UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 1189/UBND-KTTH về việc giao nhiệm vụ cho lãnh đạo các sở, ban ngành tham mưu thực hiện chương trình Tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ban hành trước ngày 15.4.2015.
Rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp hoàn thành thủ tục nộp thuế cũng là một trong những yêu cầu của Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh minh họa |
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 365/QĐ-TTg về Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2015.
Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP đã xác định mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2015, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; Không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa có nguồn bảo đảm; Tích cực huy động các nguồn lực với cơ cấu lãi suất hiệu quả, chú trọng các nguồn vốn rẻ, ưu đãi cho đầu tư phát triển kinh tế; Chống lãng phí trong sử dụng nguồn lực lao động và trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên, xử lý ô nhiễm môi trường; Hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức, chế độ làm cơ sở cho THTK, CLP.
Cắt giảm chi phí nhiều khoản
Chương trình THTK, CLP xác định một số chỉ tiêu tiết kiệm trong các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể bao gồm: quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công; quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn Nhà nước; thành lập các quỹ tài chính có nguồn từ ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng điện năng; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động. Trong đó có một số chỉ tiêu nổi bật như:
Thực hiện chỉ tiêu tiết kiệm chi 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương, trong đó phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% chi hội nghị, hội thảo; cử cán bộ, công chức, viên chức đi công tác; tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; sử dụng điện, nước, văn phòng phẩm, sách báo, tạp chí; Tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào.
Tiến hành rà soát cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp; phấn đấu tiết kiệm từ 10% đến 15% tổng mức đầu tư…
Đảm bảo 100% quỹ tài chính nhà nước có nguồn từ ngân sách nhà nước được thành lập, hoạt động và sử dụng kinh phí theo đúng quy định của pháp luật. Ngân sách nhà nước không cấp hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Tập trung hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã duyệt; Thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh hàng xuất khẩu, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh; đăng ký và thực hiện tiết giảm chi phí quản lý (từ 5% trở lên)...
Thực hiện giảm tổn thất điện cả năm xuống 8%, tiết kiệm điện tương đương 1,5% điện thương phẩm trong nước.
Thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về tinh giản biên chế. Không tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2015. Đối với số biên chế giảm do nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác, các đơn vị chỉ được bổ sung tối đa 50% số biên chế giảm; Giảm ít nhất 50% số giờ nộp các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp, thời gian các doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế, thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư, thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp, thời gian xuất khẩu và thời gian nhập khẩu…
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Để đạt được chỉ tiêu THTK, CLP nêu trên, chương trình cũng đã đề cập các giải pháp thực hiện chỉ tiêu, mục tiêu tiết kiệm như: nâng cao nhận thức, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; thực hiện công khai giám sát trên các lĩnh vực THTK, CLP và kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTK, CLP.
Chương trình cũng xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện. Theo đó, căn cứ Chương trình tổng thể về THTK, CLP của Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng chương trình THTK, CLP của bộ, ngành, địa phương mình; chỉ đạo việc xây dựng chương trình THTK, CLP của các cấp, các cơ quan, đơn vị trực thuộc và báo cáo tình hình thực hiện hàng năm, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm sau. Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập có trách nhiệm tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện ở đơn vị mình, đảm bảo phù hợp với chương trình THTK, CLP của Chính phủ.
Bộ Tài chính có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, thanh tra việc triển khai, thực hiện Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP và kiểm tra, thanh tra việc xây dựng, thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương.
B.T