(QNO) - Ngày 19/2/2025, nhằm ngày 22 tháng Giêng, ông Nguyễn Dị Cổ và ông Võ Thái (công chức Văn hóa - xã hội UBND xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn) khi điền dã di tích lịch sử - văn hóa của địa phương đã thấy một chiếc chuông cổ, có thể được đúc vào khoảng năm 1743 ở chùa Hồng Phúc (đường số 1, thôn Hạ Nông Đông).
Hình dáng chuông chùa Hồng Phúc này giống với chuông chùa Đà Sơn (Đà Nẵng), một chuông chùa được xem có niên đại sớm nhất ở đất Quảng lâu nay. Kích cỡ chuông thuộc loại vừa, không phải đại hồng chung. Độ cao chuông khoảng 80-90cm, miệng chuông 40-45cm. Trên thân chuông có vài lỗ thủng to, có lẽ do đạn pháo chiến tranh.
Hồng chung này do Hội chủ Nguyễn Sĩ Tài (tự Đạo Trí), bà Nguyễn Thị Hùng (hiệu Diệu An) cùng những người đứng đầu trong làng như Trùm lệnh, Hương trưởng và dân làng đồng lòng tổ chức đúc chuông.
Chuông không ghi rõ niên đại, chỉ ghi “ngày tốt tháng 2 năm Quý Hợi”. Tuy nhiên, văn tự Hán Nôm trên chuông có nhắc đến thông tin “xã Hạ Nông, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt”. Theo đó, chuông chùa Hồng Phúc này được đúc muộn nhất vào năm 1743, sớm hơn một giáp so với chuông chùa Đà Sơn năm Ất Hợi - 1755. Đồng thời, dòng chữ trên chuông còn cho biết tên ngôi chùa thời bấy giờ mang tên Sùng (?) Khánh.
Minh văn trên hồng chung còn thể hiện triết lý Phật giáo và tinh thần hướng thiện, “cầu an, thỉnh phước”, cùng nhau giác ngộ. Chuông chùa Hồng Phúc sẽ góp thêm tư liệu về lịch sử vùng đất và Phật giáo ở Quảng Nam.