Chuyển động mạnh của hàng Việt

VIỆT NGUYỄN 02/04/2021 08:11

Để tạo cú hích phát triển hàng Việt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025”. 

Nghề làm hương vận động mạnh, hàng hóa rộng mở trên thị trường. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nghề làm hương vận động mạnh, hàng hóa rộng mở trên thị trường. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Mở rộng sản xuất

Quảng Nam đang tập trung các nguồn lực để góp phần khơi thông thị trường nội địa nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng hóa trong nước. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị các cơ quan, nhất là thông tin, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giới thiệu, quảng bá hàng hóa xứ Quảng, lan tỏa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Từ chỗ sản xuất nhỏ, lạc hậu, nhiều ngành nghề trên địa bàn tỉnh đầu tư lớn, ngày càng nâng tầm quy mô hoạt động. Cơ sở sản xuất hương truyền thống Tấn Hiếu (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) chỉ với 3 lao động nhưng tạo ra 100kg hương mỗi ngày. Chất lượng hương cũng tăng lên khi các loại hương trầm, hương quế của cơ sở đã được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao.

Ông Nguyễn Tấn Hiếu - chủ cơ sở sản xuất hương truyền thống Tấn Hiếu cũng đã xác lập thương hiệu “Tấn Hiếu” để bảo hộ sản phẩm. “Tôi đã đầu tư đồng bộ các loại máy móc để sản xuất hương, từ máy xay nhuyễn bột, trộn bột cho đến gọt nhang, sấy hương. Ngoài thị trường trong tỉnh, TP.Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, tôi kỳ vọng mở rộng sản phẩm vào các thị trường mới” - ông Hiếu nói.

Các cơ sở sản xuất hương của huyện Thăng Bình tập trung ở làng nghề Quán Hương (thị trấn Hà Lam), phần lớn ứng dụng công nghệ mới, tăng quy mô, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Ông Phạm Phú Hòe - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, nhiều hoạt động hỗ trợ làng nghề Quán Hương được triển khai. Bao gồm đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ tiên tiến cho đến xây dựng nhãn hiệu tập thể, kết nối cung cầu qua các hội chợ, triển lãm, giúp sản phẩm hàng hóa đến với người tiêu dùng thuận tiện...

hành quả là làng nghề đã góp phần giúp địa phương ngày càng chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị thu được từ sản phẩm. Thực tế là các sản phẩm hương của làng nghề Quán Hương đã được UBND tỉnh nhiều lần vinh danh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, qua đó đại diện để tham dự nhiều chương trình xúc tiến thương mại trên phạm vi cả nước.

Cơ sở sản xuất bánh đậu xanh Mỹ Khánh của bà Trần Thị Ánh Tuyết (thôn Khánh Mỹ, xã Tam Thành, Phú Ninh) có thị trường ngày càng vững chắc; ngoài các chợ đầu mối, các cơ sở bán lẻ nhỏ, đã xâm nhập vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Nhờ chú trọng đầu tư bao bì, nhãn mác, khẳng định chất lượng, vị thế nên bánh đậu xanh Mỹ Khánh là sản phẩm OCOP nổi bật, cũng là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Thị trường ngày càng khắt khe nên vận động mạnh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được thị trường đón nhận.

Tăng độ bao phủ

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, trọng tâm là tổ chức các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” nhằm đạt mục tiêu giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ hơn 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...) và hơn 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa...); giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước. 

Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sẽ tổ chức các hội chợ, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân. Để thực hiện mục tiêu của đề án là hướng đến hơn 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến chương trình nhận diện hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, sẽ tiếp tục quảng bá, giới thiệu, khẳng định chất lượng, vị thế của hàng “made in Quảng Nam”. 

Có thể nhận diện một điểm yếu trong sản xuất, kinh doanh, thương mại hàng hóa xứ Quảng là thiếu liên doanh, liên kết giữa thương mại với sản xuất, gắn chặt cung với cầu, chưa có đa dạng kênh phân phối hiện đại ngoài siêu thị duy nhất là Co.opMart Tam Kỳ. Giải quyết vấn đề này sẽ là “chìa khóa” để hàng “made in Quảng Nam” cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập.

Bởi vậy, để triển khai tốt đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025”, ngoài tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, các cơ quan của tỉnh cần có phương án hữu hiệu phát triển hạ tầng thương mại, hỗ trợ thiết thực giúp các cơ sở sản xuất tham gia xúc tiến thương mại nội địa gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt. Cùng với đó, nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng và thu hút đầu tư phát triển phong phú hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển động mạnh của hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO