Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị, thành phố (DDCI 2018) đã chính thức được ban hành. Kế hoạch này hy vọng mang đến sự bứt phá cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của Quảng Nam.
|
Người dân và doanh nghiệp đến liên hệ công việc tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư. Ảnh: T.D |
Hiện thực hóa năng lực cạnh tranh
UBND tỉnh vừa ban hành bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Theo đó, 20 sở, ban, ngành sẽ được đánh giá và xếp hạng theo 9 chỉ số thành phần. Cụ thể: tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động của lãnh đạo, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (chính quyền điện tử) và đào tạo lao động. Các huyện, thành phố, thị xã cũng được đánh giá và xếp hạng theo 9 chỉ số thành phần trên nhưng có thêm một chỉ số thứ 10 - đó là chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất. Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam cho hay, bộ chỉ số này sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung. Các tiêu chí đánh giá của từng chỉ số sẽ phù hợp với từng giai đoạn, tình hình thực tế và được công bố thường niên kể từ năm 2018.
Mô hình Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư của Quảng Nam là mô hình 3 trong 1 đầu tiên trên cả nước (hành chính công, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp) tập trung thực hiện quy trình 4 bước (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại chỗ); được đánh giá là một trong những thực tiễn tốt để chia sẻ với các tỉnh thành trên cả nước tại hội thảo về PCI do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID/Việt Nam) tổ chức tại Quảng Nam hôm 19.7.2018. Song nỗ lực ấy vẫn chưa đủ. Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư thừa nhận, cải cách hành chính vẫn chưa thể lan tỏa đến tận các địa phương và cơ quan công quyền. Thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Chất lượng những người thừa hành trong việc tham gia cải cách vẫn yếu. Tình trạng thiếu minh bạch, nhũng nhiễu và những ý kiến của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được các cơ quan công quyền tiếp thu, thụ lý và giải quyết một cách rốt ráo.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay xu hướng môi trường kinh doanh khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên hay Quảng Nam đã có nhiều cải thiện, gia tăng liên tục về điểm số, song tốc độ cải cách dường như vẫn chậm hơn các tỉnh, thành khác. “Kết quả khảo sát PCI 2017 cho thấy có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành. Những chủ trương, chính sách đúng đắn của lãnh đạo tỉnh không được cấp huyện thực hiện tốt. Kế hoạch đánh giá năng lực cạnh tranh cơ quan công quyền chính là một trong những điều kiện để hiện thực hóa các cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tạo lòng tin cho người dân và doanh nghiệp” - ông Tuấn nói.
Kỳ vọng về sự thay đổi
TS.Nguyễn Văn Hùng – Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng (cơ quan tư vấn, thực hiện việc khảo sát, đánh giá DDCI 2018 được Quảng Nam hợp đồng trọn gói) cho biết, cuộc khảo sát, đánh giá đã được tiến hành từ cuối năm 2017 đến tháng 1.2019 với sự tham dự của của khoảng 1.100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sử dụng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành và địa phương trong vòng 5 năm qua. Hiện cuộc khảo sát, đánh giá đang trong giai đoạn tiến hành thu thập thông tin doanh nghiệp, mở các cuộc họp lấy ý kiến và nhiều sở, ban, ngành đã góp ý kiến, cơ quan tư vấn điều chỉnh, lấy ý kiến tổng hợp trên tinh thần dễ trả lời, thuận lợi cho doanh nghiệp để đưa ra những câu hỏi xác thực, sát với thực tế doanh nghiệp và phản ánh đúng thực trạng, sát về quản trị điều hành của cơ quan công quyền.
Có thể nói DDCI sẽ tạo ra một kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp đóng góp ý kiến. Công cụ này sẽ giúp Quảng Nam đo lường cụ thể và nhận diện rõ những mặt đã làm được và những hạn chế cần phải tập trung khắc phục. Ngoài ra, có thể giám sát hiệu quả, nâng cao trách nhiệm giải trình của lãnh đạo sở, ban, ngành và địa phương, để có thể nắm bắt, giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính ngay từ cấp cơ sở, góp phần cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của các cấp chính quyền địa phương và sở ngành. Sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành sẽ tạo động lực cải cách hành chính quyết liệt và đồng bộ hơn. Ông Đậu Anh Tuấn cho biết kết quả khảo sát PCI 2017 đã ghi nhận các địa phương có DDCI đã đẩy điểm số chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng nhanh. Ví như Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh… “Tinh thần DDCI thực sự là một sự mạnh dạn trao quyền cho doanh nghiệp, tạo sự đồng bộ của các sở, ban, ngành địa phương thay đổi nhận thức và hành động của các cấp, ngành, cải thiện và duy trì thứ hạng PCI thông qua lắng nghe và hỗ trợ doanh nghiệp thực chất” - ông Tuấn nói.
Kế hoạch đã được triển khai trên diện rộng. Hiện mỗi cơ quan công quyền, chính quyền địa phương và công chức đang soi lại mình, phân tích, đánh giá các điểm mạnh, yếu, đưa ra những giải pháp phù hợp để thay đổi, cải cách triệt để, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp để cung cấp môi trường đầu tư tốt hơn. Ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư nói năng lực điều hành của cơ quan công quyền được đặt dưới “quyền giám sát, cho điểm” của doanh nghiệp. Không một cơ quan, địa phương nào muốn bị đánh giá thấp thông qua DDCI nên chắc chắn sẽ nỗ lực cải cách nền hành chính phục vụ mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Chính điều này góp phần tiến đến sự bứt phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải thiện thứ hạng PCI.
TRỊNH DŨNG