Đảm bảo biên chế cho giáo dục

HÀN GIANG 29/11/2018 02:40

Trong dự thảo Kế hoạch biên chế công chức, viên chức năm 2019 sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 9 của HĐND tỉnh sắp tới, Sở Nội vụ - đơn vị soạn thảo kế hoạch đề nghị HĐND tỉnh cho giữ nguyên biên chế sự nghiệp GD-ĐT đã giao năm 2018, điều này cũng là kiến nghị từ các địa phương, ngành giáo dục. 

Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Sở Nội vụ để nghe, góp ý vào các dự thảo trình Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh. Ảnh: N.Đ
Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Sở Nội vụ để nghe, góp ý vào các dự thảo trình Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh. Ảnh: N.Đ

Nhu cầu học ngày càng tăng

Tại cuộc làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân mới đây, UBND huyện Bắc Trà My cho biết, kế hoạch mạng lưới trường lớp năm học 2018 - 2019 được thực hiện theo định hướng sắp xếp giảm lớp, giảm điểm trường lẻ, điều chỉnh sĩ số học sinh trên lớp tăng so với năm học 2017 - 2018. Theo đó, khối mẫu giáo giảm 3 điểm trường, giảm 19 lớp; khối tiểu học giảm 2 điểm trường, giảm 22 lớp; khối THCS tăng 2 lớp, do học sinh khuyết tật hòa nhập được tính thêm 5 học sinh/1 học sinh khuyết tật. Theo ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, các điểm trường thôn phải sáp nhập gây khó khăn cho học sinh mầm non và tiểu học trong vấn đề đi lại. Nếu trước đây, mỗi điểm thôn có một cấp học mẫu giáo và tiểu học, giờ xóa điểm trường chính, dồn học sinh từ điểm trường thôn về điểm trường chính, cách nhau 5 - 7km, việc huy động học sinh ra lớp cũng sẽ gặp khó khăn. “Một vấn đề băn khoăn nữa là theo chủ trương chung của tỉnh, đến ngày 31.12.2018 huyện phải chấm dứt hợp đồng lao động đối với 65 giáo viên tiểu học và mầm non, như vậy trong thời gian đến sẽ dẫn đến thiếu giáo viên giảng dạy, kể cả khi đã thực hiện giảm lớp, giảm điểm trường. Từ thực tế đó, huyện đề xuất UBND tỉnh nên cho địa phương tiếp tục duy trì hợp đồng với 65 giáo viên này, đồng thời có cơ chế riêng đối với các huyện miền núi về tinh giản biên chế giáo viên, sắp xếp lại hệ thống trường lớp” - ông Nhuần kiến nghị.

Đầu năm học này, huyện Nông Sơn đã hoàn thành việc sáp nhập và đổi tên các trường học trên địa bàn. Theo đó, đã giảm từ 19 trường xuống còn 13 trường; giảm được 6 cán bộ quản lý, 18 nhân viên. Tuy nhiên, hiện nay địa phương vẫn thiếu 34 giáo viên đứng lớp. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy -  Phó Chủ tịch HĐND huyện Nông Sơn cho biết, qua giám sát của HĐND huyện cho thấy do thiếu giáo viên mầm non nên địa phương không tổ chức dạy bán trú; trong khi, nhu cầu của người dân, của cử tri đều muốn được gửi con đến trường học hai buổi. “Thực hiện tinh giản biên chế hành chính thì được nhưng tinh giản biên chế giáo viên thì rất khó, vì số lượng học sinh, nhu cầu học ngày càng tăng lên. Tôi nghĩ quan tâm giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng lấy chỉ tiêu phải giảm 10% biên chế giáo viên là rất bất cập. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư ngay từ bậc học mầm non. Tỉnh cần có giải pháp tháo gỡ, tính toán hợp lý về số lượng biên chế giáo viên cho các địa phương, trong đó có Nông Sơn” - bà Thủy nói.

Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh nhìn nhận, ở một số địa phương do thiếu giáo viên mầm non, cho nên hầu như trẻ em 3 - 4 tuổi không được đến lớp như trước đây; chỉ tập trung cho trẻ mầm non 5 tuổi phải đến trường theo chỉ tiêu giao. Một số địa phương việc tinh giản đầu mối, cán bộ quản lý, nhân viên nhưng không thể bù được tình trạng thiếu hụt giáo viên đứng lớp.

Nên giảm cấp phó, người phục vụ

Trong dự thảo kế hoạch biên chế công chức, viên chức tỉnh Quảng Nam năm 2019 trình tại Kỳ họp thứ 9 của HĐND tỉnh sắp tới, Sở Nội vụ cho biết, căn cứ mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh và định mức cán bộ, giáo viên, nhân viên các bậc học được Trung ương quy định, Sở GD-ĐT, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch biên chế sự nghiệp GD-ĐT năm 2019 là 24.329 biên chế. So với số UBND tỉnh giao hiện nay thiếu 1.575 biên chế. Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương, UBND tỉnh đã có báo cáo đề nghị Bộ Nội vụ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung biên chế viên chức sự nghiệp GD-ĐT tỉnh Quảng Nam năm 2019. Ông Lưu Tấn Lại - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, theo kết quả thẩm định này, tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh năm 2019 là 31.952 người, giảm 560 người so với Bộ Nội vụ thẩm định năm 2018. Trong đó giữ nguyên số lượng người làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non như năm 2018 là 4.793 người. “Từ thực tế trên, Sở Nội vụ đề nghị HĐND tỉnh xem xét, quyết định cho giữ nguyên biên chế viên chức sự nghiệp GD-ĐT đã giao năm 2018 đối với UBND cấp huyện và sở GD-ĐT, với 22.754 biên chế” - ông Lại nói.

Góp ý vào dự thảo kế hoạch này, bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh cho rằng, tỉnh đã hai lần tổ chức thi tuyển biên chế giáo dục nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu định mức được giao. Sắp đến tỉnh sẽ tổ chức thi tuyển cho bậc từ THCS trở xuống mầm non, hy vọng các địa phương tuyển đủ 1.108 chỉ tiêu để giải quyết bớt một phần số lượng giáo viên thiếu hiện nay. “Quan điểm của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh là việc giao biên chế giáo dục phải đảm bảo cho trẻ em được đến lớp. Vừa rồi TP.Tam Kỳ có một số trường tăng số lượng học sinh lên, trước có từ 35 - 30 học sinh/lớp thì nay tăng lên 40 - 50 học sinh/lớp để đảm bảo cho các em đều được đến trường. Vì vậy, UBND tỉnh cần quan tâm giải quyết vấn đề thiếu giáo viên cho các địa phương hiện nay” - bà Thu kiến nghị. Cùng quan điểm, bà Đặng Thị Minh Nguyệt - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nói: “Phải thực hiện tinh giản biên chế GD-ĐT, nhưng nên làm theo hướng cắt giảm đội ngũ quản lý và những người phục vụ do sắp xếp lại đơn vị trường lớp; còn giáo viên đứng lớp cần phải đảm bảo theo quy định. Ban đã có đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho các ngành liên quan rà soát lại lộ trình sáp nhập trường lớp trên địa bàn để giao biên chế giáo viên cho từng ngành học, bậc học. Mục tiêu giảm biên chế giáo dục không được làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học”.

Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định, đơn vị vẫn đang làm việc với các địa phương với tinh thần phải cố gắng, bằng mọi cách phải đảm bảo cho con em được đến trường, không để bỏ trường, lớp. “Bây giờ tỉnh cần có cơ chế để giảm mạnh người phục vụ trong các nhà trường, lấy biên chế đó tuyển dụng mới biên chế giáo viên đứng lớp. Toàn tỉnh có 54 trường THPT, 218 trường THCS, 267 trường tiểu học và 232 trường mầm non, nếu giảm 50% số cấp phó của tổng các trường này thì chúng ta có khoảng 500 biên chế; giảm không có nghĩa là buộc những người này nghỉ mà có chế độ đánh giá và đưa họ trở lại đứng lớp, bởi trong quá trình giảng dạy họ được đề bạt, bổ nhiệm lên quản lý. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện sáp nhập trường theo chủ trương chung” - ông Tuấn đề xuất.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đảm bảo biên chế cho giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO