Trong dãy hành lang dài của bệnh viện, tết cũng đang đến gần khi các chị điều dưỡng sửa sang lại phòng làm việc, dán thêm ít nhành hoa mai lên cửa. Nơi này, có những cuộc hạnh ngộ, đợi chờ với bao cung bậc cảm xúc khác nhau.
Một người mẹ phát hiện u buồng trứng lớn và được bác sĩ tư vấn có thể mổ ngay hoặc trì hoãn qua tết. Vậy mà chẳng hiểu sao vừa đến cổng, bà đã vội vào thông báo sẽ thực hiện phẫu thuật. Và số tiền mổ được đi...vay nóng, không có sự bàn bạc với người nhà, con cái. Biết chuyện, ba đứa con bà vừa giận vừa thương.
Rồi tôi giật mình tự hỏi, bao lâu rồi các con chưa cùng mẹ ngồi lại để “nghe” nhau? Người mẹ này, có lẽ đang muốn bảo vệ những đứa con tránh khỏi lo lắng khởi đi từ sức khỏe của mình. Bà một mình gánh cơn lo, để cái tết đoàn viên trước mắt được vẹn toàn.
Và như thế, bỗng nhiên các con ùa về bên mẹ trong một tình huống “trớ trêu”. Phải chăng, khi có một biến cố, con người mới dừng lại, mới biết mình luôn có thể dành thời gian cho những điều thương mến - điều mà nếu đang trong những hoàn cảnh bình thường ta sẽ khó lòng nhận ra. Liệu rằng những bận rộn ngoài kia có chỗ cho những phút giây hướng về gia đình?
Tết... nơi bệnh viện còn là những câu chuyện trong dãy hành lang phòng khám. Là những người đang đón tết bằng một cơn đau. Kỳ lạ làm sao những người phụ nữ già yếu, chân đã mỏi lắm nhưng vẫn biết mình có một trách nhiệm đang chờ trong tết.
Trách nhiệm đó đôi khi chỉ là trông cái tay đỡ đau, cái gối đỡ mỏi để kịp về gói đòn bánh tét, làm hũ dưa kiệu hay gieo lại luống rau cải trước nhà. Với người Việt Nam, tết gần như trở thành một trách nhiệm, không chỉ với gia đình mà còn với chính mình.
Sự kết nối nguồn cội, sinh sôi nảy nở cũng từ đó mà ra. Khi đôi tay khỏe, đôi chân còn nhanh nhẹn, đôi mắt còn sáng, là còn có phương thức để trở về. Trở về từ những việc rất nhỏ trong nhà, trong cái ôm con cháu, trong cái bắt tay đồng nghiệp…
Gặp lại chính mình không chỉ là sự tương tác mà còn là sự lặng yên để nghe mình lên tiếng. Nghe người khác đã khó, nghe chính mình lại càng khó hơn.
Nếu nghe những cơn đau, những biến cố, những điều không may như một hồi chuông báo bên trong mình cần được chăm sóc thì phải chăng ta sẽ hiểu rằng mình đã rời xa thân thể quá lâu.
Vì lẽ đó, hành trình chữa đau cũng là hành trình chữa lành. Mình “làm hòa” với thân thể của mình, “làm hòa” với vết dấu đau nhức của thời gian, của biến cố để thấy người chữa lành duy nhất chỉ có thể là chính bản thân mình.
Tết... bên lề bệnh viện còn trong những câu chuyện nơi giường bệnh, trong những tiếng thở dài. Họ từ những người lạ thành quen, từ những mối lo riêng đến nỗi lo chung. Đoàn viên không chỉ là gặp lại cái cũ mà còn là thấy mình trong những cái mới.
Thấy mình cũng như mùa xuân, phải đi qua hết thảy mùa hạ, mùa thu, mùa đông. Thấy mình phải tan vỡ như những giọt mưa, chói chang cùng nắng gắt rồi xơ xác như lá vàng. Chỉ khi đi qua tất cả điều ấy thì mùa xuân mới có nghĩa.
Phải rồi, mùa xuân mùa của đoàn viên, của hội tụ bắt đầu vào ngay vào lúc này, ở đây. Như cái cây đã bỏ đi hết những thứ không cần thiết, co cụm lấy chính mình, bong tróc chính mình để hồi sinh. Mầm xuân đã ở đó tự bao giờ, vươn mình lên trên những khổ đau...