Ngày 9.1.2017, Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh chính thức vận hành, khởi sự cho “hành trình phục vụ” người dân và doanh nghiệp. Phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh về sự thay đổi có tính chất mới mẻ và khác biệt này.
|
Lãnh đạo Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh gặp mặt đội ngũ cán bộ được biệt phái về trung tâm. Ảnh: T.D |
- P.V: Số người biệt phái sẽ hoạt động như thế nào và tiêu chuẩn gì để đánh giá khi họ không phải là những thuộc cấp của trung tâm, thưa ông?
- Ông Võ Văn Hùng: Trung tâm đã sẵn sàng vận hành. UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt danh sách 61 cán bộ, công chức, viên chức về làm việc tại trung tâm (32 người biệt phái và 29 người của các cơ quan trung ương). Các cán bộ, công chức, viên chức biệt phái đã nhận cabin và đang thao tác trên phần mềm ứng dụng. Hiện có 670 thủ tục hành chính (TTHC) của 19 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và 78 TTHC của các cơ quan trung ương sẽ được tiếp nhận, giải quyết tại trung tâm. Sở Thông tin và truyền thông đã đưa hệ thống phần mềm phục vụ trung tâm hoạt động với các phân hệ chính: hệ thống một cửa điện tử tập trung, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống báo cáo, thống kê (dashboard) phục vụ lãnh đạo, hệ thống tra cứu thông tin bằng mã vạch, kiosk, hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của người dân…
Quy chế phối hợp giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân tại trung tâm đã được UBND tỉnh quyết định với 7 nguyên tắc cụ thể. Trung tâm hành chính công là đầu mối tổ chức, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện công khai, hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết TTHC (đã được cơ quan có thẩm quyền công bố) và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân và một số công việc khác liên quan đến quy trình giải quyết TTHC. Các sở, ban, ngành chủ trì giải quyết TTHC theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải quyết. Đồng thời chịu trách nhiệm trả lời, giải quyết khi có khiếu nại của tổ chức, cá nhân về kết quả giải quyết TTHC của cơ quan, đơn vị mình. Như vậy, thẩm quyền giải quyết TTHC vẫn thuộc trách nhiệm của các sở, ngành…
Toàn bộ quá trình hoạt động của trung tâm đều được hệ thống camera giám sát. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh sẽ giám sát thái độ thực thi công vụ của cán bộ. Sau khi đến giao dịch, các cá nhân, tổ chức sẽ bấm nút đánh giá mức độ hài lòng về kết quả giải quyết, thái độ phục vụ của cán bộ được giao nhiệm vụ. Hàng ngày, đều có tổng hợp các phản ánh về mức độ hài lòng, số lượng TTHC tiếp nhận, trả đúng hẹn, trễ hẹn và được công khai trên bảng điện tử. Căn cứ kết quả giải quyết công việc, UBND tỉnh sẽ đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm đối với cán bộ được cử về làm việc tại trung tâm. Kết quả làm việc tại trung tâm này là một trong những cơ sở để đánh giá công chức, viên chức biệt phái.
- P.V:Một chính sách đúng sẽ rất cần những con người thừa hành đủ năng lực. Liệu những con người hiện có (kể cả biệt phái) có đủ sức đảm đương khối lượng nặng nhọc mà trung tâm đặt ra?
- Ông Võ Văn Hùng: Trung tâm hành chính công được thành lập là một cách làm mới trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Điều này sẽ làm thay đổi thái độ phục vụ của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, hướng tới nền hành chính phục vụ. Việc giải quyết hồ sơ, TTHC cho công dân, tổ chức được thực hiện theo hướng chuyên môn hóa. Tăng cường cơ chế giám sát và tự giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và tăng cường sự giám sát của nhân dân với các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, của đội ngũ công chức, viên chức, góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính. Chính quyền sẽ cải thiện mạnh mẽ cải cách hành chính, tiến đến thay đổi tư duy, thói quen, thái độ công chức, viên chức từ xem doanh nghiệp là đối tượng quản lý sang đối tượng phục vụ. Sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại trực tiếp hoặc trực tuyến... nhằm nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch cho các doanh nghiệp. Cán bộ có đảm đương được hay không thì không dám khẳng định, nhưng tin tưởng, hy vọng là được khi tất cả mọi người đều phải cố gắng hết sức!
- P.V:Như vậy thì đâu có gì khác biệt. Vẫn những con người thực hiện các TTHC từ các cơ quan chuyên ngành biệt phái thì liệu có thể giải quyết hết gốc rễ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân?
- Ông Võ Văn Hùng: Những cán bộ được lựa chọn về làm việc tại trung tâm phải có đủ đạo đức, năng lực, kinh nghiệm, am tường công việc. Các cán bộ này đã được UBND tỉnh gặp mặt, trao đổi và quán triệt về tư tưởng, cung cách phục vụ. UBND tỉnh giao quyền cho giám đốc các sở, ngành quyết định việc chọn cán bộ về làm việc tại trung tâm trên cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị mình. Trong quá trình làm việc, nếu có vi phạm sẽ bị xử lý và sẽ kịp thời thay đổi cán bộ khác để đảm bảo công việc được trôi chảy.
Như đã nói, có nhiều cơ chế giám sát (camera, cán bộ các cơ quan kiểm tra, thanh tra và cán bộ chuyên trách của trung tâm, phần mềm đánh giá mức độ hài lòng, thống kê kết quả giải quyết và những nội dung này sẽ được công khai lên màn hình để mọi người cùng biết và giám sát) sẽ tạo áp lực rất lớn đối với mỗi cán bộ làm việc tại trung tâm cũng như các sở, ngành. Theo tôi, các sở, ngành không thể chấp nhận khi mình bị đánh giá thấp nhiều nên sẽ có sự thi đua lẫn nhau thì kết quả sẽ tốt hơn.
Thành lập Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh là rất cần thiết nhằm tạo ra một đầu mối tiếp nhận và giải quyết TTHC. Người dân và doanh nghiệp chỉ đến một nơi, không phải đến nhiều cơ quan như trước đây. Hoạt động của trung tâm sẽ theo nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự giảm sát của cán bộ chuyên trách của trung tâm cũng như cán bộ từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh… chắc chắn sẽ giảm bớt sự phiền hà, sách nhiễu (nếu có) và thời gian giải quyết cũng sẽ giảm nhiều hơn so với trước đây.
P.V: Cảm ơn ông!
TRỊNH DŨNG (thực hiện)