(Xuân Đinh Dậu) - Nếu Nghị quyết 04 về công tác cán bộ của Tỉnh ủy khóa XX lấy việc đào tạo, bồi dưỡng làm trọng tâm, thì tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy khóa XXI xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là khâu đột phá.
Thí sinh thi trắc nghiệm trên máy tính tại kỳ thi tuyển công chức hành chính tỉnh năm 2016. Ảnh: V.HÀO |
Từ chủ trương
Ngày 12.8.2016, Tỉnh ủy (khóa XXI) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Nghị quyết đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu. Việc nâng cao chất lượng cán bộ phải gắn liền với đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị các cấp và thực hiện tốt tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, cải cách hành chính. Đồng thời chú trọng cán bộ nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói, tỉnh quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý, vững vàng về chính trị; không chỉ có tâm, có tầm mà còn có tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đặc biệt, gắn xây dựng đội ngũ cán bộ với yêu cầu cải cách hành chính và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Đến hành động
Tại Hội nghị lần thứ 5 (ngày 4.10.2016), trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Tỉnh ủy (khóa XXI) đã thể hiện rõ quyết tâm kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Đặc biệt, thực hiện giao chỉ tiêu tinh giản biên chế hàng năm đến từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời yêu cầu phải kiên quyết tinh giản đối với những cán bộ công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu công việc… |
Năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương từ nay sẽ tổ chức tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức thông qua hình thức thi tuyển thay xét tuyển. Định hướng này được đưa ra không nằm ngoài mục đích tuyển chọn cho được người tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của Quảng Nam. Kỳ thi tuyển công chức hành chính mới đây (từ ngày 29.11 đến 4.12.2016) là một bước thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng cán bộ, công chức của tỉnh. Ở kỳ thi tuyển này, các cơ quan, đơn vị tuyển dụng vị trí việc làm trên tinh thần tinh giản biên chế, giảm 2 người thì được nhận 1 người. Theo ông Nguyễn Hữu Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ, thi tuyển công chức, viên chức cũng nhằm đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính của Quảng Nam; góp phần xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả.
Nói về việc tuyển dụng thông qua thi tuyển, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, tuyển chọn đội ngũ công chức có chất lượng là việc làm hết sức quan trọng, tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh sẽ trao cơ hội bình đẳng cho công dân được tham gia bộ máy chính quyền các cấp, ngành. Vì vậy trong các kỳ thi tuyển, lãnh đạo tỉnh quán triệt phải thực hiện một cách minh bạch, công khai, khách quan, đảm bảo tính cạnh tranh. Đó cũng là điều kiện cốt lõi để lựa chọn được những người đủ phẩm chất, trình độ, năng lực bổ sung cho nền công vụ thực hiện chức trách, nhiệm vụ phục vụ nhân dân.
Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ Một trong những nghị quyết quan trọng của Tỉnh ủy ban hành ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra những chủ trương, nhiệm vụ mới trong công tác cán bộ. Trao đổi về yêu cầu cơ bản và có tính quyết định đối với tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ của Quảng Nam trong những năm tới, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Thấm nhuần nhận thức này, Quảng Nam đã tập trung thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Cần nhấn mạnh rằng công tác cán bộ và tổ chức bộ máy luôn là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, quyết định cho sự phát triển của tỉnh. Trong tình hình cách mạng mới, thực tiễn cũng đòi hỏi cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Thực hiện đổi mới thì có rất nhiều việc phải làm. Có những việc cần phải làm ngay, có những việc phải làm từng bước, hoàn chỉnh. Nhưng có một việc hết sức quan trọng và phải bắt tay làm cho bằng được đó là xây dựng một cơ chế đánh giá cán bộ, nhằm chọn cho được người có năng lực, có phẩm chất đạo đức để đảm đương công việc. Lâu nay cơ chế này chưa rõ, lần này đổi mới, phải tập trung đánh giá cho được và chọn cho được cán bộ có đủ tài đức. Có cán bộ tài, có cán bộ tốt thì làm việc gì cũng thành công. Chủ trương, đường lối đúng hết nhưng người cán bộ không làm được, không làm tốt thì công việc vẫn cứ trì trệ. Về lâu dài, cần phải tập trung quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả tinh thần các nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng. Chúng ta phải ngăn chặn, đẩy lùi cho được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng mà nghị quyết đã chỉ ra. Đối với Quảng Nam, tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU (khóa XXI) về công tác cán bộ đặt ra yêu cầu phải bắt tay ngay vào việc quy hoạch, lựa chọn thông qua cơ chế đánh giá cán bộ được đổi mới, từ đó đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, xây dựng đội ngũ có cơ cấu hợp lý, chất lượng. Đây là một nhiệm vụ mang tính đột phá, kết hợp với sắp xếp lại, cơ cấu lại hệ thống bộ máy lãnh đạo chính quyền, mặt trận, các hội đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với tinh thần các nghị quyết của Trung ương. NG.ĐOAN (ghi) |
TRƯỜNG ĐỒNG - VĂN HÀO