Mô hình chuyển giao tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) từ UBND xã sang bưu điện văn hóa xã đã được triển khai thí điểm ở nhiều địa phương, góp phần xây dựng, phục vụ nền chính quyền điện tử của tỉnh.
Cải cách hành chính
Tại các huyện Tiên Phước, Phú Ninh, Nông Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên và Đại Lộc, mô hình chuyển giao tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện (BĐ) đã và đang được triển khai thí điểm, từng bước nhân rộng ra toàn tỉnh. Theo quy chế ký kết giữa UBND các xã Tiên Mỹ (Tiên Phước), Tam Lộc (Phú Ninh), Bình Triều (Thăng Bình), Đại Hồng (Đại Lộc), Quế Lộc (Nông Sơn) và Duy Vinh (Duy Xuyên) và các BĐ văn hóa xã trực thuộc BĐ các huyện và BĐ tỉnh Quảng Nam, UBND các xã trên chuyển Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả sang BĐ văn hóa xã để phối hợp triển khai nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Chuyển giao cho nhân viên BĐ tiếp nhận TTHC đơn giản. Ở giai đoạn 1, UBND các xã nói trên có trách nhiệm hướng dẫn tập huấn và chuyển giao dần cho nhân viên BĐ văn hóa xã tiếp nhận TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp hộ tịch. Giai đoạn 2, rà soát các TTHC đơn giản, yêu cầu thủ tục hành chính không phức tạp, hướng dẫn và chuyển giao dần cho nhân viên BĐ tiếp nhận. UBND các xã chủ trì công khai đầy đủ, kịp thời bằng phương tiện điện tử hoặc bằng văn bản danh mục TTHC được thực hiện tại bộ phận một cửa. UBND các xã phối hợp với BĐ và các cơ quan có liên quan xử lý việc giải quyết hồ sơ, kết quả bị sai, bị mất, bị thất lạc hoặc bị hư hỏng và trong chậm trả kết quả theo quy định tại Điều 21, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ...
Ông Trần Việt Hùng - Giám đốc BĐ Quảng Nam chia sẻ, thời gian qua, BĐ Quảng Nam đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đề xuất nhiều giải pháp phối hợp và chuyển giao các nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công trên địa bàn như: chi trả lương hưu và các chế độ BHXH, chi trả chế độ bảo trợ xã hội, người có công… Ở lĩnh vực tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC, BĐ Quảng Nam làm việc và thống nhất triển khai dịch vụ bưu chính công ích phục vụ cho người dân tại tất cả sở, ngành, địa phương ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Các nhóm TTHC được chuyển giao và tiếp nhận chuyển giao gồm: liên thông TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; liên thông các TTHC về đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú của người chết; đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp theo Điều 3 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT. Kế hoạch chuyển giao tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC từ UBND xã sang BĐ văn hóa xã là nhiệm vụ nhằm thực thi Quyết định số 143/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công qua dịch vụ bưu chính công ích tại Quảng Nam theo Quyết định 45/2016/QĐ-TTg. Lần này, UBND tỉnh thống nhất thí điểm chuyển giao bộ phận một cửa của 5 UBND huyện và 7 UBND xã sang BĐ. “Đây là chủ trương góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong CCHC; góp phần thực hiện được mục tiêu triển khai chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và xã hội” - ông Hùng nói.
Nỗ lực phối hợp
Tại xã Bình Triều, ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã chia sẻ, việc tiếp nhận và giải quyết các TTHC tại UBND xã luôn trong tình trạng quá tải, không chỉ giải quyết nhiệm vụ trên địa bàn xã, địa phương còn giải quyết các thủ tục công chứng giấy tờ cho người dân các xã xa xôi, đi lại khó khăn. Không chỉ hồ sơ đơn giản, địa phương gặp khó khăn trong giải quyết các hồ sơ, thủ tục phức tạp, các hồ sơ khiếu kiện, hồ sơ về đất đai. “Việc chuyển Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sang BĐ văn hóa xã để phối hợp triển khai nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn có nhiều vấn đề phải quan tâm. Đó là, cán bộ BĐ chưa tiếp xúc với nhiều địa bàn, khu dân cư, chưa nắm bắt hết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nên chắc chắn thời gian đầu, việc tiếp nhận, giải quyết các TTHC sẽ gặp khó. Cán bộ xã phải vừa làm việc tại trụ sở UBND xã, vừa ở BĐ văn hóa xã nên áp lực thời gian, công việc sẽ tăng. Mong tỉnh, huyện quan tâm, hỗ trợ để cán bộ xã, cán bộ BĐ yên tâm làm tốt công tác chuyên môn, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp” - ông Ba nói.
Ông Hồ Chánh Lập - Chủ tịch UBND xã Quế Lộc (Nông Sơn) chia sẻ, UBND xã đã cử cán bộ xã phối hợp với nhân viên BĐ hỗ trợ tiếp nhận, giải quyết các TTHC. Giai đoạn đầu sẽ khó khăn vì cán bộ BĐ văn hóa xã vừa tiếp cận các lĩnh vực mới mẻ, chưa hiểu việc. Đây là giai đoạn tinh giảm biên chế, chắc chắn sẽ tiếp tục thiếu cán bộ ở xã nên công tác phối hợp sẽ gặp khó. Vì nhiệm vụ chung, địa phương sẽ tích cực cử cán bộ tăng cường hỗ trợ, chuyển giao việc tiếp nhận, giải quyết TTHC tại BĐ văn hóa xã. Còn ông Trần Hữu Ích - Bí thư Chi bộ thôn Cẩm Long (xã Tam Lộc, Phú Ninh) bày tỏ: “Thời gian qua, việc giải quyết các TTHC trên địa bàn xã Tam Lộc luôn trong tình trạng quá tải, nhất là nhiều hồ sơ có quy định thời gian cụ thể. Mong rằng, từ sự phối hợp giữa UBND xã và BĐ văn hóa xã Tam Lộc, người dân và doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, giải quyết TTHC nhanh hơn, tiện lợi hơn. Chúng tôi cũng vui mừng khi thấy rằng, BĐ văn hóa xã lâu nay vắng vẻ, ít người dân đến thì nay, ngành BĐ có sự đầu tư trụ sở khang trang, tiện lợi hơn, tạo điều kiện cho người dân đến giao dịch”.