Nỗ lực giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

DIỄM LỆ 23/12/2023 11:18

(QNO) - Tiếp tục đôn đốc các huyện trong giải ngân nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ở các huyện miền núi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đã làm việc với 3 huyện Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn trong sáng nay 22/12.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn làm việc với 3 huyện miền núi cao về giải ngân nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: D.L
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn làm việc với 3 huyện miền núi về giải ngân nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: D.L

Giải ngân cao nhất hơn 48% kế hoạch vốn

Theo báo cáo tổng hợp của Sở Kế hoạch - Đầu tư, đến nay các huyện miền núi đang nỗ lực trong giải ngân nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gồm giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới, dù tỷ lệ còn thấp hơn 50% kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài và năm 2023. Trong đó, Phước Sơn giải ngân được hơn 139,7/388 tỷ đồng (35,8%), Tây Giang hơn 150/347,7 tỷ đồng (tỷ lệ 43,1%), Nam Trà My hơn 144,1 tỷ đồng/295,9 tỷ đồng (tỷ lệ 48,7%). 

Những khó khăn của các huyện miền núi được nhắc đến đều có điểm chung. Về cơ chế chính sách, giai đoạn từ 2021 đến tháng 10/2023, nhiều văn bản của các cơ quan Trung ương ban hành để triển khai thực hiện 3 chương trình nhưng vẫn còn chậm và chưa được đồng bộ...  
Chẳng hạn triển khai thực hiện Nghị định 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Thông tư số 55/TT-BTC ngày 15/8/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 46/2022/TT-BTC; một số vướng mắc của từng dự án đến nay vẫn chưa được các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn hết. Một số nội dung phải trình HĐND tỉnh ban hành quy định, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung của trung ương.

Các dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng cao được triển khai. Anh: D.L
Các dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng cao được triển khai. Anh: D.L

Việc phân bổ vốn cho 3 chương trình còn chậm so với yêu cầu. Cụ thể: ngày 28/5/2022 Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn cho 3 chương trình tại Quyết định số 652/QĐ-TTg và Quyết định số 653/QĐ-TTg và từ ngày 15/8 - 5/9/2022 UBND tỉnh giao cho các đơn vị thực hiện. Từ đó tạo áp lực giải quyết các thủ tục giao vốn, phân bổ vốn và thủ tục đầu tư, giải ngân vốn cho các địa phương là rất lớn.

Số danh mục công trình năm 2023 nhiều và phải thông qua HĐND các cấp (huyện, xã) nên chậm; công tác chỉ đạo thực hiện của nhiều địa phương còn chưa kịp thời. Cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng ít nhưng cùng lúc phải thẩm định cho quá nhiều hồ sơ các dự án đầu tư nên dẫn đến quá tải công việc.

Nỗ lực và cam kết

Thời gian qua, nhiều địa phương gặp khó trong giải ngân vốn 3 chương trình nêu trên, nhất là công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Theo đó, nhiều nguồn vốn không có khả năng thực hiện được huyện đề nghị chuyển nguồn hoặc chuyển trả ngân sách Nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Hồ Công Điểm báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: D.L
Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Hồ Công Điểm báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: D.L

Ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết: "Các nguồn vốn có thể giải ngân được huyện sẽ cố gắng thực hiện để giải ngân theo tiến độ ở các thời điểm tỉnh quy định. Một số nguồn còn lại không thực hiện được thì một phần sẽ đề nghị chuyển trả ngân sách hoặc chuyển nguồn qua 2024. Bao gồm: phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững; đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; cải thiện dinh dưỡng; truyền thông giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo về thông tin.

Riêng nội dung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo huyện rất cần nguồn vốn. Giai đoạn 2022 - 2025, huyện cần được hỗ trợ 1.646 nhà ở, nhưng nguồn kinh phí bố trí rất thấp. Thực tế giai đoạn này, huyện cần được hỗ trợ mỗi năm 20 tỷ đồng mới đủ kinh phí để xóa nhà tạm".

Ông Mạc Như Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang báo cáo tiến độ giải ngân. Ảnh: D.L
Ông Mạc Như Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang báo cáo tiến độ giải ngân. Ảnh: D.L

Với huyện Tây Giang, ông Mạc Như Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định, huyện sẽ tập trung mọi giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất.

Tây Giang cam kết, đối với nguồn vốn đầu tư năm 2022 được phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân, đến 31/12/2023 giải ngân đạt trên 85%; nguồn vốn năm 2023 đến 31/1/2024 giải ngân đạt trên 58%. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, đến 31/12/2023 giải ngân trên 70% vốn năm 2022 kéo dài, vốn năm 2023 thì đạt trên 60%. 

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng đinh huyện đang rất quyết tâm trong gỡ vướng để thực hiện. Ảnh: D.L
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng đinh huyện đang rất quyết tâm trong gỡ vướng để thực hiện. Ảnh: D.L

Trong khi đó, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin, việc chậm giải ngân nguồn vốn do các chủ đầu tư chưa thật sự quyết liệt trong việc quản lý thực hiện dự án, công tác giải phóng mặt bằng chưa được tập trung giải quyết dứt điểm.

Huyện có 4 dự án giao thông ảnh hưởng hưởng rừng theo quy hoạch rừng sản xuất, hiện trạng rừng tự nhiên nên phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp. Dự án Cầu treo nối quốc lộ (QL) 40B với làng Tắc Rối thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phải điều chỉnh thiết kế do không thực hiện đấu nối được với QL 40B.

Ông Mẫn nói: ''UBND huyện cam kết chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn 2022 kéo dài và phấn đấu giải ngân đạt 75 - 80% kế hoạch vốn bổ sung năm 2023 đối với các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện".

Quyết liệt hơn từ đầu năm 2024

Hợp phần đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động miền núi đang khó về đối tượng học nghề. Ảnh: D.L
Hợp phần đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động miền núi đang khó về đối tượng học nghề. Ảnh: D.L

Xác định giai đoạn năm 2024 - 2025  sẽ  là trọng tâm trong việc triển khai hoàn thành các mục tiêu của 3 chương trình MTQG trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra. Do vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn ngay từ đầu năm 2024 cần tập trung quyết liệt chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện.

Đối với dự án không thực hiện được xin chuyển trả như các huyện nêu, ông Tuấn yêu cầu cần rà soát, dự phòng trong điều chỉnh danh mục dự án sang dự án khác có thể thực hiện được trong cùng một chương trình. Nếu được Quốc hội thông qua, Chính phủ và các bộ ngành có hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù thì bám vào làm ngay, không để dồn ứ nguồn vốn trong năm 2024. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các huyện quyết liệt hơn trong giải ngân nguồn vốn. Ảnh: D.L
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các huyện quyết liệt hơn trong giải ngân nguồn vốn. Ảnh: D.L

Phía tỉnh sẽ tiếp tục làm việc và kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương để sớm điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách triển khai thực hiện các Chương trình MTQG đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Tỉnh, huyện cùng tăng cường các giải pháp huy động nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả.

Các huyện cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư để phân bổ dứt điểm kế hoạch vốn năm 2024 trong tháng 3/2024. Hướng phấn đấu chung của tỉnh đối với kế hoạch vốn 2022 kéo dài sang năm 2023: đến tháng 12/2023 giải ngân 80% kế hoạch vốn, đến tháng 6/2024 giải ngân 100%. Đối với kế hoạch vốn 2023, đến tháng 8/2024 giải ngân 80% và đến tháng 12/2024 giải ngân 100%. Trong đó ưu tiên tập trung giải ngân dứt điểm vốn ngân sách Trung ương, sau đó đến ngân sách tỉnh. Đối với kế hoạch vốn năm 2024, khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư trong tháng 3/2024, tổ chức triển khai thi công, phấn đấu đến tháng 12/2024 giải ngân 100%.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO