Không thể không thừa nhận nỗ lực cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan đã mang lại rất nhiều ích lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc cắt bỏ hay đơn giản hóa các thủ tục để giảm số giờ thông quan hàng hóa, nộp thuế là giải pháp dễ nhất để đạt mục tiêu, nhưng chưa chắc môi trường kinh doanh đạt được mức tốt nhất. Cơ quan quản lý chắc cũng hiểu một điều rằng việc giảm số giờ nộp mới là những tính toán trên giấy tờ, nhưng chưa chắc môi trường kinh doanh đạt được mức tốt nhất. Thực tế, không phải doanh nghiệp xuất nhập khẩu nào muốn làm đúng theo quy định về thuế cũng được bởi các quy định quá nhiều rắc rối, kèm theo một “rừng” văn bản hướng dẫn.
Có thể hiểu, thủ tục hải quan thống nhất trên toàn quốc. Cơ quan hải quan chỉ là cơ quan ra quyết định cuối cùng về việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh trên cơ sở giấy phép và các kết quả xử lý của các cơ quan được chuyển tới hệ thống của hải quan thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Vướng hay ách tắc từ một khâu nào trước đó của hệ thống xử lý chuyên ngành cũng sẽ dẫn đến sự chậm trễ của tiến trình này. Ngành hải quan Việt Nam cũng đã chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên quản lý rủi ro từ khá lâu. Song vướng mắc hiện nay là mất khá nhiều thời gian thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Từ những phân tích trên, thực sự thời gian thông quan hàng hóa không chỉ do cơ quan hải quan. Theo thống kê, hải quan chỉ chiếm 28% thời gian, còn lại là của các bộ, ngành khác… Không thể khác được, muốn giảm thời gian thông quan thì giảm kiểm tra chuyên ngành là một trong những giải pháp tối quan trọng. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành ban hành các văn bản theo hướng cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, rà soát, cắt giảm các mặt hàng chồng chéo, cùng lúc chịu nhiều hình thức quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành từ giai đoạn trong thông quan sang sau thông quan, áp dụng điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đồng thời tham gia cơ chế một cửa quốc gia... Không phải không có các văn bản này, nhưng một khi áp dụng vào thực tế thì quá nhiều rắc rối. Không ít văn bản không công nhận lẫn nhau kết quả kiểm tra; hoặc danh mục hàng hóa có kiểm tra chuyên ngành chưa được ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn đi kèm, gây khó khăn cho công tác thông quan hàng hóa. Công ty Giao thương Quảng Xưa đã từng phát biểu trước cuộc đối thoại với UBND tỉnh rằng có thủ tục hải quan Quảng Nam chấp nhận nhưng hải quan TP.Hồ Chí Minh không thừa nhận, buộc doanh nghiệp phải mất tiền trả thuế, phí mới có thể giải phóng được hàng!
Hiện chỉ có 13 bộ, ngành thực hiện sửa đổi 81/87 văn bản pháp luật liên quan đến chuyên ngành và theo Hải quan Quảng Nam, hiện cũng có 11 bộ, ngành kết nối một cửa quốc gia, thực hiện 53 thủ tục hành chính. Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục, đạt 78% (196/251 thủ tục) sẽ được triển khai đến năm 2020. Vì vậy, rất cần sự hợp tác của các bộ, ngành và hệ thống hải quan, bởi cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của một quốc gia hay địa phương, không chỉ là nỗ lực đơn lẻ của một cơ quan!
NHẬT PHONG