Tận dụng đặc sản nếp bầu Tam Mỹ, chị Trần Thị Tố Trang và Bùi Thị Linh trú thôn Phú Quý 3, xã Tam Mỹ Đông (Núi Thành) đã sản xuất thành công sản phẩm “Bánh giầy truyền thống Trung Lý”.
Với sản phẩm “Bánh giầy truyền thống Trung Lý”, chị Trang và Linh đã đạt giải Ba tại vòng Chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo do Hội LHPN huyện Núi Thành tổ chức năm 2024.
Nếp bầu Tam Mỹ là đặc sản nổi tiếng từ lâu đời của vùng quê Tam Mỹ Đông và Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành). Hạt nếp bầu dẻo và thơm lừng rất đặc trưng. Đây là loại bánh truyền thống của người Việt, thường được làm vào dịp Tết Nguyên đán và ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 âm lịch).
Thực hiện ý tưởng “Bánh giầy truyền thống Trung Lý”từ nếp bầu Tam Mỹ, chị Trang và chị Linh đã xây dựng xưởng sản xuất, mua sắm máy xay bột, máy hấp bánh và nguyên liệu gồm nếp, tôm, thịt, đậu xanh. Sau đó đi vào quy trình sản xuất sản phẩm.
Theo chị Trần Thị Tố Trang, quy trình sản xuất bánh giầy được thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Qua thực tế, số vốn đầu tư cho cơ sở sản xuất bánh giầy của chị Trang và chị Linh không lớn, cả vốn cố định, lưu động và dự phòng chỉ khoảng 14 triệu đồng, nhưng sản phẩm đem lại lợi nhuận khá và có tính bền vững.
Trong một tháng, cơ sở sản xuất khoảng 5.000 cái bánh, thu lãi 5 triệu đồng, tương đương với lãi 60 triệu đồng/năm. Đây là cơ sở để chị Trang và chị Linh mở rộng cơ sở sản xuất bánh giầy từ nếp bầu Tam Mỹ nhằm tạo nguồn thu bền vững cho phụ nữ vùng nông thôn.
Sự khác biệt của sản phẩm bánh giầy từ nếp bầu Tam Mỹ là cơ sở sử dụng nếp bầu địa phương rõ nguồn gốc, xuất xứ, bánh không sử dụng chất bảo quản và phẩm màu.
Hiện tại, sản phẩm đang được bán qua các kênh online trên facebook, zalo, bán tại chợ Tam Mỹ Đông. Đồng thời phân phối theo các đơn đặt hàng từ các dịch vụ nấu ăn trên địa bàn huyện Núi Thành và các vùng lân cận.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Mỹ Đông cho biết, sản phẩm bánh giầy từ nếp bầu Tam Mỹ góp phần giữ gìn và phát triển nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ. Địa phương sẽ hỗ trợ xây dựng thương hiệu “Bánh giầy truyền thống Trang Lý” trở thành thương hiệu uy tín, truy xuất nguồn gốc xuất xứ... và đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương.
Nói về đề xuất trong thời gian đến, chị Bùi Thị Linh - đồng chủ sở hữu cơ sở “Bánh giầy truyền thống Trung Lý” cho hay: “Chúng tôi đang rất cần sự hỗ trợ kinh phí mua sắm thêm trang thiết bị, máy móc từ nguồn vốn của chương trình OCOP, chương trình khởi nghiệp sáng tạo và các nguồn vốn ưu đãi khác để mở rộng sản xuất. Đồng thời mong hội phụ nữ các cấp quan tâm quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.