Sáu tháng đầu năm 2020, việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) trong toàn quốc đều gặp khó khăn chung, đó là sụt giảm số người tham gia, khó vận động người tham gia mới. Ngành BHXH đang thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện tình hình.
Giảm người tham gia
Theo số liệu BHXH Việt Nam cung cấp tại hội nghị trực tuyến toàn quốc, đến ngày 30.6, số người tham gia BHXH đạt khoảng 15,144 triệu người. Trong đó, số tham gia BHXH bắt buộc là 14,473 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 670,8 nghìn người. Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 12,716 triệu người. Tổng số người tham gia BHYT trên toàn quốc là 85,521 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 88,3% dân số).
Số liệu trên cho thấy người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN đều sụt giảm so với cuối năm 2019 bởi tác động của dịch bệnh; chỉ riêng số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 96,8 nghìn người. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN ước đạt 45,3% kế hoạch cả năm (tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2019). Tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) khoảng 21.231 tỷ đồng, chiếm 5,3% số phải thu.
Theo nhận định, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN giảm trong khi số nợ lại tăng lên. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh, người lao động không có việc làm phải nghỉ việc nên không thể tiếp tục tham gia bảo hiểm.
Trong bối cảnh đó, BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan hỗ trợ kịp thời các đơn vị, thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Đến hết ngày 30.6.2020, số đơn vị đã nộp hồ sơ được phê duyệt tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là 1.519 đơn vị, tương ứng với 130.794 lao động và ước số tiền khoảng 475 tỷ đồng.
Triển khai toàn quốc
Lễ hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân với chủ đề “Cả nước chung tay thực hiện BHXH, BHYT toàn dân” vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Trung ương, thực hiện tiếp sóng đến 63 điểm cầu tại trụ sở BHXH các tỉnh, thành phố vào cuối tuần qua thể hiện quyết tâm của ngành BHXH trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Tập trung truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt nhấn mạnh về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Lễ phát động chiến dịch tuyên truyền lưu động với 708 đoàn diễu hành tuyên truyền, kết hợp tư vấn trực tiếp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại các địa bàn dân cư, các chợ trung tâm, đầu mối trên phạm vi toàn quốc, bằng phương tiện ô tô, xe máy có gắn các thông điệp truyền thông BHXH (với quy mô 1 đoàn diễu hành lưu động/quận, huyện, thị xã…), đảm bảo an toàn giao thông.
Kết quả, trong 2 ngày ra quân trên toàn quốc (11 - 12.7), 63 tỉnh, thành phố đã trực tiếp vận động, phát triển được 30.269 người tham gia BHXH tự nguyện, 58.803 người tham gia BHYT hộ gia đình; trong đó, có 17 BHXH tỉnh, thành phố phát triển được trên 500 người tham gia với cả hai nhóm đối tượng.
Tại Quảng Nam, đã có 1.391 người tham gia vào chính sách BHXH, BHYT sau 2 ngày vận động. Ông Hồ Hữu Tuấn - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, chiến dịch này tiếp nối thành công trong việc vận động tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN đối với nhân dân, đã được tổ chức lần đầu tiên trong tháng 5.2020. Qua việc tuyên truyền lưu động đã tạo được dấu ấn trực quan trong việc nhận diện chính sách BHXH, BHYT là các chính sách an sinh xã hội. Với sự nỗ lực của tập thể BHXH tỉnh, Bưu điện và hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT các cấp, lễ ra quân được tổ chức hiệu quả. Đây là minh chứng rõ nét, cho thấy hiệu quả thực chất của hình thức truyền thông này.
Theo ông Tuấn, cùng với ngành BHXH toàn quốc, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ như tích cực tham gia đề xuất hoàn thiện chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tìm kiếm các giải pháp, đổi mới phương thức quản lý; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới nội dung, hình thức truyền thông… để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Nam Trà My có 271 người tham gia BHXH tự nguyện
BHXH huyện Nam Trà My vừa sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2020. Toàn huyện có 1.630 người tham gia BHXH bắt buộc, 30.712 người tham gia BHYT, 1.172 người tham gia BHTN và 271 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 60 người so với năm 2019). Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện nhiệm vụ của BHXH huyện gặp nhiều khó khăn, nhất là các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Các hoạt động nghiệp vụ khác như giải quyết chế độ BHXH một lần, ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe đạt 100% hồ sơ phát sinh, không có sai sót xảy ra; tổ chức chi trả kịp thời, gần 100% chi trả qua tài khoản cá nhân người thụ hưởng. Công tác chi trả, quản lý người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng chặt chẽ. Trong 6 tháng, BHXH huyện Nam Trà My tiếp nhận gần 4.653 lượt người đề nghị giải quyết các thủ tục về BHXH, BHYT và đã giải quyết 4.530 lượt (đạt 97,36%). (L.D)
Bảo lưu thời gian đóng BHTN cho một số trường hợp
Theo Nghị định số 61/2020/NĐ-CP, người lao động cần lưu ý quy định về bảo lưu thời gian đóng BHTN để làm căn cứ tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, từ ngày 15.7.2020, người lao động sẽ được hưởng bảo lưu khi bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp như có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tòa án tuyên bố mất tích; bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù.
Thời gian bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo khi đủ điều kiện. Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng BHTN trừ đi thời gian đóng đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng BHTN. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có việc làm hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an hoặc đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì phải thực hiện thông báo theo đúng quy định với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để được bảo lưu thời gian đóng BHTN tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp. (D.L)