Xử lý triệt để kiến nghị của doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 06/12/2018 07:18

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu chính quyền địa phương xã Tam Giang và huyện Núi Thành, các cơ quan hữu trách xử lý việc an dân, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp Thiên Hậu Phước triển khai dự án đóng và sửa chữa tàu thuyền, chậm nhất trước 20.12.2018.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chỉ đạo các địa phương, ngành xử lý dứt kiểm kiến nghị của doanh nghiệp Thiên Hậu Phước.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chỉ đạo các địa phương, ngành xử lý dứt kiểm kiến nghị của doanh nghiệp Thiên Hậu Phước.

“Tiến thoái lưỡng nan”

Buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ cuối cùng năm 2018 chỉ có Công ty CP Đóng tàu Thiên Hậu Phước đến trình bày kiến nghị. Đại diện doanh nghiệp cho biết, công ty có xây dựng một cơ sở đóng tàu cá vỏ thép công suất lớn và sửa chữa tàu thuyền trên phần diện tích 23.782m2 tại thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành. Mặc dù đã có đầy đủ giấy tờ, từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép đầu tư, xây dựng, đánh giá tác động môi trường… được các cấp thẩm quyền cấp nhưng công ty không thể tiến hành dự án. Cụ thể, khi triển khai xây dựng bờ kè giữ đất, xây tường rào bảo vệ tài sản để tránh bị sạt lở trong mùa mưa bão sắp đến thì các hộ dân xung quanh khu vực dự án cản trở, không cho thi công. Thiên Hậu Phước đã nhiều lần báo cáo UBND xã Tam Giang nhưng không được giải quyết dứt điểm.

Không thể tiến hành dự án, Công ty CP Đóng tàu Thiên Hậu Phước đã gửi công văn đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan hữu trách xem xét, giải quyết cắm mốc ranh giới đất cho doanh nghiệp. Ngày 27.8.2018, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Núi Thành, Sở TN&MT, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai giải quyết vướng mắc này. Song, cho đến nay, sau hơn 3 tháng, ách tắc này vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, khiến công ty gặp khó đầu tư cũng như quyết toán vốn vay với ngân hàng. Yêu cầu duy nhất của Thiên Hậu Phước là sớm được bàn giao mốc ranh giới mặt bằng hiện trạng theo đúng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được giao, tránh tình trạng tranh chấp không đáng có như hiện tại.

Ông Phan Thanh Hùng – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đóng tàu Thiên Hậu Phước cho hay, khi đàm phán, đối thoại hay trao đổi thì thống nhất, nhưng khi triển khai thì bị cản trở. Khi lập dự án, doanh nghiệp đã cam kết chừa 30m luồng lạch cho những ghe nhỏ đậu nhưng khi thấy luồng lạch hơi hẹp, công ty đã quyết định mở rộng lên 50m. Mọi điều đã được thực hiện xong, bây giờ ngư dân lại yêu cầu mở thêm 15m nữa thì không thể được vì mọi thiết kế đã hoàn tất, không thể để dự án bị ảnh hưởng. “Dân yêu cầu có thêm một bãi cát kéo ghe lên, công ty đã thực hiện. Thực hiện xong rồi, dân lại yêu cầu muốn mở rộng thêm nữa, để có thêm nhiều tàu thuyền khác neo đậu. Doanh nghiệp nhượng bộ, nhưng vẫn không thể thỏa mãn yêu cầu của dân. Không thể tiến hành dự án, công ty đã xin gia hạn giấy phép đầu tư, nhưng không lẽ lại phải tiếp tục xin gia hạn tiếp. “Tiến cũng dở, lùi cũng không xong. Không còn cách nào khác, doanh nghiệp xin giải quyết triệt để, chấm dứt tình trạng ách tắc này” - ông Hùng nói.

Xử lý dứt điểm

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang Phạm Văn Châu doanh nghiệp không lấn đất, đầu tư không sai, nhưng việc cản trở thi công thuộc về những người có ghe thuyền nhỏ. Họ muốn có chỗ neo đậu vì đó là quyền lợi, là sinh kế của dân. Ông Châu nói xã không đủ quyền, yêu cầu UBND huyện Núi Thành vào cuộc, thỏa thuận hợp lý giữa đôi bên, không nên để sự việc giằng co kéo dài.

Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Văn Thịnh nói việc tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động là trách nhiệm của địa phương. Nếu biết sớm hơn thì chắc chắn sẽ có những cuộc làm việc. Nhưng doanh nghiệp không thể nhượng bộ để giao lại đất cho dân. “Tranh chấp đến đâu, giải quyết đến đó, bởi người tranh chấp không phải số đông. Không đến nỗi không giải quyết được. Sẽ xử lý ngay. Nếu doanh nghiệp làm đúng các thủ tục, chính quyền sẽ có những biện pháp bảo vệ thi công” – ông Thịnh nói.

Đề cập chỗ neo đậu tàu thuyền cho ngư dân, ông Thịnh nói hiện địa phương đang bí vị trí neo đậu tàu thuyền. Khi doanh nghiệp đầu tư, họ sợ mất chỗ neo đậu nên phản ứng là chuyện thường. Không khó giải quyết mâu thuẫn này, một khi xây dựng thêm những khu neo đậu tàu thuyền, nhưng nguồn lực ngân sách địa phương không đủ để thực hiện. Cùng quan điểm, ông Lưu Phước – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT) nói nếu giải quyết việc cắm mốc cho doanh nghiệp có thể giải quyết được điều gì không? Không thể nhượng bộ mãi được. Mấu chốt là chính quyền chưa tạo điều kiện cho dân có bến neo đậu tàu thuyền. Không thể đụng đâu xử đó mà cần nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng. Đó mới là căn cơ để giải quyết tình trạng tranh chấp này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân xác nhận doanh nghiệp chỉ có thể chia sẻ lợi ích với cư dân vùng dự án. Không thể đáp ứng hết các yêu cầu của số đông ngoài vùng dự án. Không thể quy hết trách nhiệm về doanh nghiệp. Ông Tân yêu cầu chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhanh chóng xác định mốc giới cụ thể, bàn giao cho doanh nghiệp. Họp dân vận động, tuyên truyền, giải thích. Phân loại, xử lý các đối tượng kích động tạo ra sự bất ổn hay cản trở thi công. Cần kế hoạch quy hoạch, bố trí địa điểm cho ngư dân neo đậu tàu thuyền. Khó khăn hay vướng mắc về cơ chế, chính sách, vốn đầu tư… trình UBND tỉnh xem xét. Toàn bộ nội dung này cần phải hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20.12.2018 với yêu cầu cuối cùng là tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án đi vào hoạt động một cách sớm nhất!

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xử lý triệt để kiến nghị của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO