Đưa chỉ số chuyển đổi số đứng vào top 10 và chỉ số cải cách hành chính của Quảng Nam thuộc nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước là mục tiêu được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh nhấn mạnh tại phiên họp thứ nhất được tổ chức chiều 21.2.
Xác định 3 đột phá
Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số (CĐS) tỉnh được góp ý, thông qua tại phiên họp thứ nhất xác định rõ tiến độ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể cần triển khai trong năm 2022; các nội dung công việc gắn với trách nhiệm, bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các sở, ngành, địa phương, tổ chức liên quan trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy (khóa XXII) và Nghị quyết số 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XXII) về CCHC và CĐS.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 tại kế hoạch công tác của ban chỉ đạo hướng đến ba mục tiêu tạo sự đột phá về cải cách thủ tục hành chính (TTHC); siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức và CĐS.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Phó Trưởng ban Chỉ đạo CCHC và CĐS tỉnh khẳng định, trên cơ sở kế hoạch công tác của ban chỉ đạo, UBND tỉnh sẽ tập trung xây dựng đề án cụ thể hóa với chỉ tiêu và lộ trình thực hiện. Đồng thời giao nhiệm vụ đến từng sở ngành, địa phương, cơ quan khối đảng, khối dân nhằm đạt được mục tiêu đề ra đối với công tác CCHC và CĐS của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CCHC và CĐS tỉnh cho biết, hiện nay Quảng Nam đã thực hiện cắt giảm được 30% thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của sở ngành, địa phương so với quy định của Trung ương.
Trong năm 2022, tỉnh phấu đấu tiếp tục giảm thêm 10%, nâng tỷ lệ giảm thời gian giải quyết TTHC lên 40% thuộc thẩm quyền các sở ngành, địa phương và có lộ trình cắt giảm thêm phù hợp ở những năm tới.
Nhấn mạnh nhân tố con người quyết định đến việc thực hiện thành công mục tiêu đặt ra trong CCHC và CĐS của tỉnh, theo bà Trần Thị Kim Hoa, với nhiệm vụ được giao, Sở Nội vụ sẽ nhanh chóng triển khai phần việc liên quan.
Cụ thể, xây dựng các đề án tổ chức thí điểm và triển khai thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương; thi tuyển chức danh lãnh đạo tại một số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.
Thực hiện đánh giá, xếp loại hằng quý, 6 tháng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị qua phần mềm đánh giá, xếp loại...
Cùng với đó, Sở Nội vụ tập trung tham mưu Ban Chỉ đạo CCHC và CĐS tỉnh ban hành quy định cụ thể việc xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi gây phiền hà, sách nhiễu tổ chức, người dân và doanh nghiệp.
Nghiên cứu, xây dựng, ban hành mẫu “Bản cam kết” của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ CCHC và CĐS để triển khai thực hiện trong toàn tỉnh...
Khẳng định quyết tâm
Việc thành lập Ban Chỉ đạo CCHC và CĐS tỉnh trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo CCHC và Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh với kế hoạch công tác gắn trách nhiệm cụ thể của từng thành viên, nhiệm vụ của từng cơ quan liên quan nhằm tạo sự đồng bộ, chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành; tiếp tục khẳng định quyết tâm tạo đột phá mạnh mẽ của Quảng Nam về CCHC và CĐS.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo CCHC và CĐS tỉnh cho rằng, sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo sẽ quyết liệt hơn nhằm tạo ra những chuyển động mạnh mẽ, hiệu quả như hoạt động của Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm của tỉnh.
Làm việc theo kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo nhằm tác động đến từng sở ngành, địa phương trong CCHC và CĐS.
Phân tích và rút kinh nghiệm từ kết quả đạt được trong nhiệm vụ CCHC của tỉnh thời gian vừa qua, theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, tinh thần vào cuộc và việc thực hiện các Nghị quyết 16 và Nghị quyết 04 phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Ban chỉ đạo có quyết tâm thế nào đi nữa nhưng ở dưới không chuyển động, việc giải quyết TTHC vẫn còn gây khó khăn, nhiêu khê, hồ sơ chạy lòng vòng... sẽ khiến người dân và doanh nghiệp than phiền.
“Nói vậy để thấy cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, ban chỉ đạo có quyết tâm, quyết liệt thế nào đi nữa, nhưng cả hệ thống chính trị không vào cuộc thì cũng như không; dù có ban hành bao nhiêu quy chế, kế hoạch, văn bản chỉ đạo thì kết quả CCHC và CĐS của tỉnh vẫn ở mức độ như hiện tại.
Tỉnh lấy kết quả đánh giá trong năm 2020 về chỉ số CCHC (xếp thứ 42) và chỉ số CĐS (xếp thứ 24) để phấn đấu đến năm 2025 đứng vào top 10 các địa phương tỉnh, thành dẫn đầu về CĐS và thuộc nhóm 20 các địa phương dẫn đầu về CCHC” - đồng chí Phan Việt Cường nói.