Sắp xếp lại Sở VH-TT&DL

VĨNH LỘC 17/11/2018 08:50

(QNO) - Ban Quản lý quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng sáp nhập vào Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng; Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng cùng Tạp chí Văn hóa Quảng Nam sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa Quảng Nam… là những nội dung quan trọng tại buổi góp ý dự thảo Đề án “Sắp xếp tổ chức bộ máy Sở VH-TT&DL”, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì ngày 16.11.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì buổi góp ý
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì buổi góp ý sắp xếp lại Sở VH-TT&DL. Ảnh: VĨNH LỘC

Hoàn thành sắp xếp trước 1.1.2019

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, cơ cấu tổ chức của sở hiện tại gồm: ban giám đốc (1 giám đốc, 3 phó giám đốc), 9 phòng và 12 đơn vị sự nghiệp. Tổng số người làm việc tính đến ngày 31.10 là 384 người (biên chế: 233 người; hợp đồng 68: 21 người; hợp đồng: 130 người).

Theo ông Hồng, dù số lượng đông nhưng hiệu quả công việc không cao do sắp xếp bộ máy chưa hợp lý. Chức năng, nhiệm vụ ở một số đơn vị có sự chồng chéo; một số phòng, đơn vị có nhiệm vụ tương đồng, hỗ trợ, liên thông nhưng còn cắt khúc. Chất lượng công chức, viên chức ở một số vị trí chưa phù hợp, chưa đảm bảo yêu cầu… Do đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả là cần thiết.   

“Sau khi sắp xếp sẽ giảm 9 phòng hiện tại xuống còn 7 phòng. Cụ thể, sáp nhập Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Tài chính kế hoạch vào Văn phòng với tên gọi là Văn phòng sở, lộ trình hoàn thành trước ngày 1.1.2019; đổi tên gọi Phòng Quản lý lưu trú thành Phòng Nghiệp vụ du lịch; đổi tên Phòng Quản lý lữ hành thành Phòng Quy hoạch và phát triển tài nguyên du lịch. Đồng thời giữ nguyên các phòng: Thanh tra, Quản lý văn hóa, Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đinh, Nghiệp vụ thể thao” - ông Hồng cho biết.

Quảng Nam là vùng đất sở hữu nhiều loại hình dân ca nên sự tồn tại của Đoàn Ca kịch là cần thiết
Quảng Nam là vùng đất sở hữu nhiều loại hình dân ca nên sự tồn tại của Đoàn Ca kịch là cần thiết. Ảnh: VĨNH LỘC

Với 12 đơn vị trực thuộc sở, sau khi tinh gọn sẽ còn 9 đơn vị. Cụ thể, chuyển giao 8 Đội chiếu bóng lưu động tại các huyện miền núi do Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam quản lý hiện nay về UBND 8 huyện miền núi quản lý (Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang); sáp nhập bộ phận còn lại của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam (Văn phòng và Đội chiếu bóng liên huyện) vào Trung tâm Văn hóa Quảng Nam.

Hợp nhất Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam với Bảo tàng Quảng Nam (hoặc với Ban Quản lý quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng). Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và du lịch Quảng Nam sáp nhập với các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh theo chủ trương của UBND tỉnh (trở thành Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam).

Giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp: Thư viện, Đoàn Ca kịch, Tạp chí Văn hóa, Trung tâm TD-TT, Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT, Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam, Bảo tàng (hoặc Ban Quản lý quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng).

Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Quảng Nam có thể không đặt ở Hội An
Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam có thể không đặt ở Hội An. Ảnh: VĨNH LỘC

Cần phù hợp thực tế Quảng Nam

Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, đại diện một số sở ngành liên quan cho rằng, dự thảo Đề án “Sắp xếp tổ chức bộ máy Sở VH-TT&DL” vẫn chưa thật sự tinh gọn. Theo ông Lưu Tấn Lại - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nên sáp nhập Phòng Quản lý lưu trú và Phòng Quản lý lữ hành thành một; sáp nhập Tạp chí Văn hóa và Đoàn Ca kịch vào Trung tâm Văn hóa; Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam sáp nhập với Ban Quản lý quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng; Trung tâm TD-TT và Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT sáp nhập thành một…

Tuy nhiên, ông Võ Văn Viên - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh bày tỏ, nên giữ lại Đoàn Ca kịch vì Quảng Nam là vùng đất có nhiều loại hình dân ca như bài chòi, hát tuồng. Trong đó bài chòi đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, nên cần được truyền nghề nhằm phát huy nhân rộng như các loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống khác.

Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nên việc tạo cơ chế cho du lịch phát triển là cần thiết
Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nên việc tạo cơ chế cho du lịch phát triển là cần thiết. Ảnh: VĨNH LỘC

Đồng tình ý kiến trên, ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, mọi góp ý nên hướng đến mục đích cuối cùng là giúp cho ngành VH-TT&DL mạnh hơn. “Trong khi Đà Nẵng có hẳn một Sở Du lịch thì mình lại đề xuất nhập 2 phòng du lịch lại thành một. Nếu nói du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì chúng ta hãy quan tâm cho nó phát triển. Tương tự, Quảng Nam có tuồng, bài chòi được vinh danh cùng hàng chục câu lạc bộ hát tuồng, dân ca đang hoạt động ở cơ sở, vì vậy hãy tạo cho nó một cơ chế để phát triển. Nên giữ lại Đoàn Ca kịch nhằm làm hạt nhân bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa này” - ông Cường phân tích.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, việc tinh giảm vừa phải đúng với chủ trương, nghị quyết của Trung ương nhưng cũng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đồng thời cũng hợp lý hợp tình. “Thống nhất sáp nhập Trung tâm TD-TT, Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT thành một; sáp nhập Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam với Ban Quản lý quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng; Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam để nguyên nhưng phải nghiên cứu không thể chỉ ở Hội An. Riêng với 2 phòng du lịch sẽ có 2 phương án: sáp nhập thành một hoặc giữ lại và đổi tên như đề án đề xuất. Tương tự, Đoàn Ca kịch Quảng Nam cũng có 2 phương án: nhập vào Trung tâm Văn hóa hoặc giữ nguyên và củng cố đầu tư tốt hơn để phát triển. Sau khi sắp xếp, Sở VH-TT&DL phải xây dựng lại đề án bố trí việc làm mới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chỉ đạo.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp lại Sở VH-TT&DL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO