Cuối tuần qua, chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện chủ trương sắp xếp thôn/tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định: Xét thấy trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh lại cho đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ, chất lượng hoạt động và phù hợp với quy định tại Thông tư 14 ngày 3.12.2018 của Bộ Nội vụ, các địa phương rà soát, nghiên cứu đề xuất, song phải hạn chế thấp nhất sự xáo trộn, giữ ổn định là cốt yếu, chỉ xem xét điều chỉnh trở lại đối với những địa bàn thật sự rất cần thiết.
Địa bàn rộng đề nghị chia tách
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đại diện thôn/tổ dân phố, chính quyền các địa phương đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương sắp xếp một số thôn/tổ dân phố có diện tích quá lớn, địa bàn quá rộng.
Ông Trịnh Xuân Hải - Trưởng thôn Xuân Kỳ (xã Điện Quang, Điện Bàn) cho biết, khi mới sáp nhập thôn có 458 hộ với 1.864 khẩu, nay có 501 hộ với gần 2.000 khẩu. Địa bàn thôn rộng hơn nhưng bị đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đường sắt đi ngang chia cắt thành các khu dân cư, rất khó khăn cho việc đi lại sinh hoạt, hội họp của người dân.
“Thôn vẫn duy trì hai tổ trưởng đoàn kết, nhân dân hai địa bàn không thể sinh hoạt chung với nhau. Các chi hội, đoàn thể cũng được tổ chức thành hai phân hội ở khu vực Xuân Đài và Kỳ Lam.
Các chi ủy, ban nhân dân thôn phải sinh hoạt hai lần tại hai địa bàn. Từ thực tiễn hoạt động sau thời gian sắp xếp vừa qua, chúng tôi kiến nghị tỉnh xem xét cho tách thôn Xuân Kỳ ra lại làm hai thôn như trước đây” - ông Hải nói.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP. Hội An cho rằng, Thông tư số 14 của Bộ Nội vụ quy định về quy mô số hộ gia đình ở thôn là từ 250 hộ trở lên, tổ dân phố từ 300 hộ gia đình trở lên.
Đối chiếu với quy định này, thành phố có 44 thôn/tổ dân phố đạt tiêu chuẩn; 10 thôn/tổ dân phố đạt trên 50% tiêu chuẩn và không có thôn/tổ dân phố có số hộ gia đình dưới 50% tiêu chuẩn.
Có nhiều thôn/tổ dân phố quy mô số hộ gia đình lớn hơn rất nhiều so với quy định, cụ thể như khối phố Thanh Chiếm (phường Thanh Hà) có 695 hộ; thôn Bàu Ốc (xã Cẩm Hà) có 673 hộ.
“Với diện tích rộng, dân số đông như hiện nay, một số thôn/tổ dân phố trên địa bàn thành phố gặp khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động. Vì vậy, để đảm bảo hoạt động của thôn/tổ dân phố trên địa bàn thành phố, đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương sắp xếp một số thôn, khối phố có diện tích quá lớn, địa bàn quá rộng” - ông Sơn kiến nghị.
Đồng tình với kiến nghị trên, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói thêm: “Một số thôn/tổ dân phố theo quy định tại Thông tư 14 được bố trí 1 phó trưởng thôn/tổ dân phố trong trường hợp cần thiết, nhưng trong Nghị quyết 02 ngày 21.4.2020 của HĐND tỉnh không quy định mức phụ cấp (mức bồi dưỡng) cho nên đối tượng này chưa được hưởng chế độ”.
Đề xuất điều chỉnh nghị quyết
Theo bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ, khi tỉnh gần hoàn thành việc sắp xếp thôn/tổ dân phố theo Thông tư số 09, Bộ Nội vụ tiếp tục ban hành Thông tư số 14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04, đồng thời bãi bỏ Thông tư số 09. Thông tư số 14 quy định về quy mô số hộ gia đình đối với thôn là từ 250 hộ trở lên (thôn ở xã biên giới, hải đảo là từ 100 hộ trở lên), tổ dân phố là từ 300 hộ gia đình trở lên.
Đối chiếu với quy định này, tính đến hết ngày 31.7.2021, toàn tỉnh có 846 thôn/tổ dân phố đạt tiêu chuẩn, 394 thôn/tổ dân phố không đạt tiêu chuẩn (trong đó có 83 thôn đạt dưới 50% tiêu chuẩn quy định).
Đặc biệt, có nhiều thôn có quy mô số hộ gia đình lớn hơn rất nhiều so với quy định. Với diện tích rộng, dân số đông, một số thôn gặp khó khăn trong các hoạt động điều hành ở các khu dân cư, nhất là trong công tác quản lý, tuyên truyền, tổ chức các hoạt động, vận động thu các khoản thu nghĩa vụ công dân.
Nhiều thôn/tổ dân phố là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự nên khó khăn trong công tác quản lý, dẫn đến tình hình tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, điển hình là một số thôn/tổ dân phố ở Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ…
Trao đổi tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ghi nhận sự cống hiến của lực lượng hoạt động không chuyên trách ở thôn/tổ dân phố. Không phải là cấp chính quyền, nhưng thôn tổ chức hoạt động rất nhiều, nếu không tâm huyết, trách nhiệm với phong trào địa phương, cuộc sống của nhân dân thì không dễ gì khắc phục được các khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ ở cơ sở. Gần đây, đặc biệt trong hai năm 2020 - 2021, với sự tham gia của tổ Covid-19 cộng đồng, khắc phục thiên tai…, phải nói việc phát huy hiệu quả hoạt động ở các cấp cơ sở, dưới cơ sở có ý nghĩa rất lớn trong ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, bất cứ một cuộc sắp xếp nào cũng có những mặt thuận lợi và khó khăn, có địa phương gặp khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện sắp xếp, xét về cơ bản Quảng Nam đã hoàn thành được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, không có những vấn đề gì quá phức tạp, phát sinh điểm nóng ở địa bàn thôn/tổ dân phố.
Bây giờ cấp ủy, chính quyền địa phương phải lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của thôn, nhất là sau khi sáp nhập. Những tồn tại nếu còn, như tên gọi, việc thay đổi các giấy tờ liên quan đến cá nhân phải khẩn trương hoàn thành, không để kéo dài. Sau khi sáp nhập, nhiều nhà văn hóa thôn/ tổ dân phố, không còn nhu cầu sử dụng, các địa phương phải có phương án quản lý, sử dụng và khai thác, không để xuống cấp, hư hỏng.
Địa phương chủ động có kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở VH-TT&DL nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ để điều chỉnh nâng cấp, mở rộng các nhà văn hóa, đảm bảo điều kiện sinh hoạt của nhân dân.
“Trong khả năng ngân sách địa phương và các quy định của Trung ương, tỉnh nghiên cứu nâng mức hỗ trợ phụ cấp đối với các trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh nhằm đãi ngộ tương xứng với sự đảm đương, gánh vác công việc ở cơ sở. UBND tỉnh giao ngành chuyên môn chuẩn bị nội dung đề xuất điều chỉnh Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh trong thời gian tới” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.