Giảm nghèo - An sinh

Đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang mở hướng thoát nghèo

ĐĂNG NGỌC - LÊ TIẾN 28/06/2024 13:15

Từ các mô hình sinh kế dựa vào nông - lâm nghiệp và sự hỗ trợ kịp thời của chính sách ưu tiên, nhiều hộ đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang đã từng bước thoát nghèo, trở thành tấm gương điển hình của địa phương miền núi.

4d336a63e3dc408219cd.jpg
Nhiều mô hình kinh tế của người dân ở A Tiêng cho thu nhập ổn định. Ảnh: Đ.N

Nỗ lực làm giàu

Sau nhiều năm chuyển hướng phát triển theo mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, hộ Zơrâm Chôi (ở thôn Tà Vàng, xã A Tiêng) đã thực sự thoát nghèo, với thu nhập bình quân mỗi năm lên đến 100 triệu đồng.

Thành công của hộ ông Chôi được xem là “quả ngọt”, tạo động lực thúc đẩy người dân trong vùng cùng mở hướng phát triển kinh tế. Bởi, hộ ông Chôi từng thuộc diện nghèo, nhưng không cam chịu nên đã mạnh dạn thay đổi tư duy, chọn phương thức canh tác mới phù hợp.

Từ mô hình sản xuất truyền thống làm nương rẫy, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, vợ chồng ông Chôi đã chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế theo hướng vườn - ao - chuồng, kết hợp xử lý sử dụng nguồn phân bón hữu cơ tại chỗ, vừa đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

“Trước khi chuyển đổi mô hình sinh kế, tôi nhiều lần tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả ở trong và ngoài huyện.

Đồng thời vay mượn nguồn vốn để cải tạo vườn tạp, hình thành mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng khép kín hơn 2,5ha để chăn nuôi bò, gà vịt, đào ao thả cá diêu hồng và trồng cây lâu năm.

Sau vài năm chuyển hướng làm ăn mới này, gia đình tôi có những thành công bước đầu, mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng sản xuất” - ông Zơrâm Chôi chia sẻ.

Quá trình chăn nuôi thuận lợi, ông Chôi được chính quyền địa phương “tiếp lửa” bằng các nguồn vốn giảm nghèo, tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng sản xuất nông - lâm nghiệp theo chuỗi giá trị cao.

Vài năm trở lại đây, ông Chôi đầu tư thêm chuồng trại để nuôi dê, heo cỏ địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả mô hình sinh kế trong cộng đồng.

20220414_074054.jpg
Nông sản của người dân tham gia bày bán tại "Chợ 5 nghìn" ngay trung tâm xã A Tiêng. Ảnh: Đ.N

Lan tỏa tinh thần thoát nghèo

Ở xã A Tiêng, Zơrâm Chôi là một trong số hộ gia đình đồng bào Cơ Tu biết cách làm giàu từ lợi thế và tiềm năng sẵn có của vùng. Như hộ của Alăng Thiếu (thôn R’bhượp), hơn 10 năm trước mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ giảm nghèo của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để chăn nuôi gia súc kết hợp trồng rừng và cây cam bản địa, đến nay đã cho thu nhập khá ổn định.

Để mở rộng đầu tư mô hình sinh kế, người đàn ông Cơ Tu này còn mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của địa phương để mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò.

Đến nay, sau nhiều lần chuyển đổi, ông Thiếu có trong tay đàn trâu 9 con, 20 con bò, cùng vườn cam rộng gần 1ha. Từ hộ từng thiếu ăn, nay vợ chồng ông Thiếu có của ăn của để, góp sức hỗ trợ người dân địa phương trong vùng mở hướng thoát nghèo.

“Thời gian tới, sau khi ổn định hơn về thu nhập, gia đình tôi dự định tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi gia súc kết hợp trồng rừng, đặc biệt là cải tạo vườn đồi của gia đình để trồng cam Vinh và các loại cây trồng phù hợp khác.

Mô hình này sẽ được triển khai theo hướng khép kín, trên cơ sở kết nối với thương lái thu mua tại chỗ giúp nâng cao giá thành và ổn định thu nhập” - ông Alăng Thiếu cho biết thêm.

Ông Pơloong Acông - Chủ tịch UBND xã A Tiêng nói, những năm gần đây, từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, rất nhiều hộ thanh niên địa phương mạnh dạn chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

Ngoài Zơrâm Chôi và Alăng Thiếu, hộ Răđăl Nhị (ở thôn Tr’lêê) cũng trở thành điển hình trong phát triển kinh tế với vườn cam rộng hơn 5.000m2, thu nhập bình quân mỗi năm hơn 70 triệu đồng.

“Không chỉ đem lại hiệu quả thu nhập cho gia đình, mô hình kinh tế của các các hộ dân như Zơrâm Chôi, Alăng Thiếu… góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Bằng kinh nghiệm thực tiễn, thời gian qua, các hộ dân này tích cực hỗ trợ người dân kiến thức làm ăn mới, cùng giúp nhau thoát nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống” - ông Pơloong Acông nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang mở hướng thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO