Xây dựng nông thôn mới ở Nam Trà My: Chậm mà chắc

DIỄM LỆ 19/12/2023 09:45

Là huyện miền núi, việc xây dựng nông thôn mới được Nam Trà My chú trọng triển khai theo phương châm “chậm mà chắc” để giữ vững từng tiêu chí sau khi đạt được, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Trung tâm xã Trà Mai sau thời gian đầu tư xây dựng nông thôn mới. Ảnh: D.L
Trung tâm xã Trà Mai sau thời gian đầu tư xây dựng nông thôn mới. Ảnh: D.L

Đi từng bước

Trà Mai là xã đầu tiên được chọn xây dựng nông thôn mới (NTM) của Nam Trà My bởi đây là xã trung tâm huyện, điều kiện triển khai có phần thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Đình Bình - Chủ tịch UBND xã Trà Mai, cho biết: “Sau khi đạt chuẩn xã NTM thì đến cuối năm 2023 Trà Mai đạt 18/19 tiêu chí, riêng tiêu chí nghèo đa chiều mới áp dụng từ năm 2021 ở mức cao nên xã miền núi bị rớt tiêu chí này. Đến nay, cơ sở hạ tầng của xã được quan tâm đầu tư, đường từ trung tâm xã về các thôn đã được bê tông hóa.

Bên cạnh đó, với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, hiện nay đường vô các cụm dân cư đã được cứng hóa trên 70%, đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa. Các công trình phục vụ thiết yếu cho sản xuất, sinh hoạt, thủy lợi, hệ thống kênh mương dẫn nước, nước sinh hoạt được xây dựng ở trung tâm huyện.

Các thôn được đầu tư hệ thống nước tự chảy, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên bởi các hoạt động được tổ chức thường xuyên và hướng về cơ sở, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia”.

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, sau Trà Mai, huyện tiếp tục triển khai xây dựng NTM ở những xã vùng cao hơn, đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Như xã Trà Linh đạt 15/19 tiêu chí, Trà Don đạt 14/19 tiêu chí, Trà Tập đạt 10/19 tiêu chí, Trà Cang đạt 12/19 tiêu chí, Trà Dơn đạt 10/19 tiêu chí...

Ông Mẫn nói: “Tiêu chí đạt được của các xã chủ yếu nhờ vào việc đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị. Riêng về tiêu chí giảm hộ nghèo đa chiều, nhà ở dân cư, tăng thu nhập trong nhân dân vẫn còn là bài toán khó ở địa bàn miền núi.

Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi của việc xây dựng NTM. Vì vậy những năm qua, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương là cây dược liệu dưới tán rừng”.

Du khách tham gia vào các hoạt động tại Làng du lịch văn hóa Tăk Chươm. Ảnh: D.L
Du khách tham gia vào các hoạt động tại Làng du lịch văn hóa Tăk Chươm. Ảnh: D.L

Người dân hưởng tích cực

Các chương trình chuyên đề trong xây dựng NTM triển khai trong nhân dân ở Nam Trà My nhận được sự vào cuộc rất tích cực. Như Chương trình mỗi xã một sản phẩm nhận được sự tham gia của nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh dược liệu.

Toàn huyện có 7 chủ thể tham gia OCOP từ năm 2021 - 2022 với 9 sản phẩm tham gia đạt sao OCOP cấp huyện, tỉnh. Nhiều sản phẩm sản xuất từ cây sâm Ngọc Linh tham gia đăng ký sản phẩm OCOP và đã có 1 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh là “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sapharaton” của Công ty TNHH Sâm Sâm.

Ngoài ra còn nhiều sản phẩm khác từ cây sâm Ngọc Linh, như rượu sâm Ngọc Linh, mật ong ngâm sâm Ngọc Linh, trà sâm Ngọc Linh. Cùng với đó là sản phẩm OCOP từ các loại dược liệu khác như chè dây, đẳng sâm, giảo cổ lam...

Chương trình du lịch nông thôn gắn với vùng dược liệu và sản phẩm OCOP của Nam Trà My đã được thực hiện suốt thời gian qua. Cùng với phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu tổ chức hàng tháng, lễ hội sâm Ngọc Linh vào tháng 8 hàng năm, thì những thắng cảnh thiên nhiên, làng du lịch văn hóa Tăk Chươm (Trà Mai), việc phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào... đã thu hút sự quan tâm nhiều hơn từ du khách.

Theo đánh giá của UBND huyện Nam Trà My, dù có những kết quả ban đầu, nhưng Nam Trà My vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng NTM, là huyện nghèo nên đời sống nhân dân còn nhiều bấp bênh, thu nhập thấp. Việc giảm nghèo trong dân vẫn còn bị động, chưa đạt được tính bền vững.

Nguồn lực đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2023 dù lớn nhưng lại gặp nhiều vướng mắc nên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, đồng thời cũng phải chờ một khoảng thời gian sau đầu tư mới đánh giá được hiệu quả thực sự. Dù nhiều khó khăn, nhưng Nam Trà My sẽ từng bước xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, không vội vàng để đạt được tính bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng nông thôn mới ở Nam Trà My: Chậm mà chắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO