Thôn Đồng Thanh Sơn, xã Bình Định Nam (Thăng Bình) được thành lập mới trên cơ sở sáp nhập giữa thôn Đồng Đức và Thanh Sơn vào tháng 4.2019. Khi sáp nhập, mọi thứ như phải làm lại từ đầu. Vậy nhưng nhờ sự linh hoạt trong điều hành của chính quyền, sự nhạy bén trong sản xuất của người dân đã đưa thôn Đồng Thanh Sơn hoàn thành 10/10 tiêu chí của Khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu chỉ sau một năm sáp nhập và vừa được UBND huyện Thăng Bình công nhận.
Không ai nghĩ cánh đồng rộng 2ha ở tổ 1 thôn Đồng Thanh Sơn đến nay được phủ lên màu xanh của cây cà gai leo. Bởi nếu tính từ thời điểm năm 2013 về trước, hầu hết đất ruộng ở đây đều bỏ hoang để trâu, bò làm chỗ trú ngụ. Từ khi cây cà gai leo thích ứng ở vùng đất này, ngay cả ruộng đồi bỏ hoang cũng phủ lên màu xanh của loại cây này.
“Được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa” - đó cũng là quy luật khó cưỡng khi trồng ra bất cứ cây, con gì - bởi phụ thuộc vào thị trường và thương lái, ngay cả cà gai leo cũng vậy. Nhưng với bản chất cần cù, kiên nhẫn có lúc giá cà gai leo tụt dốc chỉ còn 13.000 đồng/kg, người dân ở đây cũng không phá bỏ diện tích trồng cà gai leo.
Càng phấn khởi hơn khi mới đây, Công ty CP Nghiên cứu và phát triển dược liệu Đại Việt đã bao tiêu, thu mua trọn gói diện tích 5ha, với mức giá ổn định 27.000 đồng/kg cà gai.
Ông Đỗ Văn Khiêm - thôn Đồng Thanh Sơn cho hay, nếu so với cây lúa hay hoa màu khác thì dù ở mức giá thấp, cây cà gai lại vẫn cho giá trị gấp 3 lần. Hiện gia đình ông có 3 sào, mỗi năm thu 3 lứa. Mỗi lứa 3 sào trồng cà gai leo của gia đình ông thu khoảng 6 tạ, tính ra tiền hơn 16 triệu đồng. Số tiền này, chi phí đầu tư, vẫn lãi hơn nhiều so với trồng lúa.
Trước đây, tuy sống gần nhau nhưng các hộ dân thôn Thanh Sơn và Đồng Đức sinh hoạt ở 2 nơi khác nhau. Sau khi sáp nhập, các hộ dân giờ đã thành một nhà. Từ đây, lòng dân, sức người, sức của được đoàn kết, hội tụ với một khí thế mới để xây dựng thôn thành khu dân cư NTM kiểu mẫu ấm no, hạnh phúc.
Không chỉ có nhà văn hóa mới, mà tất cả đường làng, ngõ xóm ở đây được cứng hóa, người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất. Minh chứng rõ nhất là thu nhập bình quân đầu người của thôn đã đạt 42 triệu đồng/năm.
Theo ông Trần Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam, lúc đầu thực hiện sáp nhập thôn cũng lo đến việc ảnh hưởng sinh hoạt, cuộc sống. Nay sáp nhập lại, điều thấy rõ nhất, đó là sức mạnh của khu dân cư được nâng lên, làm gì cũng dễ, cũng nhanh hơn.
“Đến nay tất cả hộ dân trong thôn đã thực hiện việc chỉnh trang tường rào cổng ngõ, trong đó 28 hộ xây dựng vườn mẫu. Các hộ sản xuất nông sản đều cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm do ngành nông nghiệp quy định; vận động 25 hộ di dời chuồng trại phía trước ra sau vườn nhà. Qua kết quả rà soát, đến nay thôn Đồng Thanh Sơn không còn hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo” - ông Bảo cho biết thêm.