Không thiếu nghị quyết, quyết định, kế hoạch, đề án, nhưng cải cách hành chính vẫn còn quá nhiều điểm nghẽn. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho rằng “chúng ta đã tự thua chính mình” trong cuộc cải cách này.
Không thể kiểm soát
Theo thống kê, trong 5 tháng qua, số lượng hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn qua Trung tâm Phục vụ hành chính công, UBND cấp huyện, xã đã gia tăng.
Tuy nhiên, số hồ sơ trễ hẹn vẫn nhiều. Nếu cấp tỉnh chỉ khoảng 0,89% (208 hồ sơ), cấp xã 10,2% (2.858) thì cấp huyện lên đến 33,08% (7.432). Số hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến mức độ 3 & 4 của cấp tỉnh, huyện, xã quá ít so với số lượng hồ sơ được tiếp nhận. Hiện cấp tỉnh chỉ 8.077, cấp huyện 917 và 212 hồ sơ ở cấp xã.
Kết quả tổng hợp, rà soát của Sở Nội vụ cho thấy tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai, nhiều nhất tại các địa phương Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên.
Về nguyên nhân sự chậm trễ này, ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho hay, áp lực giải quyết công việc quá nhiều; thủ tục hành chính về đất đai phức tạp; phải thực hiện nhiều bước, xác minh, kiểm tra thực tế nhưng vướng mắc về sự phối hợp, sai lệch giữa hồ sơ pháp lý và thực tế sử dụng; tài liệu lưu trữ không đầy đủ.
Bên cạnh đó, đa số hồ sơ địa chính (đặc biệt là bản đồ địa chính) đã bị biến động lớn; việc luân chuyển hồ sơ, giải quyết thủ tục giữa các cấp kéo dài nhiều ngày và thiếu nhân lực thực hiện thủ tục hành chính đất đai tại các văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện.
Chưa công khai đầy đủ, hoặc có nhưng lạc hậu, không tương thích, thống nhất, đồng bộ với cổng dịch vụ công của tỉnh, hạn chế tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa,… là những điểm yếu nhất của công cuộc cải cách hành chính.
Theo Sở Nội vụ, hầu hết hồ sơ không có sự đồng bộ giữa quá trình xử lý trên thực tế với tiến trình cập nhật thông tin xử lý hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử. Nhiều hồ sơ thực tế đang xử lý nhưng thông tin trên phần mềm thì đã giải quyết xong và ngược lại… Cán bộ, công chức quá phụ thuộc vào hồ sơ giấy. Không loại trừ có trường hợp thực hiện mang tính đối phó, can thiệp dữ liệu nhằm giảm số hồ sơ trễ hẹn trên phần mềm.
Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ nói, một số địa phương không nhập đầy đủ, hoặc không nhập quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính hoặc không tham gia tác nghiệp trên phần mềm một cửa,… dẫn đến thống kê thiếu chính xác. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương không thể kiểm soát được tình trạng giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính trễ hạn.
Kiến giải
Những điểm nghẽn của cải cách hành chính được nêu không phải là chuyện mới mẻ gì. Vấn đề là làm thế nào để gỡ bỏ? Theo bà Trần Thị Kim Hoa, một trong những cách tạo động lực cải cách là cần đưa kết quả cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương làm tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm. Kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch, không đề bạt, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại, khen thưởng, nếu trong kỳ đánh giá, cơ quan đơn vị, địa phương hoặc bộ phận công tác của cán bộ, công chức, viên chức đó bị đánh giá yếu kém về cải cách hành chính.
Những thiếu sót, hạn chế đã được nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục tái diễn, cần kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu. UBND tỉnh sẽ có những hình thức xử lý cụ thể với những trường hợp bất hợp tác (không báo cáo hoặc báo cáo kết quả khắc phục không đạt yêu cầu). Tiến hành ngay việc đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công của tỉnh (chậm nhất trong tháng 6.2021 sẽ phải hoàn thành).
Ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường nói, sẽ đẩy nhanh thực hiện dự án tăng cường quản lý đất đai, số hóa bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hoàn thiện đầy đủ thông tin từng thửa đất gắn với chủ sử dụng đất.
Giải quyết tình trạng tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến mức độ 3 & 4 còn quá thấp, theo ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông, chỉ cần bố trí thêm biên chế cán bộ công nghệ thông tin, ưu tiên kinh phí số hóa, tạo dữ liệu, tích hợp dữ liệu lên Trung tâm IOC, nhất là cơ sở dữ liệu trọng yếu như đất đai, doanh nghiệp, y tế, giáo dục, nông nghiệp…; các địa phương cấp huyện ưu tiên bố trí, quản lý ngân sách hàng năm sử dụng kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói, cải cách hành chính chưa thành công chính là chúng ta tự thua, không thắng nổi chính mình mà cái gốc vẫn chính là năng lực thừa hành của mỗi cán bộ, công chức, viên chức không theo kịp đà chuyển đổi. Sẽ tiến đến lắp đặt camera ở các văn phòng đăng ký đất đai để kiểm soát việc giải quyết thủ tục hành chính.
Các trung tâm phục vụ hành chính công/bộ phận tiếp nhận, trả kết quả các cấp phải công khai đầy đủ, đúng quy định toàn bộ thủ tục hành chính. Cập nhật đầy đủ thông tin hồ sơ đầu vào, giấy tờ phát sinh trong quá trình giải quyết và kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa. Khẩn trương rà soát cập nhật hồ sơ trên hệ thống còn tồn đọng quá hạn chưa xử lý.
Hồ sơ trễ hạn phải thông báo xin lỗi và hẹn lại rõ ràng, thời gian trả kết quả lần sau đúng quy định. Không để người dân đi lại nhiều lần. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3 & 4. Sắp xếp, bố trí số lượng người thừa hành cải cách hành chính...
Sẽ đánh giá năng lực cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả cải cách hành chính. Tiếp tục đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Sẽ ban hành nghị quyết, kế hoạch thực chất, cụ thể và mạnh mẽ hơn cho công cuộc cải cách hành chính.