Cải cách hành chính: Đánh giá đúng người, đúng việc

HÀN GIANG 27/03/2018 09:56

Tổ chức lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân; đồng thời tập trung đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo quy trình “4 bước” là một trong các nhiệm vụ trọng tâm về công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh trong năm 2018.

Nhiều địa phương trong tỉnh thành lập trung tâm hành chính công để đáp ứng nhu cầu giải quyết TTHC của nhân dân. Trong ảnh: Trung tâm Hành chính công Tam Kỳ đi vào hoạt động đầu năm 2018.Ảnh: HÀN GIANG
Nhiều địa phương trong tỉnh thành lập trung tâm hành chính công để đáp ứng nhu cầu giải quyết TTHC của nhân dân. Trong ảnh: Trung tâm Hành chính công Tam Kỳ đi vào hoạt động đầu năm 2018.Ảnh: HÀN GIANG

Giải quyết theo quy trình “4 bước”

Theo đánh giá, CCHC đã thực sự trở thành khâu đột phá trong công tác quản lý, điều hành của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, được tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân đánh giá cao. Đặc biệt, đến nay đã đưa 1.234 TTHC của các sở, ban, ngành vào thực hiện tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh gắn với rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch có liên quan. Ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho hay, trên cơ sở 1.234 TTHC đưa vào giải quyết tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh, có 13/18 sở, ban, ngành đã thực hiện rà soát, đăng ký danh mục TTHC đề nghị ủy quyền giải quyết theo quy trình 4 bước tại trung tâm, bao gồm 367/1.234 TTHC (đạt 29,74%). Để giải quyết TTHC theo quy trình 4 bước, Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh đã bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, phòng làm việc đảm bảo các điều kiện để các sở, ban, ngành phân công, ủy quyền cho cấp phó, hay trưởng - phó phòng đến làm việc, phê duyệt TTHC. “Kế hoạch của UBND tỉnh đã giao cho các sở, ban, ngành tiếp tục rà soát, đăng ký thực hiện, phấn đấu đến cuối tháng 6.2018 có tối thiểu 50% và đến cuối tháng 12.2018 có ít nhất 70% tổng số TTHC thuộc thẩm quyền được tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại trung tâm. Đồng thời sắp xếp, khẩn trương bố trí, ủy quyền cho cấp phó và trưởng - phó phòng đến làm việc tại trung tâm để giải quyết TTHC theo quy trình 4 bước” - ông Quang nói.

Việc đẩy mạnh thực hiện giải quyết các TTHC tại trung tâm theo quy trình 4 bước được xem là giải pháp quan trọng nâng tỷ lệ hồ sơ được giải quyết ở mức độ 3 và 4. Thực tế thời gian qua cho thấy, năm 2017, trong tổng số gần 30% TTHC được công bố giải quyết theo mức độ 3 và 4 tại trung tâm thì tỷ lệ sử dụng hai mức dịch vụ công trực tuyến này của người dân trung bình chỉ đạt 7,77%. Tỷ lệ này rất thấp, dưới thang điểm 10, vì vậy Bộ Nội vụ không chấm điểm về tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của Quảng Nam. Để cải thiện tình hình này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng cần có quy định cụ thể từng năm về tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cho từng sở, ngành dựa trên số TTHC mà mỗi đơn vị đã công bố giải quyết theo các mức độ này. Ngoài ra, cùng với Sở Thông tin và truyền thông, Sở Nội vụ thì từng sở, ngành còn lại cũng phải chịu trách nhiệm về việc công bố, hướng dẫn, phổ biến rộng rãi cho tổ chức, công dân biết sử dụng dịch vụ mức độ 3 và 4; khắc phục tình trạng lâu nay công bố xong rồi còn ai sử dụng các dịch vụ này hay không thì tùy.

Đánh giá theo quy trình xử lý công việc

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh, tại phiên họp thứ 8 mới đây, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh yêu cầu các sở, ngành tiếp tục rà soát, đăng ký danh mục TTHC đề nghị phân cấp, ủy quyền giải quyết để thẩm định, phê duyệt đảm bảo đúng với quy định pháp luật và phù hợp với thực tiễn, lộ trình kế hoạch đã đề ra. Cùng với đó, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và truyền thông và Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh khảo sát, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ của trung tâm. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, để giải quyết được một TTHC đều thông qua các quy trình, từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi trả lời kết quả. Quy trình giải quyết đó được giám đốc sở, ngành công bố và giao việc rất cụ thể cho từng cán bộ, công chức. Nếu kết quả trả lời bị chậm trễ so với thời gian quy định thì phải xem lại người cán bộ nào để xảy ra chậm trễ trong suốt quy trình xử lý đó. Việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp theo quy trình xử lý sẽ chính xác hơn khi chấm kết quả giải quyết cuối cùng, đánh giá đúng người, đúng việc.

Cũng tại phiên họp này, một vấn đề được Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh yêu cầu các sở, ngành phải chấn chỉnh ngay tình trạng một số cán bộ được cử sang làm việc tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh có thái độ phục vụ không đáp ứng được yêu cầu; có tư tưởng muốn quay về, nhưng cơ quan lại không muốn nhận trở về. Thẳng thắn chỉ ra đó là trường hợp cán bộ thuộc ở những cơ quan nào, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, đây chỉ là những trường hợp cá biệt nhưng nếu không xử lý, kịp thời chấn chỉnh thì sẽ tạo tâm lý, gây ảnh hưởng đến các cán bộ khác đang được phân công làm việc tại trung tâm. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh cũng khẳng định, năm vừa qua không tổ chức khảo sát, lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp do trung tâm đang trong quá trình hoạt động thử nghiệm. Năm nay phải tập trung thực hiện, nhằm có đánh giá cụ thể, đưa ra được các giải pháp thực hiện tốt hơn việc giải quyết TTHC tại trung tâm, chấn chỉnh và xây dựng tác phong phục vụ nhân dân của người cán bộ, công chức đang làm việc tại đây.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải cách hành chính: Đánh giá đúng người, đúng việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO