Mùa mưa bão lại về, thứ “đặc sản” đã thành thương hiệu cho dải đất hình đòn gánh oằn vai hai đầu Nam Bắc. Nhà tôi ở gần khu tháp Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1, Núi Thành), nghe nội kể lụt năm Thìn, nước dâng như đại hồng thủy, nhà nhà người người dắt nhau hết lên chân tháp.
Với tôi, trận lụt lịch sử vào tháng 11/1999 vẫn hằn sâu ký ức. Nhà tôi cách quốc lộ 1 khoảng cây số. Vào những ngày mưa lũ, nước tuy dâng cao nhưng chưa bao giờ ngập vườn nhờ có con mương trước nhà đưa nước ra Bàu Nê rồi thẳng ra sông, ra biển.
Những ngôi nhà ở gần Bàu Nê cứ mỗi đận lụt lại bơi trong biển nước. Chúng tôi cứ kéo từng nhóm đi dọc theo quốc lộ xem nước chảy. Những đoạn nước chảy xiết, từng đoàn xe phải dừng lại, hàng nối hàng.
Xe dừng từ trong Tam Xuân 2 ra đến xã Tam Xuân 1. Từ cống Ông Nhơn ra tới đầu cầu Tam Kỳ. Người người co ro trên những chiếc xe khách, áo ấm trùm kín đầu, mặt mày phờ phạc. Những quán cơm dọc đường mọc lên với giá đắt.
Tôi còn nhớ như in, thời điểm đó mà họ bán những 25 nghìn đồng một dĩa cơm. Mấy bác tài xế hay những người có tiền mới dám nghĩ đến một dĩa cơm nóng, còn lại họ mua mì tôm sống ở dọc đường, nhai trệu trạo rồi uống nước lọc đỡ đói.
Chứng kiến rất nhiều trẻ em và người lớn phải cầm cự bằng những miếng mì tôm sống và nước lọc, phụ nữ xóm tôi, hồi đó gọi là đội 11, rủ nhau hùn gạo nấu cơm. Mùa đó nhà ai cũng đầy khoai xiêm (sắn) tươi.
Những gốc khoai xiêm sợ bị ngập nước lụt được nhổ vội chất thành từng đống. Bọn tôi lựa những củ mập mạp, suông óng, cắt khúc, lột vỏ, cho vào nồi. Những bếp lửa bập bùng trong trời đông giá.
Người góp gạo, người góp khoai, người góp mè. Những chiếc xô đựng nước chè mùa gặt được huy động, cái đựng cơm, cái đựng khoai. Xe đạp thồ mấy thùng cơm thùng khoai xuống ủy ban xã. Mấy mẹ ở trong bới cơm ra chén, rắc muối mè dọn sẵn lên bàn.
Thanh niên phụ trách xách xô khoai lội hẳn lên từng xe khách: Có cơm nóng miễn phí, mời các ông bà, ưu tiên trẻ em và người già ạ! Còn người trẻ ăn khoai giúp. Một cô rụt rè cầm khúc khoai nóng, tay dắt đứa con nhỏ đang khóc ngằn ngặt theo hướng tay tôi chỉ. Và chỉ ít phút sau, lần lượt người già, trẻ em được lót dạ bằng những chén cơm nóng muối mè thơm lừng.
Những chiếc xô đựng khoai nhẹ tênh, những cánh tay níu lấy tay chúng tôi cũng nhẹ tênh theo cái lắc đầu cùng ánh mắt tiếc nuối. Thật khó để có thể làm trọn vẹn một điều gì đó cho cuộc đời, một điều tử tế càng khó hơn. Bởi sức người có hạn, mà sự cần trong những hoàn cảnh cấp bách lúc ấy thật vô cùng. Mẹ an ủi bằng cái vuốt tóc nhẹ khi nhìn thấy ánh mắt tôi đỏ hoe nhìn theo cánh tay vẫy ở một ô cửa xe.
Những ngày này trời bắt đầu mưa. Tam Kỳ hay bất cứ một thành phố nào trên dãy đất miền Trung này cũng sẽ có những đoạn ngập sâu. Nhưng chắc chắn, sẽ không còn cảnh từng đoàn xe phải mắc kẹt lại ở một địa phận nào trong đói rét. Thế giới phẳng giúp con người sẻ chia với cộng đồng nhiều hơn, lan tỏa những điều đẹp đẽ nhiều hơn.