Duy trì nguồn giống thủy sản từ đất liền ra hải đảo

QUỐC HẢI 14/12/2023 13:30

Tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, vòng đời của các loài thủy sản đang được duy trì từ đất liền ra hải đảo thông qua “Khu duy trì nguồn giống thủy sản tại các sinh cảnh rạn san hô và rừng ngập mặn”.

Rừng dừa nước và thảm cỏ biển tại thôn Thanh Tam, Cẩm Thanh, nơi thiết lập Khu duy trì nguồn giống thủy sản. Ảnh: QH
Rừng dừa nước và thảm cỏ biển tại thôn Thanh Tam, Cẩm Thanh, nơi thiết lập Khu duy trì nguồn giống thủy sản. Ảnh: QH

Vòng đời diệu kỳ

Theo Ths. Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An, những ngày cuối năm 2023, chèo ghe quanh vùng dừa nước Cẩm Thanh mới hay ở đây đang có những “vòng đời” thực sự diệu kỳ.

Cẩm Thanh là vùng đệm trong khu sinh quyển, nơi ngập nước cửa sông ven biển với rừng ngập mặn và cỏ biển. Ngồi trên ghe nhìn xuống nước khoảng nửa mét đã có thể thấy thảm cỏ biển mênh mông, ngư dân hay gọi là vùng hẹ. Quanh năm sống chìm trong nước, cỏ biển là nơi sinh sống của nhiều loài, nhất là các loại tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm.

Theo ông Thảo, trong vùng rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh) hiện có khoảng 92 loài thủy sản. Nhiều con giống của cá mú mè, cá mú điểm gai, cá dìa bông, cá dò, cá hồng bạc, cá nâu... có con mẹ ở vùng biển Cù Lao Chàm.

Cá bố mẹ sinh sống, trưởng thành, thành thục sinh dục và đẻ trứng tại các rạn san hô, nơi có độ sâu và các thông số môi trường phù hợp. Ấu trùng theo dòng thủy triều trôi dạt vào vùng cửa sông Cẩm Thanh và tìm đến các thảm cỏ biển tại đây để kiếm ăn và phát triển. Các nguồn giống xuất hiện vào các thời điểm khác nhau, cụ thể vào tháng 4 chủ yếu là cá mú, tháng 6 - 7 là cá dìa, cá hồng…

“Sau khi lưu ở vùng cửa sông một thời gian, chúng phát triển thành kích thước “con giống” và bắt đầu di cư trở về sinh sống tại vùng biển Cù Lao Chàm, nơi có các rạn san hô cho đến khi thành thục sinh dục, chúng lại đẻ trứng và cứ thế khép kín vòng đời. Và vòng đời này có cơ sở khoa học với nhiều nghiên cứu đã được triển khai” - ông Thảo cho biết.

Giải pháp tiếp cận hệ sinh thái

Năm 2019, qua đề tài nghiên cứu cấp tỉnh “Nghiên cứu nguồn giống cá vùng cửa sông Thu Bồn và lân cận ở vùng biển ven bờ Quảng Nam”, tác giả Nguyễn Thị Tường Vi đã minh chứng được mối liên kết quần thể của loài cá mú mè thông qua việc giải mã DNA của loài này theo các nhóm kích thước và theo từng khu vực phân bố từ cửa sông Thu Bồn cho đến quần đảo Cù Lao Chàm.

Từ kết quả này, trong khuôn khổ Đề tài khoa học và công nghệ cấp nhà nước “Nghiên cứu cơ chế phát tán nguồn giống và tính liên kết quần thể nguồn lợi, nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Kiên Giang”, do Viện Hải dương học phối hợp với khu sinh quyển thực hiện từ năm 2019 đến 2021, ngày 21/01/2020, UBND TP.Hội An đã ban hành “Quy định tạm thời quản lý khu duy trì nguồn giống thủy sản tại khu vực Rạn Mành (xã Tân Hiệp) và khu vực rừng dừa nước (xã Cẩm Thanh)”.

Đến nay, mô hình đã thiết lập và vận hành khu duy trì nguồn giống thủy sản tại hai vùng sinh cảnh quan trọng. Khu vực Rạn Mành - Hòn Tai thuộc Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp nhằm bảo vệ nguồn giống cá bố mẹ với diện tích hơn 270ha.

Khu vực rừng dừa nước, thảm cỏ biển vùng cửa sông Thu Bồn tại xã Cẩm Thanh nhằm duy trì bãi ươm giống tự nhiên và bảo vệ nguồn cá giống hơn 52ha. Khu vực này được chia thành 2 phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và bảo tồn sinh cảnh.

“Để đảm bảo nguồn lợi thủy sản phát triển một cách bền vững, việc xác định vòng đời, các sinh cảnh theo từng giai đoạn phát triển của một loài là quan trọng và cần thiết, quyết định đến hiệu quả bảo tồn” - TS.Nguyễn Văn Long (Viện Hải dương học Nha Trang) cho hay.

Quy định chặt chẽ

Tại xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), Tổ quản lý cộng đồng tiểu khu Bãi Hương và tại Cẩm Thanh có Tổ quản lý cộng đồng kết hợp với Tổ quản lý du lịch xã tổ chức tuần tra khu vực 2 ngày/lần nhằm ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác. Thời gian quản lý bảo vệ nguồn giống từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm, sau đó mở lại cho ngư dân khai thác khi con giống đủ lớn.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Hiện nay, cùng với quy định tạm thời đã ban hành, UBND thành phố đề nghị không khai thác thủy sản với bất cứ hình thức nào trong phạm vi Khu duy trì nguồn giống thủy sản kể từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/9 hằng năm”.

Cộng đồng thôn Bãi Hương (xã Tân Hiệp), Tổ tự quản cộng đồng thôn Thanh Tam (xã Cẩm Thanh) là chủ thể tự quản lý, có trách nhiệm tham gia với các cơ quan chức năng thực hiện việc tuần tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản và các hoạt động kinh tế - xã hội khác trong Khu duy trì giống thủy sản…

“Đều này khẳng định được mối liên kết sinh thái, liên kết quần thể và vai trò quan trọng của các sinh cảnh rạn san hô tại Cù Lao Chàm và rừng dừa nước, thảm cỏ biển vùng cửa sông Thu Bồn trong vòng đời của nhiều loài thủy sản.

Qua đó, vai trò của cộng đồng được nâng cao, gắn kết việc phát triển sinh kế với công tác bảo tồn, phát triển bền vững các giá trị tài nguyên thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học tại khu sinh quyển” - ThS. Lê Ngọc Thảo nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Duy trì nguồn giống thủy sản từ đất liền ra hải đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO