Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở các đơn vị sự nghiệp: Chậm chạp những bước đầu

VĨNH LỘC - LÊ QUÂN 25/08/2018 01:10

Các địa phương đang khẩn trương xây dựng và thực hiện các đề án sáp nhập, tinh giản biên chế ở một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp huyện, thành phố. Câu chuyện đặt ra rằng liệu việc giảm số lượng các cơ quan hành chính cấp cơ sở và tinh giản đội ngũ cán bộ có trở thành khâu đột phá để mang đến một bức tranh mới từ các mô hình này?

Trung tâm văn hóa Hội An với các hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trung tâm văn hóa Hội An với các hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

TRỞ VỀ "MÁI NHÀ CHUNG"

Đài Truyền thanh - truyền hình (TTTH) và Trung tâm Văn hóa - thể thao (VHTT) cấp huyện, thành phố sẽ về chung một mái nhà. Phương án này đang được các địa phương tiến hành từng bước theo lộ trình tinh giản…

Sắp xếp hệ thống đài TTTH

Hầu hết địa phương đang đi từng bước chắc chắn để thực hiện việc tinh giản, sáp nhập một cách khoa học, minh bạch và công khai. Từ tinh thần của Nghị quyết 18, 19 của Trung ương Đảng (khóa XII), “sáp nhập các trung tâm VH, trung tâm TT, nhà VH… trên địa bàn cấp huyện thành một đầu mối”, Quảng Nam đã có hướng dẫn cụ thể để cấp huyện xây dựng đề án. Chương trình hành động do Tỉnh ủy ban hành và trong cuộc họp HĐND hồi giữa tháng 7, Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2018 - 2021 được UBND tỉnh tiếp tục được mang ra mổ xẻ, góp ý. Hiện tại, riêng ở lĩnh vực VH, một số địa phương đang lên phương án sáp nhập trung tâm VHTT, trung tâm TT, đài TTTH, nhà VH thành một đầu mối.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, việc sáp nhập các đơn vị hành chính sự nghiệp như thế này là thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Theo tinh thần đó, những cơ quan có nhiệm vụ tương đồng hoặc chồng chéo nhau sẽ được sắp xếp lại. Việc sắp xếp này sẽ giảm số cán bộ quản lý và một số bộ phận kèm theo.

Phóng viên đài huyện tác nghiệp.
Phóng viên đài huyện tác nghiệp.

Các đài TTTH cấp huyện hiện tại trực thuộc sự quản lý của chính quyền cấp huyện, trong khi trước đây, hệ thống này trực thuộc quản lý của đài PTTH tỉnh. Lãnh đạo một đài TTTH cấp huyện chia sẻ, khi trực thuộc đài tỉnh, việc tác nghiệp có nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, sau đó đài TTTH huyện được giao về cho địa phương quản lý, hoạt động như một đơn vị sự nghiệp độc lập cấp cơ sở, với nhiệm vụ như một kênh tuyên truyền của địa phương, thì phạm vi và mức độ phản ánh lại khác. Đến nay tiếp tục thực hiện sáp nhập cùng các trung tâm VHTT, nhà VH, thì dẫu nhiệm vụ chức năng không thay đổi, nhưng họ băn khoăn liệu cơ chế hoạt động và xuất bản tin tức có được thực hiện như trước? Trong khi đó, nếu theo đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng TH mặt đất của Bộ Thông tin Truyền thông, thì các đài cấp huyện phải dừng phát sóng, tiếp sóng tất cả kênh chương trình TH trên hạ tầng truyền dẫn phát sóng TH tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng TH số. Vì vậy, các đài TTTH huyện chỉ còn tập trung sản xuất và phát các chương trình truyền thanh.

Nhiều băn khoăn

Bên cạnh việc sáp nhập đài TTTH, trung tâm VH, TT về cùng một đầu mối, Nghị quyết 18, 19 của Trung ương Đảng (khóa XII) cũng như Chương trình hành động của Tỉnh ủy yêu cầu các lĩnh vực y tế và giáo dục sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp của ngành mình theo hướng hợp nhất. Có thể khẳng định việc sáp nhập, sắp xếp dù phù hợp, khoa học nhưng chắc chắn vẫn tác dộng, ảnh hưởng đến một số cơ quan đơn vị, nhất là đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động. Bà Hồ Thị Bích - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Điện Tiến, Điện Bàn) cho biết, việc sáp nhập có những mặt được như học sinh, giáo viên đông hơn, thuận lợi cho hoạt động của trường nhưng ban giám hiệu cũng sẽ vất vả vì phải phân tán làm việc, quản lý ở 2 địa điểm trường (cơ sở chính và cơ sở phụ). “Tôi mong muốn thị xã tính như thế nào để đảm bảo quyền lợi, chế độ của anh chị em dôi dư ra chứ không phải vì tinh giảm mà cho họ nghỉ việc” - bà Bích chia sẻ. Tương tự, ông Trương Công Niên - Phó Trưởng phòng Y tế Điện Bàn cho rằng, việc giải thể, sáp nhập phòng y tế tạm thời sẽ có những tác động, do việc tinh giảm biên chế sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn. “Trong 5 người của  phòng hiện 1 người đã qua thanh tra, nếu sau này nhập nữa thì một số người phải đưa đi các phòng khác, phòng y tế khi đó sẽ thiếu rất nhiều” - ông Niên nói.

Ông Nguyễn Văn Việt - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Duy Xuyên cho biết, huyện này đã dự thảo đề án sáp nhập một số cơ quan, đơn vị và đang gửi lên Sở Nội vụ chờ ý kiến. Trong đó, tập trung theo 3 nội dung: sáp nhập trung tâm VHTT và đài truyền thanh, sáp nhập ban quản lý đầu tư với trung tâm phát triển quỹ đất và sắp xếp lại các hội trên địa bàn huyện. “Cái thuận lợi là bây giờ mình sắp xếp về mặt cơ học, chức năng nhiệm vụ nào giống nhau thì mình nhập vô thành một. Hiện chúng tôi chờ Sở Nội vụ hướng dẫn cụ thể các tổ chức, cơ quan nào có tương đồng với nhau thì sẽ làm. Thực tế tỉnh cũng chỉ mới thống nhất về mặt chủ trương chứ chưa có hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi chỉ dự thảo trên cơ sở về mặt cơ học vì theo quy định Duy Xuyên là đơn vị hành chính cấp hai được bố trí tối đa không quá 11 phòng, ban. Ngoài việc xây dựng đề án sáp nhập trung tâm VHTT và đài truyền thanh (đang chờ ý kiến của cơ quan thường trực và HĐND), trước mắt Duy Xuyên chỉ giải thể phòng y tế, chuyển đổi chức năng nhiệm vụ về văn phòng HĐND, UBND” - ông Việt nói.

Theo ông Việt, khó khăn hiện nay là các đơn vị có số lượng lao động nhiều, bây giờ sáp nhập lại dôi dư ra phải có phương án động viên cho họ nghỉ. Trong đó, đa số người đã có thâm niên hơn 10 năm, họ cũng rất nhiều tâm tư nguyện vọng nên khi mình làm cũng rất băn khoăn, trăn trở và lúng túng. “Đến bây giờ trước mắt cũng mới xây dựng đề án, tổ chức cụ thể rồi xây dựng đề án vị trí việc làm, bao nhiêu vị trí, ráp con người vô, còn dư ra lúc đó phòng mới tham mưu cho UBND huyện phương pháp cụ thể giải quyết, bố trí… Duy Xuyên chỉ có 111 biên chế hành chính tuy nhiên đề án vị trí việc làm của tỉnh phê duyệt đến năm 2021 chỉ còn 99 biên chế” - ông Việt cho biết thêm.   

Vấn đề băn khoăn nhất hiện nay của các cơ quan sẽ thực hiện sáp nhập chính là nguồn nhân lực và kinh phí hoạt động. Sắp xếp như thế nào để việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được bảo đảm cũng như cán cân tài chính sẽ được phân bổ hợp lý, điều này cần một hoạch định rõ ràng và dài hơi.

QUAN TRỌNG NHẤT VẪN LÀ NHÂN LỰC

Việc sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế được HĐND tỉnh xác định là phải theo lộ trình và công khai, minh bạch. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nhân lực.

 “Đề án tinh giản biên chế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2021” vừa được trình thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh cho thấy biên chế công chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh hiện nay là 3.344 người, giảm 265 biên chế so với chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao năm 2015. Năm 2019, địa phương phấn đấu giảm 309 biên chế; năm 2020 giảm 355 biên chế và đến năm 2021 giảm 410 biên chế. Bên cạnh đó, căn cứ thẩm định của Bộ Nội vụ, để đạt mục tiêu giảm ít nhất 10% so với biên chế HĐND tỉnh phê duyệt thì biên chế viên chức của tỉnh trong giai đoạn 2018 - 2021 phải giảm ít nhất hơn 2.600 người, đến năm 2021 giảm còn hơn 30.500 người (bình quân mỗi năm giảm 650 người).

Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết, việc sắp xếp phải đảm bảo chức năng nhiệm vụ, xác định những điều kiện để các đơn vị hoạt động hiệu quả. Và cuối cùng vẫn là nhân lực đáp ứng cho công việc. “Theo chủ trương Trung ương sắp xếp thì các cơ quan đơn vị phải tinh gọn lại. Quảng Nam xác định phải xem xét các mối quan hệ giữa đơn vị sự nghiệp với nhau, một mặt đảm bảo hợp lý nhưng vẫn phải đảm bảo tính công khai minh bạch, dân chủ và công bằng giữa các ngành với nhau. Vì sao ngành này phải sáp nhập mà ngành kia thì không. Từ nay đến năm 2019 – 2020, phục vụ cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng thì mọi việc phải được tính toán” - ông Hồng nói. Việc sắp xếp lại công việc, giảm biên chế được làm theo lộ trình đến năm 2020, và trên cơ sở vị trí việc làm chứ không phải cắt theo kiểu phổ thông hay cơ học. Ông Võ Hồng nói, không để xảy ra tình trạng lúc người lao động còn trẻ thì hào hứng chiêu hiền đãi sĩ, kêu gọi họ về làm việc, tới khi họ có tuổi thì lại xử lý không khéo với họ. “Ưu tiên hàng đầu vẫn là những người đủ hoặc gần đủ tuổi nghỉ hưu, khuyến khích cán bộ này nghỉ hưu trước tuổi. Tỉnh đang yêu cầu UBND tỉnh dành một nguồn ngân sách nhất định để hỗ trợ những người tự nguyện xin về hưu trước tuổi để động viên cán bộ đã cống hiến cho sự phát triển của tỉnh nói riêng” - ông Hồng nói thêm.

Với những đối tượng lao động hợp đồng, cách đây hơn 2 năm Quảng Nam đã yêu cầu các cơ quan đơn vị không ký thêm các hợp đồng lao động, trừ số hợp đồng cũ. Ông Hồng nói với số lao động cũ đã ký hợp đồng mà vượt qua các cuộc thi viên chức thì trở thành viên chức, công chức, ai không đậu thì chấm dứt hợp đồng. “Từ nay trở đi không cho ký thêm lao động hợp đồng ngắn hạn nữa. Điều này khắc phục được tình trạng lâu nay chúng ta ký hợp đồng lao động tràn lan ở các cơ quan, dẫn đến việc thừa nhân lực” - ông Võ Hồng nói thêm.

HỘI AN KHẨN TRƯƠNG SÁP NHẬP

Có hoạt động phát triển kinh tế đặc thù, nhưng Hội An vẫn đang nỗ lực giảm sự cồng kềnh của bộ máy hành chính…

TTVH Hội An với các hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp.
TTVH Hội An với các hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, việc quản lý các hoạt động du lịch ở Hội An vẫn còn những vấn đề cần bàn. Đơn cử như có nên tách văn phòng hướng dẫn tham quan phố cổ ra khỏi trung tâm VHTT hay không, dù cách đây 5 năm cũng đã bàn đến chuyện này. Riêng phòng thương mại và du lịch đã giải thể từ ngày 30.6, trong đó bộ phận quản lý du lịch thì nhập vào phòng VHTT, bộ phận thương mại được nhập vào phòng kinh tế. “Nghị định 37 không có phòng thương mại - du lịch, chưa kể quy định các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh tối đa 12 phòng ban, nhưng Hội An có 13 phòng ban và cũng chỉ mình Hội An có phòng thương mại - du lịch, nó tồn tại hồi đó đến giờ. Thành phố xin tỉnh cho Hội An cơ chế đặc thù vì mình phát triển kinh tế du lịch là mũi nhọn nhưng sau đó tỉnh không cho và Bộ Nội vụ cũng không đồng ý nên bây giờ buộc phải giải thể sáp nhập phòng này” - ông Nguyễn Văn Dũng nói.

Với việc sáp nhập đài TTTH và trung tâm VHTT, Hội An đang làm phương án hợp nhất theo tinh thần của Nghị quyết 19. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VHTT Hội An cho biết, phòng nội vụ sẽ tính toán tham mưu sắp xếp về nhân sự, cũng như bổ sung thêm chức năng cho trung tâm theo hướng có thêm chức năng truyền thông trên cơ sở duy trì nhân sự hiện có của 2 cơ quan. Riêng về lãnh đạo có thể phụ trách bên này kiêm nhiệm bên kia, dự kiến trong quý III.2018 này sẽ làm xong nhân sự. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, so với các địa phương khác, Trung tâm VHTT Hội An quá đông (gần 180 người), tuy vậy việc nhập thêm đài TTTH vào cũng không ảnh hưởng gì vì cơ quan này hiện chỉ có 11 nhân sự. Trung tâm VHTT Hội An lại là đơn vị sự nghiệp với mức thu tài chính độc lập khá cao, hoạt động chuyên môn lại dày dặn theo hướng thương mại, dịch vụ. Khi hợp nhất cùng đài TTTH, theo đánh giá của chính quyền địa phương, mỗi đơn vị sẽ vẫn tiếp tục thực hiện công việc mình đang đảm trách và Trung tâm VHTT Hội An sẽ kiêm thêm nhiệm vụ truyền thông từ đài TTTH.

 Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Sắp tới Hội An cũng sẽ tiến hành sáp nhập trung tâm phát triển quỹ đất với ban quản lý dự án các công trình. Còn một số đơn vị đang triển khai sáp nhập như Ban Tổ chức Thành ủy với phòng nội vụ; ủy ban kiểm tra với thanh tra nhà nước. Nói chung việc sáp nhập các phòng ban như phòng thương mại và du lịch vừa qua hay một số cơ quan sắp tới đều được triển khai suôn sẻ. Hiện các đơn vị liên quan đang xây dựng phương án,  đưa ra góp ý xong thì báo cáo cho Ban Thường vụ Thành ủy, trong báo cáo đó sẽ có đề án về nhân sự, dự kiến cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 thì tổ chức sáp nhập” - ông Dũng chia sẻ thêm.

TÌM HƯỚNG GIẢI QUYẾT CÔNG CHỨC DÔI DƯ

Tập trung giải quyết số lượng cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp tinh giảm là nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương. Câu chuyện sắp xếp nhân sự từ thị xã Điện Bàn là một ví dụ…

TTVH Điện Bàn tổ chức hoạt động thể thao.
TTVH Điện Bàn tổ chức hoạt động thể thao.

Dôi dư nhiều

Theo Đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, đơn vị Nhà nước trực thuộc thị xã Điện Bàn, hiện thị xã có 12 cơ quan chuyên môn hành chính, 9 đơn vị sự nghiệp, 10 hội đặc thù cấp thị xã, 70 trường học, 20 xã, phường, 137 hội cấp xã và 182 thôn, khối phố. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hơn 4.500 người. Trong đó, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn và khối phố hơn 800 người. Tuy nhiên, do số lượng các đơn vị trung gian, có cùng chức năng hoặc chức năng tương đồng chưa được sắp xếp hợp lý, dẫn đến thủ tục hành chính rườm rà, công việc chậm được giải quyết. Cụ thể, hiện khối sự nghiệp văn hóa thông tin có 2 đơn vị là trung tâm VHTT và đài TTTH. Khối sự nghiệp gồm 7 đơn vị là ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; trung tâm phát triển cụm công nghiệp - thương mại - dịch vụ; đội kiểm tra quy tắc đô thị, các trung tâm kỹ thuật nông nghiệp, phát triển quỹ đất; giải phóng mặt bằng; tư vấn xây dựng. Riêng hội đặc thù cấp thị xã có 10 hội gồm các hội chữ thập đỏ, người mù, tù yêu nước, cựu thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, khuyết tật, khuyến học, từ thiện, đông y và ban đại diện hội người cao tuổi.

Ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, đơn vị Nhà nước trực thuộc thị xã đã được trình UBND tỉnh chờ phê duyệt. Trước mắt, tập trung vào khối trường học, cụ thể là khối trường cấp 1. Hiện Điện Bàn có 70 trường thuộc thẩm quyền quản lý của thị xã,  gồm 18 trường trung học cơ sở, 32 trường tiểu học, 20 trường mầm non. Với nguyên tắc những trường nào dưới 30 lớp phải sáp nhập lại, dự kiến sẽ có 10 trường được sáp nhập thành 5 trường. Với việc sáp nhập, sắp xếp các chức danh hay hội, đoàn thể như chủ tịch mặt trận kiêm trưởng ban dân vận; trưởng ban tuyên giáo kiêm hiệu trưởng trường chính trị hay hội từ thiện, da cam, khuyết tật; thanh niên xung phong, người cao tuổi… cơ bản đã chuẩn bị xong. “Nguyên tắc sắp xếp, kiện toàn phải đảm bảo cùng nhóm nhiệm vụ, phù hợp với các điều kiện về kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh chia nhỏ, phân tán hoặc chồng chéo nhiệm vụ. Riêng việc sáp nhập các hội phải cùng tính chất, đặc điểm nhằm tinh giản đội ngũ quản lý điều hành, giảm chi phí hoạt động thường xuyên mà vẫn đảm bảo đầy đủ chức năng hoạt động của các tổ chức hội, tăng cường xã hội hóa các hội. Tinh thần là chúng tôi sẵn sàng triển khai sau khi tỉnh phê duyệt” - ông Úc nói.

Kết nối doanh nghiệp

Theo ông Trần Úc, bên cạnh những khó khăn thì Điện Bàn vẫn có những thuận lợi nhất định. Thứ nhất là đội ngũ cán bộ đến tuổi nghỉ hưu nhiều. Thứ hai, doanh nghiệp nhiều nên có thể tiếp nhận một phần cán bộ dôi dư ra (khối viên chức các đơn vị sự nghiệp, chưa kể giáo dục và khối hành chính dôi dư khoảng 40 người). Tuy nhiên, một khó khăn là chỉ tiêu biên chế của tỉnh giao cho địa phương ít. Cụ thể, Điện Bàn có 235 nghìn dân, địa bàn rộng nhưng chỉ có 125 biên chế nên rất khó khăn vì khối lượng công việc nhiều. Trong khi số viên chức hợp đồng rất nhiều, bây giờ sắp xếp phòng ban nào cũng ảnh hưởng. Khó khăn nhất là sáp nhập các trường tiểu học. Sẽ có 10 trường tiểu học thuộc các xã Điện Hòa, Điện Tiến, Điện Quang, Điện Phong, Điện Minh được sáp nhập lại thành 5 trường.

Dù trường lớp vẫn giữ nguyên như vậy nhưng sẽ dôi dư cán bộ quản lý, hành chính như hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán, thư viện… “Bây giờ xử lý bằng cách hiệu trưởng xuống làm hiệu phó, hiệu phó xuống làm giáo viên, nhưng với các chức danh như kế toán, thư viện thì không biết đi đâu, nên có thể lúc đó sẽ có những tiêu chí được đưa ra hoặc thăm dò, giáo viên tự đánh giá…, thành ra anh em cũng tâm tư lắm. Riêng khối hành chính, thị xã sẽ mời tất cả doanh nghiệp trên địa bàn (500 doanh nghiệp) vận động họ nhận số cán bộ dôi dư (khoảng 40 người). Hồi đầu năm họp mặt các doanh nghiệp tôi cũng nói chuyện đó, đa phần doanh nghiệp đều đồng ý. Nếu đề án được tỉnh duyệt sớm thì có thế trong tháng 9 này sẽ triển khai để đầu năm kế hoạch giao luôn. Nói chung, khối sự nghiệp là sáp nhập một số đơn vị, khối hành chính chủ yếu cắt giảm” - ông Úc cho biết thêm.

VĨNH LỘC - LÊ QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở các đơn vị sự nghiệp: Chậm chạp những bước đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO