Trong bức tranh kinh tế - xã hội không khả quan, giảm nghèo bền vững trở thành điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu năm 2023. Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trương Thị Lộc xung quanh việc thực hiện nhiệm vụ này.
Kết quả ấn tượng
- Thưa bà, kết quả giảm nghèo năm 2023 được cho là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội. Xin bà cho biết kết quả cụ thể về giảm nghèo cho đến thời điểm này?
- Bà Trương Thị Lộc: Theo kết quả rà soát sơ bộ các địa phương gửi về Sở LĐ-TB&XH để báo cáo UBND tỉnh, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh đến ngày 20/11 là 33.463 hộ (7,56%).
Trong đó, tổng số hộ nghèo là 25.066 hộ (5,66%), giảm 4.080 hộ/chỉ tiêu là 3.000 hộ nghèo, tương ứng với tỷ lệ giảm 0,97% so với năm 2022; tổng số hộ cận nghèo là 8.397 hộ (1,90%) giảm 276 hộ, tương ứng với tỷ lệ giảm 0,08% so với năm 2022.
Trong việc thực hiện rà soát hộ nghèo, 18/18 huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch rà soát, thành lập ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo ở cấp huyện và cấp xã, phân công cán bộ đứng điểm.
Sở LĐ-TB&XH phối hợp với địa phương tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin bằng phần mềm "Connection" trong rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều.
Các địa phương đã thực hiện đạt tiến độ mà UBND tỉnh đã ấn định trong kế hoạch và đang phúc tra lại kết quả sơ bộ để ban hành quyết định đối với từng địa phương, trước khi Sở LĐ-TB&XH tiến hành kiểm tra kết quả cuối cùng, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về số hộ nghèo, cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của năm 2023.
- Các địa phương và đơn vị đã nỗ lực như thế nào để có được kết quả này, thưa bà?
- Bà Trương Thị Lộc: Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, hộ nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực các huyện miền núi, nên sự nỗ lực của các địa phương miền núi là rất lớn trong thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn này thuận lợi là các địa phương miền núi được đầu tư tổng lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nên có điều kiện, nguồn lực để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, mô hình sinh kế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đầu tư giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm...
Dù có nhiều vướng mắc, khó khăn trong giai đoạn đầu thực hiện các chương trình, nhưng đến nay tạm thời những vướng mắc được tháo gỡ, nên việc thực hiện các chương trình ở những tháng cuối năm hiệu quả hơn, tiến độ tốt hơn, tác động trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều.
Việc triển khai phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 đã được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả.
Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tích cực phối hợp, tham gia tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về giảm nghèo.
Đồng thời, đã phát động nhiều phong trào về giảm nghèo, đa dạng về hình thức, nội dung thực hiện. Các cơ quan truyền thông, báo đài của tỉnh đã tuyên truyền nhiều hơn về giảm nghèo bền vững, tác động đến việc nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị và nhân dân.
Giải pháp sát thực tế
- Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh và đạt kết quả thoát nghèo đối với 2 huyện Phước Sơn, Bắc Trà My, ngành LĐ-TB&XH sẽ tham mưu những giải pháp thực hiện công tác này như thế nào?
- Bà Trương Thị Lộc: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2 huyện nghèo là Phước Sơn và Bắc Trà My đăng ký thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 theo đề án.
Với huyện Phước Sơn cần đạt được tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 6 - 7%/năm, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 55,15% vào cuối 2021 còn 22,06% cuối 2025; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm (tăng 1,8 lần so với năm 2020); phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm Phước Năng, Phước Chánh, Phước Công và Phước Hiệp; số đơn vị cấp xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn còn 6/12 xã, chiếm 50%.
Đến cuối năm 2025, tổng điểm đánh giá theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 36 ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Phước Sơn là 29 điểm, nên có khả năng thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn khi được đầu tư tổng lực.
Với huyện Bắc Trà My, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 6 - 7%/năm, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 57,03% (cuối năm 2021) còn 20,84%; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm; phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Trà Sơn và Trà Giang; số đơn vị cấp xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn còn 6/13 xã, chiếm 46,15%. Đến cuối năm 2025, tổng điểm đánh giá theo tiêu chí quy định, huyện Bắc Trà My là 29 điểm, có khả năng thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Để đạt mục tiêu đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên bố trí vốn ngân sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi, ưu tiên bố trí vốn theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), đặc biệt là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Với 2 huyện nghèo Phước Sơn, Bắc Trà My tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân.
Các chương trình phải tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin).
Khi phân tích các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo tại 2 huyện Phước Sơn và Bắc Trà My đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra và đến năm 2025 thoát khỏi huyện nghèo là khả thi. Trong đó năm 2022 và 2023, 2 huyện đều đạt vượt mục tiêu giảm hộ nghèo tỉnh giao.