Hướng đến nền hành chính phục vụ

VĂN HÀO 04/04/2016 08:48

Tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ ba (khóa XXI) tổ chức hồi tuần trước, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn đọng, đưa ra các giải pháp để thúc đẩy công tác cải cách hành chính (CCHC).

Mô hình “một cửa điện tử” tại UBND TP.Hội An. Ảnh: VĂN HÀO
Mô hình “một cửa điện tử” tại UBND TP.Hội An. Ảnh: VĂN HÀO

Thành lập Trung tâm Hành chính công, nên chăng?

Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, mô hình Trung tâm Hành chính công ở tỉnh Quảng Ninh là một điểm sáng mà tỉnh cần giao lưu, học hỏi. “Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ, mục tiêu làm sao để doanh nhiệp, người dân chỉ tới một điểm nhất định cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố để giải quyết các thủ tục hành chính như tại Quảng Ninh. Thực tế nhiều người dân, nhà đầu tư đến Quảng Nam làm hồ sơ nhưng không biết phải đi “cửa” nào. Ở Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc thành lập Trung tâm Hành chính công các cấp, trong cơ chế cơ quan hành chính không có trung tâm này, họ đã xin phép thành lập và vận hành hiệu quả. Làm việc tại một cấp, vừa thuận lợi giám sát qua lại lẫn nhau. Hơn nữa chỉ có giảm biên chế chứ không tăng”. Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, không nên thành lập Trung tâm Hành chính công vì mỗi TTHC đều gắn liền với một lĩnh vực, ngành cụ thể nên sẽ giải quyết tốt hơn, hiệu quả hơn nếu đến cơ quan chuyên ngành đó.

Nhiều đại biểu cũng đã tập trung phân tích những điểm tiến bộ, cách làm hiệu quả mà Quảng Nam nên học hỏi kinh nghiệm từ mô hình Trung tâm Hành chính công ở tỉnh bạn. Chẳng hạn, cuối giờ hành chính (17 giờ), cán bộ công chức phụ trách có thể làm thêm ngoài giờ để giải quyết thủ tục và người dân phải trả chi phí phục vụ này (phí dịch vụ công). Thực tế kiểm chứng ở một số địa phương, lượng người đi làm thủ tục ngoài giờ rất đông vì ban ngày họ không có thời gian. Qua đó, giúp cán bộ công chức có thêm một nguồn thu nhập chính đáng, hơn nữa tăng hiệu quả công việc.

Xoay quanh vấn đề trên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết, Quảng Nam cũng đã có ý kiến xin phép thực hiện mô hình Trung tâm Hành chính công như Quảng Ninh nhưng Trung ương phản hồi chờ xem xét.

Theo báo cáo kết quả CCHC giai đoạn 2011 - 2015 của UBND tỉnh, qua điều tra xã hội học phục vụ đánh giá CCHC năm 2014 của Bộ Nội vụ, chất lượng phục vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp của tỉnh chưa cao, đạt 4,92 điểm (tối đa 6 điểm). Do đó, tại hội nghị, nhiều ý kiến đồng tình với việc phấn đấu thực hiện dịch vụ nhận/ trả kết quả hồ sơ tại chỗ đối với một số thủ tục. Những thủ tục thường khi phải giải quyết một tuần thì xem xét, nếu có thể, rút xuống còn một ngày; những thủ tục trước đây giải quyết một ngày thì nên rút còn lại một buổi với sự trợ giúp của công nghệ thông tin. Dẫn chứng cho việc lãng phí thời gian làm hồ sơ thủ tục, một số đại biểu cho biết có thủ tục chỉ cần một buổi đã giải quyết xong nhưng bị “ngâm” đến 20 ngày mới được trả kết quả.

Thể hiện vai trò giám sát

Công tác giám sát cơ quan hành chính nhà nước, đội ngũ cán bộ công viên chức được nhiều đại biểu quan tâm. Đây được xem là bước quan trọng để hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan công quyền. Các đại biểu chỉ ra rằng, vai trò giám sát ở nhiều địa phương, sở ngành còn rất mờ nhạt, dẫn đễn việc đánh giá năng lực cán bộ không sát đúng với thực tế. Tổng Biên tập Báo Quảng Nam - Lê Văn Nhi cho rằng, lĩnh vực CCHC rất rộng nên cần xác định từng mặt cụ thể để thực hiện bứt phá qua từng giai đoạn. “Chúng ta cần xây dựng cơ chế giám sát. Hiện nay một số cơ quan, địa phương chưa giám sát đầy đủ. Hơn nữa, cần nâng cao việc giải trình của các cơ quan, chính quyền các cấp đối với nhân dân. Gắn với đó là công khai minh bạch thông tin để người dân biết” - ông Lê Văn Nhi nói.

Luận bàn về công tác đánh giá cán bộ hiện nay, Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức - Phan Thái Bình nhìn nhận vẫn còn nhiều hạn chế vì tư tưởng ngại va chạm, nể nang. “Việc đánh giá cán bộ không chính xác sẽ gây khó khăn trong việc bổ nhiệm, phân công công việc. Do vậy phải đẩy mạnh tiêu chí phân loại cán bộ, được thể hiện ở hiệu quả công việc và xem đó như là một tiêu chí thi đua, xếp loại” - ông Bình nói. Cũng có cách làm mới ở cơ sở để tăng cường sự sâu sát giữa lãnh đạo với nhân dân được trình bày tại hội nghị. Đó là phương thức tổ chức đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My - Huỳnh Thị Thùy Dung với người dân xã Trà Bui để kịp thời nắm những vấn đề nóng cần giải quyết.

Ông Lê Văn Dũng - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, sau Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác sắp xếp cán bộ tại một số nơi còn chậm. CCHC trong Đảng hiện nay, yếu nhất nằm ở khâu nhận xét, đánh giá cán bộ. Việc ra văn bản, nhiều nơi còn copy mẫu có sẵn, chỉnh sửa một số nội dung; việc ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường, các giám đốc sở, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố cần có một “đường dây nóng” để giám sát cán bộ. Qua đó, nếu phát hiện tình trạng nhũng nhiễu thì kịp thời xử lý, chuyển đổi vị trí công tác và phải tập trung làm mạnh công tác này.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, các vấn đề thành lập Trung tâm Hành chính công, nhất thể hóa chức danh cán bộ thôn (bí thư chi bộ kiêm vai trò trưởng thôn, phó bí thư kiêm phó thôn), Tỉnh ủy sẽ bàn bạc trong tháng 6.2016 trên tinh thần quyết tâm gắn với phương châm “dân tin, đảng cử”. Về phương hướng CCHC giai đoạn 2016 - 2020, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nói: “Những mô hình trong công tác CCHC ở các địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng đáng để chúng ta học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu có chọn lọc. Cung cách quản lý sắp tới thay đổi lớn, những quyết tâm cần được hiện thực hóa một cách cụ thể. Về vấn đề giám sát nên áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, có thể lắp đặt hệ thống camera để có đánh giá khách quan. Những vấn đề này chúng ta làm được và có lộ trình cụ thể”.

VĂN HÀO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng đến nền hành chính phục vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO