỉ tiêu để phấn đấu như trong dự thảo nghị quyết là cần thiết, phù hợp với xu thế chung hiện nay. Sẽ khó với một số địa phương nhưng phải thống nhất, quyết tâm thực hiện thì mới có cán bộ trẻ ở các cấp.

Tôi cũng thống nhất việc đánh giá cán bộ, công chức hai lần trong năm. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, biết là rất khó, nhưng cố gắng làm cho được, đặc biệt xem xét số hóa bằng phần mềm, tối đa hóa các chỉ tiêu có thể định lượng được để làm tốt khâu đánh giá cán bộ.

ÔNG PHAN CÔNG VỸ - BÍ THƯ HUYỆN ỦY THĂNG BÌNH: "LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ ĐỂ KHẮC PHỤC SỰ TRÌ TRỆ"

Năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình xây dựng đề án và ban hành Nghị quyết 06 về luân chuyển cán bộ từ xã này qua xã khác. Giai đoạn 2019 – 2020, cũng nhằm chuẩn bị công tác cán bộ cho nhiệm kỳ 2020 – 2025, địa phương luân chuyển hai bí thư và một chủ tịch từ xã này qua làm ở địa phương khác. Đây là những cán bộ trẻ, có năng lực, uy tín nên giới thiệu ra đại hội đều đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao.

Ở nhiệm kỳ vừa qua, Thăng Bình cũng đã thực hiện bố trí bí thư cấp ủy không phải người địa phương tại 9 đơn vị, với 13 người. Những cách làm trên đã góp phần khắc phục được sự trì trệ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại cơ sở.

Thời gian tới, bám sát nghị quyết mới của Tỉnh ủy, Thăng Bình sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ giữa các xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (khóa XXI), đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, số cán bộ, công chức có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ khá cao (cấp xã 87,3%; cấp huyện 95,9%; cấp tỉnh 98,3%); cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn. Nhiều chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết đạt và vượt.

ÔNG NGUYỄN VĂN TỈNH - BÍ THƯ HUYỆN ỦY HIỆP ĐỨC: "BĂN KHOĂN CHỈ TIÊU CÁN BỘ TRẺ DƯỚI 40 TUỔI"

Về mục tiêu đến năm 2025, có 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đạt chuẩn chức danh theo quy định, dự thảo nghị quyết cần nêu cụ thể chức danh đối với cụm từ “cán bộ lãnh đạo quản lý”. Chúng ta đã đưa vào nghị quyết cụ thể chức danh nào là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, còn cụm từ cán bộ lãnh đạo quản lý thì chưa có cụ thể chức danh.

Tôi cũng băn khoăn hai chỉ tiêu liên quan đến cán bộ trẻ. Nghị quyết đặt ra mục tiêu phấn đấu từ 30% trở lên cán bộ quản lý cấp huyện dưới 40 tuổi. Đưa ra chỉ tiêu để phấn đấu, nhưng theo tôi tính khả thi không cao.

Bởi thực tế, thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế nên số lượng tuyển mới đầu vào ít; đội ngũ cán bộ, công chức đã ổn định, xu hướng càng về sau tỷ lệ cán bộ, công chức dưới 40 tuổi giảm dần. Tôi đề nghị giữ nguyên tỷ lệ như hiện nay là 25% là phù hợp.

Đối với Hiệp Đức, cán bộ quản lý trẻ dưới 40 tuổi hiện nay chiếm 22,6%, như vậy, đến cuối năm 2025 đạt 25% là hợp lý. Việc đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 5% trở lên cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện dưới 40 tuổi cũng quá cao, khó khả thi. Theo thực tế thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện dưới 40 tuổi chưa có đồng chí nào.

ÔNG NGUYỄN HẢO - BÍ THƯ HUYỆN ỦY ĐẠI LỘC: "HOÀN THÀNH BỐ TRÍ BÍ THƯ CẤP ỦY HUYỆN KHÔNG LÀ NGƯỜI ĐỊA PHƯƠNG"

Mục tiêu dự thảo nghị quyết đề ra đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Theo tôi nên bỏ từ “cơ bản” để thể hiện mạnh mẽ quyết tâm hoàn thành mục tiêu này ở cuối nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đồng thời bổ sung mục tiêu phấn đấu từ 50% trở lên bí thư cấp ủy cấp xã không phải là người địa phương và khuyến khích thực hiện việc bố trí này đối với chức danh chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở những nơi có điều kiện.

Ngoài ra, bổ sung thêm vào mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh hoàn thành bố trí bí thư cấp ủy cấp xã không là người địa phương. Làm tốt việc bố trí chức danh bí thư các xã, phường, thị trấn không là người địa phương thì việc chỉ đạo, lãnh đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại cơ sở sẽ khách quan hơn.

Dự thảo nghị quyết phấn đấu có ít nhất 20% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi là quá cao. Bởi thực tiễn, người cán bộ trưởng thành, được giới thiệu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã qua tuổi 40 rồi, để được giới thiệu tham gia Ban Thường vụ dưới 40 tuổi lại càng rất khó. Theo tôi phấn đấu đạt tỷ lệ này từ 10 – 15% để quyết tâm thực hiện hoàn thành là phù hợp với tình hình cơ sở.

Cán bộ xã Ch’Ơm (Tây Giang) phối hợp với đơn vị kết nghĩa hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc vườn ươm giống đảng sâm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Cán bộ xã Ch’Ơm (Tây Giang) phối hợp với đơn vị kết nghĩa hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc vườn ươm giống đảng sâm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

ÔNG ĐỖ ĐỨC HUYNH – BÍ THƯ ĐẢNG ỦY XÃ QUẾ TRUNG (NÔNG SƠN): "CẦN CÓ CÁCH ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ HIỆU QUẢ HƠN"

Lâu nay, việc đánh giá cán bộ, công chức luôn là khâu yếu. Dự thảo nghị quyết của Tỉnh ủy nêu ra hai phương án để xin ý kiến thống nhất của cấp ủy: đánh giá một lần/năm và đánh giá hai lần/năm vào giữa năm và cuối năm. Nhưng liệu việc tổ chức đánh giá hai lần trong năm sẽ tốt hơn một lần trong năm hay không, điều đó phụ thuộc phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả hơn đối với từng vị trí việc làm.

Việc đánh giá cán bộ, công chức được quan tâm, bàn thảo rất nhiều và không có thủ trưởng cơ quan, đơn vị nào không biết cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý làm tốt hay không tốt nhiệm vụ. Hạn chế là nằm ở chỗ nể nang, né tránh và người cán bộ, công chức có muốn phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không, hay cứ bằng lòng làm việc “bình bình như vậy”.

Theo tôi, nếu chúng ta chưa chú trọng biểu dương, khen thưởng đối với những cán bộ, công chức nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì chưa tạo động lực thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tôi ủng hộ phương án nên tổ chức đánh giá một lần trong năm và cần có khuyến khích động viên nhằm tạo động lực phấn đấu của cán bộ, công chức.

ÔNG TRẦN MINH THÁI - PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KIỂM TRA TỈNH ỦY: "GÓP PHẦN LÀM TỐT CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG"

Trong dự thảo nghị quyết đề xuất phương án chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; giữa các cơ quan cấp huyện; giữa các cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện và ngược lại. Đây là việc làm cần thiết, cũng là một nội dung đột phá của nghị quyết mới về công tác cán bộ lần này.

Theo Luật Phòng chống tham nhũng, cũng như Nghị định 59 hiện nay chưa có quy định chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ cấp trưởng phòng. Qua làm việc với các đơn vị, nhiều ý kiến phàn nàn rất khó chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ ở các ngành, các cấp, hầu hết chỉ chuyển đổi được vị trí của kế toán.

Làm tốt công tác chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức sẽ góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, với tinh thần quan tâm đến cán bộ trẻ, nghị quyết cần nghiên cứu cơ chế làm việc theo chế độ chuyên gia để phát huy tài năng, năng lực của cán bộ trẻ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của Thường trực cấp ủy cấp huyện ở khu vực đồng bằng vào dự thảo Nghị quyết mới về công tác cán bộ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: N.Đ
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của Thường trực cấp ủy cấp huyện ở khu vực đồng bằng vào dự thảo Nghị quyết mới về công tác cán bộ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: N.Đ

ÔNG THÁI VIẾT TƯỜNG - HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ QUẢNG NAM: "ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CHUYÊN SÂU, DÁM NGHĨ, DÁM LÀM"

Ở Quảng Nam, công tác cán bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu hiện nay. Tuy nhiên, nếu đánh giá kỹ, công tác cán bộ vẫn còn điều cần phải rút kinh nghiệm.

Cụ thể, việc cơ cấu cán bộ tham gia kiểm soát quyền lực Nhà nước tại địa phương, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh chưa được quan tâm; đội ngũ cán bộ khoa học - giáo dục, nghiên cứu lý luận và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chưa đủ nhiều trong cơ cấu.

Những năm qua, chúng ta đã làm rất nhiều việc trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhưng tôi có cảm giác hình như đang quá tải. Trước năm 2015, đi học cái gì cũng có chế độ hết, nhưng về sau này, đi học phải tự lo hết. Có thể bỏ một số chế độ, nhưng phải giữ cái gì cần thiết, hoặc có thể quy định cụ thể giúp cán bộ có điều kiện phát triển, đào tạo chuyên sâu ở các lĩnh vực.

Để đảm bảo cán bộ có đủ khả năng, trình độ làm việc trong môi trường quốc tế, bên cạnh đánh giá năng lực hằng năm, cần có thêm chiến lược và quyết sách đầu tư phù hợp giúp nâng cao kiến thức, phát huy năng lực trong nhiệm vụ chuyên môn.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần có quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ, đồng thời xây dựng và khuyến khích đội ngũ cán bộ kế cận có đủ trình độ năng lực, dám nghĩ dám làm, có sáng tạo và dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách…

BÀ TRƯƠNG THỊ LỘC - GIÁM ĐỐC SỞ LĐ-TB&XH: "CẦN QUAN TÂM NHIỀU HƠN ĐẾN CÁN BỘ NỮ"

Theo tôi, trong vấn đề luân chuyển, đào tạo, sắp xếp và bổ nhiệm cán bộ cần quan tâm nhiều hơn đến cán bộ nữ. Bởi thực tế nhiều năm qua, có thể nhận thấy, nhiều cán bộ nữ rất có khả năng điều hành công việc, thể hiện năng lực chuyên môn của mình. Vì thế, trong nghị quyết của tỉnh, cần đặt ra mục tiêu 100% cơ quan, đơn vị các sở, ban ngành có cán bộ nữ.

Đồng thời cần quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ vào trong bộ máy lãnh đạo; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, trong đó ưu tiên đào tạo cán bộ nữ giúp họ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm, có kiến thức trong công tác quản lý theo tinh thần nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Trên tinh thần bình đẳng, cần trao cơ hội cho cán bộ nữ nhiều hơn trong vấn đề tham gia công tác quản lý, điều hành công việc. Và tôi tin, cán bộ nữ sẽ làm được, thậm chí là làm rất tốt nhiệm vụ được giao.

Dự thảo nghị quyết xác định đến năm 2025: có 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đạt chuẩn chức danh theo quy định.

Về mục tiêu cán bộ nữ, đối với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có trên 30% cán bộ, công chức, viên chức là nữ thì phải có ít nhất 1 cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ. Phấn đấu từ 20% trở lên cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và 25% trở lên cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện là nữ.

Đến năm 2030, phải có ít nhất 20% cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ cấp ủy viên các cấp đạt ít nhất 20%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp đạt hơn 35%.

Về chỉ tiêu cán bộ trẻ, phấn đấu từ 10% trở lên cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và từ 30% trở lên cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện dưới 40 tuổi; phấn đấu từ 5% trở lên cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện dưới 40 tuổi.

Đến năm 2030, phấn đấu bảo đảm từ 15 - 25% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi. Phấn đấu có ít nhất 20% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo đột phá về công tác cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO