Gần 3 giờ chiều mà nhà ông Hồ Văn Dút (nóc Ông Dút, thôn 3B xã Trà Đốc, Bắc Trà My) vẫn tối om. Tôi đếm được 9 người lớn có nhỏ có đang tụm lại ngoài sân nói chuyện. Trước khi đi lên đây, bạn tôi cảnh báo: “Anh phải uống rượu với bà con đó, mùa ni mưa, họ ở nhà uống miết”. Chuyện vùng cao uống rượu nào có lạ chi, khi giai điệu “tứ thời giai ẩm tửu” được hát miết bao đời.
Họ không uống rượu. Nhà chị Hồ Thị Liên cạnh nhà ông Dút đang xây. Hộ nghèo, Nhà nước hỗ trợ 95 triệu đồng, còn lại phần của gia đình. Phần thô bên ngoài đã sắp xong. “Có lắp đặt hệ thống điện không?” - tôi hỏi.
Chị đáp cái rẹt: “Điện mô mà lắp”. Ngồi gần bên, anh Hồ Văn Trường nói: “Họ khởi công làm đường dây điện, bà con mừng lắm, nhưng chừ hết mừng”. “Tôi nghe nói nóc phía dưới nhiều người không chịu hiến đất, thi công không được”. “Ừ, trụ dựng đầy đường mà dây không có”.
Đường từ cầu Suối Trỉ vào đây chừng 7km, những trụ điện đứng chơ vơ, không có dây điện như người cạo trọc (toàn tuyến chưa đấu nối là 12km). Thấy dây điện kéo vô góc nhà ông Dút, tôi ngạc nhiên, thì anh Trường nói điện tuốc bin đó, 3 năm trước, nhưng hư lâu rồi.
Mà nào ở hóc núi vực sâu gì đâu, gần 15km tính từ cầu qua sông Tranh chỗ thủy điện Sông Tranh 2, là tới đây, họ ở ven đường Trường Sơn Đông, cũng là điểm cuối cùng của xã Trà Đốc, vì chừng 2km nữa là giáp Hiệp Đức. “Vậy là sống thầm?”.
“Ừ, ở thầm, sóng điện thoại không có, nước sạch cũng không. Khổ lắm, không có điện, ti vi mua về mấy cái để đó, tưởng có điện mới mua chứ, đắp mền cho nó, mưa lạnh ẩm hư hết rồi, tủ lạnh cũng hư. Tội nhất là con nít học bài bằng đèn dầu, mưa gió mà hết dầu không biết mua đâu” - anh Hồ Văn Hà, người cùng nóc, nói.
Giọng chị Liên gay gắt: “Mình là phụ nữ, đi làm tối về phải nấu cơm, giặt đồ, tắm rửa cho con, mà điện không có, khổ lắm. Làm chi cũng phải đeo cái đèn pin như đi bắt ếch suối ban đêm. Hết pin thì mình xuống quán quen ở chỗ cầu treo gần xã mua đồ, ăn mỳ Quảng, nhờ sạc thôi.
Chủ quán thấy tội nên cho sạc, dùng tiết kiệm cũng được 3 đêm. Nhìn quanh chỗ mô cũng có điện, mình tối thui có biết chi tin tức. Họ có điện, cũng 39 tuổi như mình mà da họ trắng mà mình đen thui”.
Tôi cứ ngỡ nghe xong câu cuối đám đông sẽ cười, nhưng không, họ lặng phắt.
“Sao biết là sẽ có mưa lớn mấy ngày?”. “Em đi xuống nóc khác chơi, nghe họ nói. Muốn sử dụng điện thoại, là phải lội đi 2km, lên chỗ hai ngọn núi kia” - anh Hồ Văn Hà đưa tay chỉ về hướng ngã ba đi Sông Trà và Phước Trà của Hiệp Đức - “Ngã ba sung sướng đó, nhưng cũng chập chờn”. Bây giờ mới có vài tiếng cười khi anh Hà nói ngã ba chết danh kia.
Trụ điện cách nhà mấy chục mét, mà dằng dặc tối tăm. “Bà con mình hiến đất tự nguyện để làm trụ, không cần bồi thường chi hết, chỉ cần có điện” - anh Trường nói giọng buồn xo. Ông Hồ Văn Dút, 72 tuổi, vừa đi rẫy về, hai bao lúa lặc lè sau lưng. “Già có mong sống để thấy điện không?”. “Không biết”. Không biết vì mệt hay cau đó, ông Dút đáp, quăng cái bịch hai bao lúa lên cầu thang rồi mất hút sau nhà.
Có ý kiến rằng, muốn điện tới đây, thì phải có đường dây trung thế ở nóc phía dưới, nhưng bà con vì nhiều lý do không chịu hiến đất để dựng trụ, phát hành lang tuyến, nên dự án đành kéo dài.
Nhưng không, ông Hồ Cao Quý - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc nói: “Bà con đã chịu hiến đất rồi, vận động thành công rồi, không vướng chi bà con nữa, cả cái thôn 3 với gần 100 hộ đều không có điện, riêng chi nóc Ông Dút. Khổ lắm, khổ mấy chục năm rồi!”.
Bao giờ những người như chị Liên anh Trường và đám con nít đi học ở chốn này thoát cảnh không điện, xóa mù về thời sự, để biết thế giới ngoài kia qua ti vi, điện thoại lắm điều chưa từng biết? Hệ thống điện này nằm trong tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Nam sử dụng nguồn ngân sách trung ương (2019 - 2020), khởi công tháng 7/2022, dự kiến sau 210 ngày là xong. Những câu hỏi từ nóc chênh vênh cạnh lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 này, chỉ có Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh là đơn vị chủ đầu từ của dự án mới trả lời được.