Từ cuối thế kỷ 16, ven bờ bắc sông Tam Kỳ có tên một đơn vị hành chính khá lạ: “Vi tử Bình An Bạch Câu”. Qua nhiều thời, vi tử này đã được đổi tên nhiều lần, nay thuộc phường An Sơn và một phần phường An Xuân (Tam Kỳ). Trên vùng đất này có những dấu tích lịch sử đáng nhớ và nhiều dấu tích địa lý văn hóa cần được tìm hiểu thêm.
Từ Bình An Bạch Câu đến Tam Dưỡng
Tên xã Tam Dưỡng có từ sau năm 1920. Trong 29 xã thuộc tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ được ghi trong sách B.A.V.H (dẫn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương), tên xã Tam Dưỡng được ghi ở vị trí thứ 12.
Trước đó nửa thế kỷ (1887), sách “Đồng Khánh địa dư chí” ghi nhận tên xã Dưỡng An nằm trong tổng Đức Hòa Trung, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Xét vị trí xã Dưỡng An vẽ trong bản đồ tập sách này, có thể biết Dưỡng An chính là tên xưa của xã Tam Dưỡng.
Cũng vị trí đó, trong tập địa bạ thời Gia Long - Minh Mạng, xã này có tên Bình An Bạch Câu với tứ cận được ghi: “Đông giáp xã Tam Kỳ. Tây giáp các xã Trường Xuân, Tam Kỳ. Nam giáp xã Tam Kỳ lấy sông làm giới. Bắc giáp xã Tam Kỳ, lập cột đá làm giới”.
Trước đó nữa, trong Phủ biên tạp lục (1776), Bình An Bạch Câu (平安白駒) là tên một vị tử (chỉ đơn vị đất đai mới được khai phá - NV) thuộc Nội phủ Kim hộ (bản dịch NXB Khoa học, Hà Nội 1964, trang 87).
Dấu tích lịch sử
Phía đông xã Tam Dưỡng có một nghĩa địa gọi là “Gò mả đông”. Gò mả này nằm phía bờ bắc sông Tam Kỳ. Cách đó không xa về hướng bắc là nhà dịch trạm Nam Kỳ - trạm thứ 6 nằm trên đường thiên lý kể từ phía bắc tỉnh Quảng Nam vào. Xưa, đây là nơi chôn cất những nạn nhân vô danh trong những trận đói, trận dịch qua nhiều đời.
Theo nhiều vị cao niên địa phương hồi đầu thập niên 1950, 1960 kể lại, xưa nghĩa địa này hoang vắng trống trải. Khi nổ ra cuộc biểu tình cự sưu kháng thuế năm 1908, chỗ này là nơi tập kết dân ở ba tổng phía nam sông Tam Kỳ gồm An Hòa, Đức Hòa và Phước Lợi để chuẩn bị bao vây phủ đường Tam Kỳ.
Dẫn đầu đoàn dân của tổng Phước Lợi là Trùm Thuyết. Cuộc vây phủ Tam Kỳ sau đó bị Pháp đàn áp quyết liệt, chúng bắt cụ trùm Trần Thuyết, quy cho vai trò chủ mưu, kết án tử hình rồi đem xử chém ở Gò mả đông - nơi tập trung đoàn biểu tình ở cánh nam trước đó để thị uy. Di hài cụ Trần Thuyết (1857 - 1908) được chôn ngay tại địa điểm bị hành hình.
Hiện nay, nơi đây là “Di tích lịch sử mộ cụ Trần Thuyết”. Toàn bộ câu chuyện dân bảy tổng vây phủ Tam Kỳ và sự hy sinh của anh hùng Trần Thuyết đã được cụ Huỳnh Thúc Kháng kể lại rõ ràng trong bài viết “Cuộc kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908”.
Cũng ở ven bờ bắc sông Tam Kỳ thuộc phạm vi xã Dưỡng An (nay gần mố phía tây bắc của cây cầu mới bắc qua đường tránh Tam Kỳ) có một địa điểm gắn liền với một sự kiện xảy ra hồi tháng 7 năm 1913 được nhiều người biết.
Cụ Trần Văn Tuyền (sinh năm 1913 quê ở ấp Hương Trà, xã Tam Kỳ, cán bộ cách mạng lão thành, cựu tù cách mạng ở Côn Đảo, nguyên Chủ tịch UBND xã Tam Kỳ từ 1975 - 1985 - vừa qua đời hồi đầu năm 2023) từng nghe kể, ấp Hương Sơn, xã Tam Kỳ xưa có nhà Nho Trần Xán (1881 - 1913) tham gia đắc lực phong trào cự sưu kháng thuế tại Tam Kỳ. Khi cuộc “vây phủ” thất bại, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều ra sức đàn áp, cụ Trần Xán đã trốn thoát vào làng Bình Yên Trung, tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông.
Đến năm 1913, theo dấu liên lạc của cụ Xán về gia đình, bọn mật thám Pháp và Nam triều đã vào Bình An Trung bắt và áp giải cụ Xán về Tam Kỳ. Trên đường bị giải từ bến đò Bến Ván - An Tân (nay là thị trấn Núi Thành) đi thuyền qua quãng sông Diêm Trường (nay là vùng cảng biển của công ty Trường Hải), cụ Xán vùng lên đánh tên chỉ điểm rồi nhảy xuống sông tự vận. Bọn áp giải lặn tìm suốt một ngày, đưa xác cụ về bến đò xã Dưỡng An nhằm răn đe dân chúng.
Di hài cụ Xán cũng bị buộc phải chôn tại chỗ, về sau gia đình đã cải táng về vườn nhà. Bia trên mộ cụ Xán (nay ở tổ 5A, khối phố Hương Sơn, Tam Kỳ) đã ghi rất rõ về trường hợp hy sinh của cụ.
Dấu tích địa lý, văn hóa
Địa hình Dưỡng An - Tam Dưỡng xưa có nhiều cồn bàu: bàu Dừa, bàu Chỉnh, bàu Sấu nằm dọc theo dòng khe Thạch Tuyền và bàu Quá, bàu Hán nằm ven đường thiên lý cùng đổ nước ra sông Bàn Thạch.
Gần cuối khe Thạch Tuyền (nay là vùng hồ điều hòa phường An Sơn) có một khu mộ chôn cất những thương nhân, lý hào vùng Chợ Vạn - Tam Kỳ. Văn bia trên các mộ ấy cho biết nhiều điều về vùng Tam Kỳ xưa. Đa số mộ nói trên nay đã dời về nghĩa trang Gò Trầu xã Tam Xuân 1.
Ở khối phố 8, phường An Sơn có song mộ cổ được xây từ giữa thời Nguyễn. Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã tiến hành khảo sát hai ngôi mộ này và công bố kết quả vào ngày 17/8/2023. Qua kết quả khảo sát đó, biết được đây là mộ hai vợ chồng (ông họ Huỳnh - hiệu Hoàn Nhân và bà họ Phan - không ghi tên).
Bia mộ ông dựng năm Canh Tuất (Tự Đức thứ 3 - 1850); bia mộ bà dựng năm Bính Thìn (đoán là năm 1856). Khảo sát còn cho biết hai ngôi mộ có kiến trúc đặc trưng của mộ giữa thời Nguyễn. Hai bài minh trên đầu mộ đã cho biết ít nhiều về hành trạng của người nằm trong mộ (đến nay vẫn chưa tìm được hậu duệ).
Nơi đây còn lưu giữ gần 100 trang tư liệu chữ Nho gồm các bài văn cúng kỳ yên, tiếu tạ… cùng các bản gia phả của tộc Lê ở Bình An Bạch Câu - Dưỡng An - Tam Dưỡng có xuất xứ từ các năm Gia Long thứ 10 - 1811, Thiệu Trị thứ 2 - 1842, Tự Đức thứ 21 - 1868, Tự Đức thứ 33 - 1880, Đồng Khánh thứ 2 - 1886, Bảo Đại thứ 16 - 1940 (hiện nay do các hậu duệ là Lê Vịnh, Lê Bá Hiểu bảo quản).
Nội dung các văn bản đã cho biết ông thủy tổ Lê Văn Thuận - hiệu Trinh Chánh từ xã Khương Cù, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến lập ấp An Tân rất sớm vào niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Thần Tông (1619 - 1628). Kế tộc Lê là các tộc Huỳnh, Nguyễn, Doãn, Phạm. Hiện chưa tra được tên xã Khương Cù; ở Thanh Hóa chỉ có xã Hanh Cù thuộc huyện Hậu Lộc. Hiện chưa rõ về sự thay đổi tên xã và tên huyện của quê gốc nói trên.
Cũng qua đó, biết được ấp An Tân xã Bình An Bạch Câu hồi đầu thế kỷ 17 gồm hai xứ đất Bến Lở và Hóc Lịch. Đến thời đổi tên xã thành Dưỡng An rồi Tam Dưỡng, ngoài ấp An Tân còn có thêm các ấp An Dưỡng và An Thổ.