Cải cách quản lý hộ tịch

CHÂU NỮ 01/03/2019 06:42

Sau 3 năm triển khai Luật Hộ tịch, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở Quảng Nam từng bước hướng đến chuyên nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Công dân làm hộ tịch ở UBND phường Hòa Hương (TP. Tam Kỳ). Ảnh: C.N
Công dân làm hộ tịch ở UBND phường Hòa Hương (TP. Tam Kỳ). Ảnh: C.N

Hướng đến người dân

Đến nay, gần 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu hộ tịch trên hệ thống phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch (hotich.vn) tương đối đầy đủ, chính xác, sẵn sàng để tích hợp dữ liệu với phần mềm dùng chung của Bộ Tư pháp. Bà Trần Thị Kim Phụng - Trưởng phòng Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp) cho biết, các cơ quan đăng ký hộ tịch ở Quảng Nam đã được bố trí cơ sở vật chất phục vụ công tác hộ tịch (trừ một số xã miền núi thuộc huyện Tây Giang, Nam Giang chưa có kết nối internet). Qua 3 năm triển khai Luật Hộ tịch 2014, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước chuyên nghiệp hơn. Ông Cao Bá Đạt, phụ trách tư pháp - hộ tịch phường Hòa Hương (Tam Kỳ) nhận xét, người dân ngày càng có ý thức hơn với các vấn đề hộ tịch liên quan đến cá nhân trước Nhà nước. Trước đây thường xảy ra tình trạng quá hạn nhưng chưa đăng ký khai sinh; sinh con trước khi đăng ký kết hôn hoặc gia đình có người chết nhưng không làm khai tử; nay thì tình trạng này giảm hẳn. Mặc khác, Tam Kỳ đã liên thông thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế và đăng ký thường trú cho trẻ em dưới 5 tuổi; khai tử và xóa đăng ký thường trú nên tạo thuận lợi rất nhiều cho người dân.
Tại Đại Lộc, công tác cải cách hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch được triển khai mạnh mẽ, đem lại sự hài lòng cho người dân. Đối tượng chính sách, người già yếu, neo đơn, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ... đều được giao trả kết quả giải quyết hộ tịch tại nhà. Bà Lương Thị T. (thương binh 2/3, ở thôn Ấp Bắc, xã Đại Minh), tuổi cao, các con đi làm ăn xa, cho biết bà rất xúc động khi được cán bộ tư pháp xã giao hồ sơ hộ tịch tại nhà.

Theo bà Trần Thị Kim Phụng, từ khi triển khai Luật Hộ tịch, không chỉ ý thức trách nhiệm của công chức làm công tác hộ tịch mà nhận thức của người dân đối với việc đăng ký hộ tịch được nâng cao, tình trạng tùy tiện trong đăng ký hộ tịch được khắc phục đáng kể. Người dân tự giác đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định của pháp luật, tình trạng “sinh không khai, tử không báo” không còn phổ biến như trước đây; thời hạn giải quyết nhiều sự kiện hộ tịch được rút ngắn. “Sở Tư pháp đang đôn đốc đối tác điều chỉnh, cải thiện phần mềm để có thể nhanh chóng thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến tại Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ (3 địa phương này đã triển khai thí điểm nhưng chưa được đồng bộ)” - bà Phụng nói.

Vẫn còn vướng mắc

Tuy vậy, việc thi hành Luật Hộ tịch tại các địa phương trong tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Ông Cao Bá Đạt cho rằng, trong thực tiễn, các việc hộ tịch luôn phát sinh hết sức đa dạng. “Nhiều trường hợp tuy là các sự kiện hộ tịch thường xuyên xảy ra như việc sinh, việc tử, việc xác nhận tình trạng hôn nhân, việc thay đổi, cải chính hộ tịch... nhưng lại có nhiều tình tiết phức tạp mà Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa dự liệu và chưa có quy định điều chỉnh, dẫn đến yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân phát sinh những khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết” - lời ông Đạt. Đồng tình với nhận xét này, bà Phụng nói, mặc dù Luật Hộ tịch đã được triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất và đã đạt được những kết quả tích cực nhưng thực tiễn vẫn luôn phát sinh vấn đề phức tạp. Nhiều nhất là việc xác nhận tình trạng hôn nhân, việc sinh, tử, việc thay đổi họ, tên... khi dữ liệu hộ tịch lưu trữ tại các cơ quan quản lý không còn và cũng không có cơ sở thực tế để xác minh. Vì vậy yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân không được giải quyết kịp thời.

Cũng theo bà Phụng, các ngành liên quan đã có sự phối hợp trong thi hành luật nhưng đôi khi vẫn chưa thống nhất. Phổ biến nhất là trong việc xác định giá trị pháp lý giấy khai sinh của ngành giáo dục và công an. “Một số cơ quan công an, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh không căn cứ vào giấy khai sinh gốc để điều chỉnh các thông tin (trong trường hợp thông tin giữa giấy khai sinh và các giấy tờ khác không thống nhất) mà buộc công dân phải cung cấp quyết định cải chính hộ tịch hoặc phải có “giấy xác nhận hai người là một”, điều này gây khó khăn cho công dân” - bà Phụng nói. Bà Phụng cũng cho biết thêm, với những vướng mắc có tính chất phổ quát ở Quảng Nam, Sở Tư pháp và UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn chung về cơ sở pháp lý để địa phương triển khai thực hiện. Hơn nữa, việc kết hợp sử dụng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu hộ tịch giấy rất tốn kém, nên cũng đề xuất bỏ sổ hộ tịch, chỉ thực hiện cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải cách quản lý hộ tịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO