Tam Kỳ tiên phong chuyển đổi số

VINH ANH 08/09/2021 05:58

Với tinh thần tiên phong, đi nhanh, đón đầu trong chuyển đổi số (CĐS), TP.Tam Kỳ đặt kỳ vọng trong khoảng 5 năm đến, người dân, doanh nghiệp thông qua hệ thống công nghệ có thể thực hiện thủ tục hành chính, được cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng...

Đội Thanh niên xung kích của Thành đoàn Tam Kỳ tham gia hỗ trợ người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến tại Trung tâm Hành chính công thành phố. Ảnh: VINH ANH
Đội Thanh niên xung kích của Thành đoàn Tam Kỳ tham gia hỗ trợ người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến tại Trung tâm Hành chính công thành phố. Ảnh: VINH ANH

Nhiều việc cần làm

Theo số liệu thống kê của UBND TP.Tam Kỳ, đến nay thành phố có gần 28,7 nghìn cơ quan, hộ gia đình lắp đặt mạng internet băng thông rộng; hơn 111 nghìn điện thoại di động thông minh sử dụng mạng 3G, 4G; tất cả cơ quan, đơn vị của thành phố, xã, phường có lắp đặt, sử dụng mạng internet…

Ngoài ra, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của thành phố đã được đầu tư khá đồng bộ, kết nối đến 13 xã, phường; 4 xã nông thôn mới có hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông…

Về chính quyền số, UBND TP.Tam Kỳ đã triển khai thực hiện đồng bộ các phần mềm dùng chung như hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp Q-office, hộp thư điện tử công vụ, hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm quản lý cán bộ công chức, các ứng dụng Smart Quang Nam, Egov Quang Nam…

Điều đó đã thúc đẩy trao đổi, sử dụng văn bản điện tử, từng bước hình thành nền tảng chính quyền điện tử, tạo môi trường tương tác, kết nối giữa chính quyền với người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - ông Bùi Ngọc Ảnh, thành phố còn nhiều khó khăn trong CĐS cần sự tư vấn, hỗ trợ từ Sở Thông tin - truyền thông, các doanh nghiệp… để có bước đi vững chắc, rút ngắn thời gian trong CĐS.

Nhất là vấn đề liên quan đến hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; hệ thống cơ sở dữ liệu dù đầy đủ nhưng không kết nối, tích hợp để dùng chung; nhận thức về CĐS còn hạn chế từ cán bộ đến người dân; nguồn đầu tư cho công nghệ thông tin trong giai đoạn dài chưa tập trung quyết liệt; nhân lực công nghệ thông tin thiếu và yếu…

Mặc dù chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của TP.Tam Kỳ được đánh giá xếp thứ nhất trong 18 địa phương cấp huyện nhưng việc tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 vẫn còn ít. Một số danh mục dịch vụ công khó có thể thực hiện qua trực tuyến như lĩnh vực đất đai, cấp phép xây dựng.

Ông Ảnh cho hay, TP.Tam Kỳ quyết tâm tiên phong, đi đầu CĐS với kỳ vọng đến năm 2025 người dân, doanh nghiệp chỉ cần ngồi nhà cũng có thể làm được các thủ tục hành chính qua hệ thống công nghệ thông tin.

Sắp tới, HĐND thành phố sẽ ban hành nghị quyết riêng về CĐS giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Tam Kỳ cũng đăng ký với tỉnh sẽ xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn toàn thành phố, chứ không riêng ở vài phường.

Quyết tâm thực hiện

Sau UBND tỉnh, TP.Tam Kỳ là địa phương cấp huyện đầu tiên kết nối, hợp tác với Công ty CP FPT để triển khai CĐS. Lãnh đạo thành phố thể hiện rõ quyết tâm tiên phong trong CĐS khi mạnh dạn đề xuất với FPT hỗ trợ thực hiện ngay một số nội dung như xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) thông qua việc kết nối và làm giàu cơ sở dữ liệu dùng chung được số hóa; xây dựng ứng dụng dùng chung cho toàn dân; đào tạo, nâng cao năng lực CĐS cho cán bộ, người dân…

Quyết tâm đó đã đi vào hành động khi chính quyền thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 163 về thực hiện mô hình “Công dân không viết” tại Trung tâm Hành chính công Tam Kỳ nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ mức độ 3, 4 và tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo chỉ tiêu của UBND tỉnh giao.

 

Xác định thanh niên đóng vai trò trung tâm, xung kích trong tuyên truyền lẫn thực hiện triển khai CĐS nói chung và nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, UBND TP.Tam Kỳ đã chỉ đạo Ban Thường vụ Thành đoàn thành lập và đưa vào hoạt động “Tổ xung kích hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4” tại thành phố và xã, phường.

Anh Võ Thanh Cung - Bí thư Thành đoàn Tam Kỳ cho biết, Ban Thường vụ Thành đoàn đã thành lập, phối hợp với Phòng Văn hóa - thông tin tập huấn cho thành viên Đội thanh niên xung kích (TNXK) hỗ trợ khi mô hình “Công dân không viết” chính thức triển khai từ ngày 1.9.

Tham gia Đội TNXK, Phó Bí thư Đoàn phường Hòa Hương - Bùi Trần Khoa Huân chia sẻ: “Thông qua mô hình “Công dân không viết”, người dân truy cập website dịch vụ công của tỉnh để đăng ký và nộp các hồ sơ, giấy tờ bằng hình thức online.

Người dân không cần đến cơ quan chức năng để hoàn thành thủ tục và chỉ cần thao tác trên điện thoại, máy tính có nối mạng internet. Nhiều người dân được tôi hỗ trợ cảm thấy mô hình rất hay và thuận tiện cho họ”.

Anh Võ Thanh Cung cho hay, Đội TNXK tham hỗ trợ công dân tại Trung tâm Hành chính công qua 6 bước, trong đó trọng tâm là tuyên truyền, giải thích cho công dân, tổ chức về lợi ích và thuyết phục công dân, tổ chức nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4; đồng thời hướng dẫn cách thức nộp hồ sơ trực tuyến...

Qua triển khai thí điểm, Đội TNXK đã tạo được 131 tài khoản, 16 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. UBND thành phố đã thống nhất mở rộng phạm vi triển khai mô hình “Công dân không viết” đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã, phường của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tam Kỳ tiên phong chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO