(QNO) - Hôm qua 17.3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh có cuộc giám sát tại UBND phường Cẩm Phô và UBND TP.Hội An về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình chủ trì cuộc giám sát.
Đoàn ĐBQH tỉnh có cuộc giám sát tại UBND phường Cẩm Phô sáng qua 17.3. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN |
Làm việc với đoàn giám sát, lãnh đạo UBND phường Cẩm Phô cho biết, trong nhiệm kỳ qua, UBND phường đã bố trí kiện toàn đầy đủ 21 chức danh theo quy định. Đến tháng 7.2015, cán bộ, công chức của địa phương đều đạt 3 chuẩn; những người hoạt động không chuyên trách cơ bản đảm bảo đạt chuẩn. Những trường hợp chưa đạt chuẩn, lãnh đạo địa phương đều cho đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Điểm nổi bật là đội ngũ cán bộ, công nhân viên hầu hết là cán bộ trẻ, có trình độ năng lực chuyên môn được đào tạo theo hệ chính quy, bài bản, góp phần giải quyết công tác quản lý hành chính của địa phương đạt hiệu quả cao.
Từ thực tiễn của địa phương, lãnh đạo UBND phường Cẩm Phô cũng kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh nhiều vấn đề đang đặt ra và cần có hướng giải quyết để việc lãnh đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương được thuận lợi, hiệu quả. Trong đó, do điều kiện hoạt động, quản lý của một phường trọng điểm nội thị, nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân rất lớn, dân số đông, đặc thù về tôn giáo; vì vậy, UBND phường Cẩm Phô đề nghị được tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND mới đáp ứng được nhu cầu giải quyết, quản lý, điều hành các hoạt động liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Theo UBND TP.Hội An, trong 2 năm qua, địa phương đã đề nghị và được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế (giai đoạn 2015 - 2021) đối với 22 trường hợp (5 công chức, 16 viên chức và 1 công chức cấp xã), thấp hơn mục tiêu đề ra là 43 người. Lý do là nhiều hồ sơ đề nghị được giải quyết nghỉ hưu theo Nghị định 108 không được cấp có thẩm quyền xét duyệt, và cho rằng không đủ điều kiện.
Cũng theo UBND TP.Hội An, trong thời gian qua, việc giải quyết hồ sơ và trả lời kết quả cho tổ chức, công dân tại bộ phận “một cửa” địa phương có tỷ lệ đúng hẹn đạt trên 98%. Việc tuyển dụng biên chế được thực hiện nghiêm theo nguyên tắc “nghỉ 2 thì được tuyển 1”. Cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh, lãnh đạo TP.Hội An đề nghị các ĐBQH tỉnh kiến nghị Trung ương cần có xem xét, sửa đổi quy định cho phù hợp nhằm giải quyết, khuyến khích các trường hợp có nguyện vọng được nghỉ hưu theo Nghị định 108.
Trên cơ sở các kết quả, kiến nghị được đưa ra tại cuộc làm việc, các thành viên của đoàn giám sát đã có trao đổi với lãnh đạo UBND phường Cẩm Phô và UBND TP.Hội An để làm rõ một số nội dung như việc tuyển dụng các hợp đồng lao động hiện nay; thực trạng đội ngũ người hoạt động không chuyên trách; kết quả thực hiện Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy; đánh giá hoạt động của cán bộ thuộc đề án 500 của tỉnh; lộ trình tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị...
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình cho biết, việc giám sát lần này nhằm ghi nhận, đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thời gian qua; ghi nhận các vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các địa phương. Đây là cơ sở để xem xét, cho ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ cho phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
NGUYÊN ĐOAN