UBND tỉnh đã ra chỉ thị cải cách 4 bộ chỉ số cải cách hành chính và kế hoạch đánh giá năng lực cạnh tranh cơ quan công quyền, nhằm hướng đến việc cung cấp môi trường đầu tư tốt, sự vận hành suôn sẻ của công cuộc cải cách hành chính.
Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư đưa vào vận hành là một trong những hoạt động đột phá về cải cách hành chính của Quảng Nam. Ảnh: T.DŨNG |
Đột phá cải cách hành chính
Kể từ ngày vận hành (ngày 9.1.2017), Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư đã trở thành mô hình thống nhất một cửa, một đầu mối, cắt giảm 30% thời gian, thủ tục hành chính trên nguyên tắc “công khai - minh bạch - chất lượng - đúng hẹn” đã nhận được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Hơn 80% số lượng bộ thủ tục hành chính của các sở, ban ngành đã dần dần chuyển sang thực hiện tại trung tâm và năng lực cán bộ đủ thẩm quyền xử lý công việc tại trung tâm... đã đánh dấu bước chuyển mới, thay đổi thái độ phục vụ của công chức, viên chức trong việc thực thi công vụ, thể hiện rõ một nền hành chính phục vụ. Số lượng hồ sơ được giải quyết đúng hạn chiếm hơn 95% và các hồ sơ đều được hướng dẫn cụ thể, chỉ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ một lần trong suốt quá trình thực hiện thủ tục hành chính, không yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ thủ tục ngoài quy định. UBND tỉnh cho rằng cùng với việc chỉ đạo triển khai thành lập các trung tâm cấp huyện, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại..., việc đưa Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư vào hoạt động là một trong những hoạt động cải cách hành chính mạnh mẽ kể từ đầu năm 2017.
Song, cho dù cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển, nhưng hiện tại công cuộc tuyên truyền cải cách hành chính vẫn chưa thể lan tỏa đến các địa phương và cơ quan công quyền. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa đạt đến mức thông thoáng nhất. Nguyên nhân chính được đề cập là không ít cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính. Hiện thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Chất lượng những người thừa hành công cuộc cải cách vẫn yếu. Không chỉ vậy, việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với người dân vẫn còn trong tình trạng thụ động. Những hạn chế này đã khiến các chỉ số thành phần của các chỉ số PAR INDEX, PAPI, ICT INDEX không có điểm hoặc điểm số rất thấp.
Mở kế hoạch đánh giá năng lực
Kết quả phân tích đồng loạt 4 chỉ số năm 2016 so với năm 2015, ngoài chỉ số PAR INDEX (chỉ số về cải cách hành chính do Bộ Nội vụ điều hành, xếp hạng) xếp 32/63 tỉnh, thành, tăng 6 bậc thì chỉ số PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, ghi nhận đánh giá của người dân) chỉ đứng thứ 30/63 tỉnh thành cả nước, tụt đến 10 bậc. Chỉ số ICT INDEX (chỉ số về mức độ phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin) đứng ở vị trí thứ 30/63 tỉnh, thành phố cả nước, đứng thứ 9 khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giảm 5 bậc và chỉ số PCI tụt 2 bậc đã khiến chính quyền và cơ quan quản lý lo lắng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, kết quả này cho thấy nỗ lực cải cách của Quảng Nam vẫn chưa thực sự bứt phá. Tình trạng thiếu minh bạch, nhũng nhiễu và những ý kiến của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được các cơ quan công quyền tiếp thu, thụ lý và giải quyết một cách rốt ráo.
Trong cuộc đua về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính giữa các tỉnh, thành cả nước để cung cấp một môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn đã buộc Quảng Nam không thể trì hoãn những cuộc cải cách. Đồng loạt hai chỉ thị (cải cách hành chính và kế hoạch đánh giá năng lực cạnh tranh cơ quan công quyền) vừa ban hành hồi cuối tháng 9.2017 chính là hiện thực hóa các cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tạo dựng lòng tin cho người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng mỗi cơ quan quản lý, công chức phải tự soi mình để thay đổi, cải cách triệt để, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp. Chính quyền địa phương và cơ quan quản lý sẵn sàng đón nhận những ý kiến đóng góp để cung cấp môi trường đầu tư tốt, tạo sự hài lòng cho người dân về một chính quyền hành động, phục vụ thay vì quản lý như trước đây.
Một trong những nội dung then chốt lần này là phải nhanh chóng đơn giản hóa, kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định. Niêm yết, công khai đầy đủ, đúng quy định, bảo đảm các thủ tục hành chính đều thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, phấn đấu 100% hồ sơ, cải cách hành chính trong năm được giải quyết đúng hạn. Quan trọng hơn, những ách tắc quanh chuyện đất đai sẽ được giải quyết bằng việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, cấp phép xây dựng. Tất cả đều phải công khai, minh bạch tiếp nhận thông tin, kiểm tra, giám sát quy trình thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, bảo đảm việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý quy hoạch xây dựng đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, cần xây dựng lộ trình bảo đảm 100% các văn bản, tài liệu trong hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị được trao đổi dưới dạng điện tử có áp dụng chữ ký số thông qua hệ thống thư điện tử, quản lý văn bản và điều hành công việc, liên thông quản lý văn bản từ cấp tỉnh tới cấp xã (trừ các văn bản mật, tối mật, tuyệt mật theo quy định của pháp luật).
Không chỉ cải cách hành chính mạnh mẽ, một kế hoạch đánh giá năng lực cạnh tranh cơ quan công quyền cũng đã được đưa ra (DDCI – 2018). Theo kế hoạch này, sẽ có khoảng 1.100 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tại Quảng Nam tham dự vào cuộc khảo sát, điều tra để đưa ra kết quả đánh giá về năng lực các cơ quan công quyền. Cuộc khảo sát này sẽ được tiến hành từ cuối năm nay đến tháng 1.2019. “Điều này sẽ tạo sự thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban ngành và các huyện, thị xã, thành phố, tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ, nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, góp phần cải thiện thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh Quảng Nam” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
TRỊNH DŨNG